Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

  Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và vấn đề giáo dục con cái...

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

 Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và vấn đề giáo dục con cái...  Empty
Bài gửiTiêu đề: Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và vấn đề giáo dục con cái...     Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và vấn đề giáo dục con cái...  EmptyWed May 11, 2011 7:26 pm

GIÁO XỨ ...............................

__________________________ Bài cảm nhận
Nhân buổi nói chuyện của Linh mục Chánh xứ
với giới Gia Trưởng – Hiền mẫu
Qua đề tài: Gia đình & vấn đề giáo dục con cái
Ngày 06-12-2008.

______________________________

Kính thưa Cha.

Có lẽ đây là lần cuối cùng của năm Mục vụ 2008 - Cha đã tổ chức buổi nói chuyện chủ đề cho giới gia trưởng và cho các bậc phụ huynh nói riêng một buổi nói chuyện về tinh thần Giáo dục KiTô giáo.

Qua bài nói chuyện của Cha – đây cũng là một đề tài rất bổ ích và thú vị trong cuộc sống thường ngày đối với những bậc làm cha mẹ như chúng con. Vấn đề giáo dục hình như là một vấn đề trường thiên và dai dẳng trong cuộc sống của mỗi con người; ngày hôm qua - Chúa Nhật II Mùa Vọng của năm 2008, những ngày cuối năm hơi se lạnh, mọi con người bất kể thành phần tôn giáo đều nao nức mong đợi ngày Chúa đến – ngày Noel của nhân loại, trong khi chúng ta những con người KiTô giáo cũng chuẩn bị cho mỗi tâm hồn của chính mình để được Chúa Hài đồng ngự vào lòng; thì vẫn đang còn có những bậc cha mẹ đang đau khổ vì chính những đứa con hoang đàng của mình; với những lý do không dạy nỗi con cái, nói bảo nó không nghe, con cái không tuân phục và vâng lời cha mẹ, đủ thứ trăm ngàn lý do khác mà đề tài hôm nay chúng ta sẽ bàn luận.

Ngày hôm nay bài nói chuyện của Cha chỉ mang tính kể chuyện và tường thuật lại những sự kiện, những câu chuyện, những hình ảnh tiêu biểu của những đứa con hoang đường trong cuộc sống thường ngày mà các bậc cha mẹ phải gánh chịu – vấn đề này Cha chưa đề cập đến câu chuyện: Chính Chúa đã đặt trên vai mỗi chúng ta một cây thập tự khổ giá trong cuộc sống thường tình này – đôi khi chúng ta thử suy gẫm lại bởi do đâu mà dẫn đến cảnh thống khổ trần ai này ? Có lẽ trong mỗi chúng ta đều có những câu trả lời cách riêng theo chính hoàn cảnh và của bản thân mình; đèn nhà ai nấy sáng phải không thưa Cha – chúng con tin chắc rằng Cha sẽ không có câu trả lời thỏa đáng !

Những câu chuyện (Cha kể)của những người con thuộc vào lứa tuổi Teen đã làm cho các bậc cha mẹ phải thường xuyên suy nghĩ và nhức đầu, luôn bị chi phối với các công việc làm ăn trong cuộc sống… Nhưng những hình ảnh mà Cha đã đưa ra là những hình ảnh của Net; đồng ý đó là những hình ảnh có thật, ở xứ đạo của chúng ta cũng có biết bao hình ảnh tương tự như thế – cho dù xứ đạo của chúng ta toạ lạc vào một xứ nghèo của một vùng quê nhưng quê không ra quê – tỉnh chẳng thành tỉnh nữa nạc nữa mỡ, đôi lúc không biết liệt vào thành phần nào trong xã hội, vấn đề giáo dục con cái theo tinh thần KiTô giáo và hướng thiện theo tinh thần xã hội thì quả là một vấn đề dễ nhưng hơi khó, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có đủ kiến thức và bản lĩnh để răn dạy con cái của mình. Đôi khi chúng ta tự hỏi: tại sao nó hư hỏng khốn khổ như thế ? Và cũng đôi khi chúng ta lại buông xuôi và để mặc… rồi lại đổ thừa: Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính ! Mấy người trong chúng ta có đồng tình với những lập luận như thế không ? Theo cá nhân tôi nghĩ: Không lẽ chúng ta đổ thừa cho Trời, cho đất, hoặc gán ghép cho xã hội hôm nay văn minh và đang trên đà phát triển ! Vấn đề này cần phải xem lại và có một cuộc hội luận thật chi tiết và mổ xẻ vấn đề để cùng tìm hiểu và học hỏi. Lại có người cho rằng: thôi thì nó hư rồi, lớn rồi nói mãi không nghe, khổ lắm, cuối cùng như một chiếc lá trôi theo dòng nước – để mặc. Chúng ta nhìn lại những hình ảnh câu chuyện mà Cha đã tiết lộ cho chúng ta đã ở trên Net: Câu chuyện thật thương tâm: một chàng thanh niên nhờ mẹ nuôi nấng cho ăn học thành tài đạt được danh vọng, sống trong một lĩnh vực giàu có sang trọng thì lại cố tình quên mất người mẹ của mình là một bà già nhà quê xấu xí, bị đui mắt, câu chuyện còn dài nhưng khi nhận ra sự hy sinh cao cả của tình mẫu tử thì người mẹ đã về với cõi vĩnh hằng – muộn mất rồi; câu chuyện cô con gái tuổi Teen hoang đàng lừa dối cha mẹ để thỏa mãn các nhu cầu của mình, câu chuyện của một em gái 15 tuổi đời đã đồng tình luyến ái với chị mình để rồi bị một tát tai vào mặt, sau đó cầm dao đâm chính chị mình… Câu chuyện của những đứa con bất hiếu với cha mẹ mình để theo bạn bè ăn chơi sa đoạ; chuyện của những đứa con gái tuổi Teen tạo băng lập nhóm để tạo cho mình một sức sống mới; hình ảnh của những bậc làm cha mẹ đôi lúc phải ngồi chống cằm suy nghĩ: Tại sao tôi phải lâm vào cảnh khổ vì con như thế ? !

Đó là một vài nét câu chuyện Net của Cha xứ trong bài thuyết trình về chủ đề giáo dục con cái trong gia đình – một vấn đề đáng lưu tâm ở đây là tại sao Cha không đưa ra những giải pháp giáo dục khắc phục tình huống mà chỉ đưa ra những hình ảnh vấn đề có thực ? theo chúng con nghĩ: Cha chỉ là nhà tu hành nên không biết được vấn đề tâm lý xã hội như thế nào, vã lại Cha không phải là những người ở vào những hoàn cảnh như thế nên Cha không nghĩ tới những giải pháp khắc phục như vậy ! Ở đây sau bài thuyết trình của Cha, chúng con thiết nghĩ bài nói chuyện chưa có sức thuyết phục. Chính vì vậy sau khi tham dự thánh lễ ngày qua ấy, tại một quán cafe nhỏ chúng con đã có những vấn đề cần tham luận:

- Tình huống đã được nêu ra, một trong muôn vàn hình ảnh của cuộc sống, với những bậc làm cha mẹ cần nên có những giải pháp nào trong vấn đề giáo dục con cái ?
- Những giải pháp giáo dục con cái đối với bậc cha mẹ cần nên có những yếu tố và điều kiện nào trong hoàn cảnh của mỗi gia đình, nhất là đối với gia đình KiTô giáo của chúng ta ?
- Vấn đề hướng thiện cho giới trẻ, chúng ta cần có những kế hoạch, chiều hướng nào trong gia đình và cuộc sống ?
- Việc giáo dục con cái cần theo chiều hướng nào trong lĩnh vực KiTô giáo của chúng ta ?

Kính thưa Cha.

Đây là những vấn đề mà chúng con tự nêu ra để cùng nhau tìm ra những giải pháp thích hợp và tuỳ theo hoàn cảnh của chính mình trong vấn đề giáo dục tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên. Việc đúng sai và phù hợp hay không là do chính mỗi con người chúng ta nhận thức và định đoạt, do đó qua bài nói chuyện của Cha, theo thiển ý của chúng con, chúng con xin đưa ra những giải pháp bé nhỏ như sau:

1- Với những bậc cha mẹ cần nên có những giải pháp nào trong vấn đề giáo dục con cái ?

Khi nói đến chuyện giáo dục thì xã hội bây giờ đang còn phải nan giải trong lĩnh vực này, chính vì thế mà giữa nhà trường và gia đình, theo như chúng con được biết tại các giáo xứ khác như chúng ta, Linh mục Chánh xứ đã tổ chức những buổi Hội thảo về vấn đề này… Nhưng trách nhiệm thuộc về ai ? Đây là vấn đề cần đáng quan tâm ! Nhà trường, xã hội là một lĩnh vực bao quát và tổng thể, gia đình là một môi trường xã hội thu nhỏ nhưng có tầm mức to lớn trong sự nhận thức của mỗi con người. Ở đây chúng con xin chỉ đề cập đến vấn đề gia đình mà thôi. Hiện nay có nhiều bậc cha mẹ chỉ biết lo kiếm tiền, làm kinh tế để bồi đắp vào cho gia đình được thỏa mãn theo nhu cầu cuộc sống; có người thì Trời cho no đủ thỏa mãn, lại có người đầu tắt mặt tối vẫn không đủ đâu vào đâu thì làm sao mà để ý đến vấn đề con cái, hàng ngày con cái làm gì - mặc kệ, nghĩa là làm sao đừng bị mâu thuẫn, khuyết điểm gì là được, có người nghĩ rằng:

- Đừng để bị tai tiếng gì cho gia đình, học hành sao cũng được miễn là được lên lớp, đừng hoang đàng bê tha truỵ lạc để rồi tiếng xấu ở đời…
- Đừng để bị ai thưa gởi, nói điều này, điều nọ;
- Mọi sự yên hàn vẫn luôn đến với mình là được…

Với cái lề lối giáo dục mackeno hình như đã thấm nhuần trong thời buổi thị trường và cuộc sống kỹ thuật số hiện nay, các bậc cha mẹ có nói cho lắm thì con cái bước ra đường, ngoài xã hội thì biết bao nhiêu sự quyến rũ mê hồn: mày quê quá; thời buổi này mà mày còn…; sống cho ra sống chứ!; không chơi làm sao biết, ân hận cả một thời son trẻ… đủ thứ ngàn lẻ một lý do để quyến rũ; trong khi với lứa tuổi teen hồn nhiên và năng động ai cũng muốn mình là một cascader của thời đại – từ đó sau ý nghĩ háo thắng – nó lao vào cuộc chơi mà chưa nghĩ thấu đến hậu quả khôn lường về sau…

Vì thế ngay từ khi con cái còn nhỏ, bậc cha mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng:

- Ôi chà! Nó còn nhỏ biết gì, đánh đập làm gì tội nghiệp (mất công sinh ra sự xung khắc giữa cha mẹ và con cái).
- Nuôi con lớn lên, đừng áp dụng vấn đề roi vọt, theo chế độ tây phương không nên xúc phạm thân thể người khác, chỉ dùng lời nói, cho nó ăn được cái gì mà đánh đập nó hoài…

Nhưng các bậc cha mẹ có biết đâu rằng: đó là những ý nghĩ gây nên nhu nhược và tiêu cực của mình trong vấn đề giáo dục con cái (ngay từ tuổi thơ ấu); nhỏ không dạy, lớn khó răn, chính vì vậy chúng ta đừng nên tiếc một hai trận đòn thật đích đáng từ tuổi ấu thơ để rồi về sau đứa trẻ sẽ có ấn tượng: bố mẹ mình nghiêm khắc lắm, làm cái gì tất nhiên nó sẽ nghĩ đến những trận đòn nhớ đời kia mà còn có thể tránh được, lớn lên chúng ta không thể dùng roi vọt như ngày còn thơ ấu mà lúc này phải ngồi lý giải và phân tích cái thật cái giả, cái hay cái đúng, cái nên và cái hư cho nó nhận biết:

- Nhà mình nghèo lắm, làm lụng như con thấy không đủ ăn mà có tiền đâu mà mua xe…

- Đừng bao giờ làm cái gì để rồi gây tai tiếng cho gia đình, không hay chút nào cả, đừng để cho thiên hạ xầm xì: thằng ………… lớn như vậy mà còn nghe theo lời chúng bạn làm cái này cái nọ….

- Nhà mình còn em nhiều, con là lớn cần nên nghĩ đến hoàn cảnh của mình không giàu có như nhà người ta mà ganh đua, chỉ cầu xin Trời cho hàng ngày no đủ là cảm ơn Trời Phật rồi.

Rất nhiều lý do để nói với con cái trong từng hoàn cảnh và từng gia đình, vì vậy bậc làm cha mẹ phải luôn lưu tâm và để ý đến vấn đề con cái trong nhiều vấn đề của cuộc sống, trong bài nói chuyện của Cha xứ vào ngày 07-06-2008 về đề tài Gia đình và cuộc sống cũng đã đưa ra nhiều về vấn đề này, nhất là bữa cơm tối gia đình mà tác giả bài viết đã gửi lên cho Cha Xứ… Lưu tâm đến cách ăn chơi của nó, để ý đến lời ăn tiếng nói, nhất là nên để ý đến chuyện học hành của con cái; cần hướng dẫn cho con cái những lần ngồi vào bàn học xem thử chúng học gì, coi gì, và làm gì ? Bậc cha mẹ cần để thời gian vào cho cuộc sống con cái nhiều hơn, để hướng thiện cho chúng thành người tốt; có răn dạy thì sẽ nên người, có bỏ công thì mới mong thu hoạch, vì vậy bậc cha mẹ của chúng ta chớ nên chú trọng phải làm ra thật nhiều tiền, mua nhiều của cải giá trị để mong rằng được hơn thiên hạ mà chính cái gia tài đồ sộ và lâu dài của chính mình lại bị mai một và hư nát…

2- Trong lĩnh vực gia đình KiTô giáo, những bậc cha mẹ cần nên có những yếu tố và điều kiện nào trong hoàn cảnh của mỗi gia đình ?

Chúng ta vẫn còn nhớ những lời trong kinh Lạy Cha: . . .Xin Cha cho chúng con hôm nay và hàng ngày dùng đủ, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Lĩnh vực gia đình KiTô giáo của chúng ta hiển nhiên gán thêm cho chúng ta thêm nhiều trách nhiệm hơn những gia đình lương giáo khác: sinh con, nuôi khôn lớn, may mắn và an bình, trách nhiệm với Giáo hội: Rửa tội, Xưng tội Rước lễ, Thêm sức, Hôn nhân (hoặc đi tu dâng mình cho Thiên Chúa); khác hẵn với những gia đình khác: sinh, nuôi khôn lớn và mong thành đạt (đương nhiên chẳng có ai muốn con mình hư bao giờ); chúng ta vẫn luôn tin rằng: có Thiên Chúa che chở, có Mẹ Maria phù hộ, mỗi người đều có Thiên thần bản mệnh hỗ trợ cho chúng ta trong cuộc sống, tuy nhiên bên cạnh đó ma quỷ vẫn luôn theo dõi và mưu kế cám dỗ ta trong cuộc sống, vì vậy ngoài vấn đề sống là sinh tồn chúng ta cần phải làm gì để cho đức tin của chúng ta được bền vững ? Cầu nguyện và cần sống như thế nào để theo ý Thiên Chúa, đó là điều cần quan tâm.

Cũng như trong cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình đôi khi chúng ta tự thái quá cho rằng: Số Trời đã định; mình chưa gặp may… Đôi khi buông xuôi cho số phận hoặc dòng đời đưa đẩy, nhưng ít ai nghĩ rằng: trong cuộc sống chúng ta cần tự phấn đấu và vươn lên, theo thuyết giáo Kinh Thánh thì chúng ta cũng biết: Một sợi tóc rụng xuống đều do bởi ý Thiên Chúa! – nhưng có người nghĩ rằng: mọi việc đều do mình định đoạt, số phận hay không chỉ là thuyết của duy tâm của mơ hồ hư vô mà thôi… còn chúng ta đứng trước những hình ảnh như vậy chúng ta sẽ nghĩ gì một khi chúng ta là những gia đình KiTô giáo, những gia đình Công giáo, chúng ta vẫn hằng tin rằng: Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn luôn ngự trị trong mỗi chúng ta mỗi khi chúng ta nhớ đến Ngài. Nhiều bậc cha mẹ (như chúng tôi thường thấy) rất xem nhẹ vấn đề giáo lý của con cái hoặc ít khi quan tâm đến vấn đề đạo nghĩa của con mình – học sao mặc kệ; không cần quan tâm, nghĩa là làm sao đừng làm cái gì đó có liên quan đến việc bỏ đạo là được – như vậy thì đã có một cái nhìn thái quá…

Vậy thì trong lĩnh vực gia đình KiTô giáo, những bậc cha mẹ cần nên có những yếu tố và điều kiện nào – đây là điều mà chúng ta cần quan tâm và chia sẻ; chúng ta phải nghĩ rằng: mình được hơn thiên hạ là mình còn có một đức tin; cái đức tin của người KiTô hữu chắc có lẽ hơn hẵn những đức tin khác, tin tuyệt đối vào một Đấng Tối Cao và quyền năng vũ trụ, chúng ta phải thấu hiểu rằng: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ tạo dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa và có một trí khôn để biết nhận định và suy xét. Tại sao chúng ta đang sống và làm gì; sống như thế nào cho đẹp lòng Ngài, điều mà các bậc cha mẹ ít quan tâm là trong xã hội hiện nay theo đà phát triển của xã hội, con người ít nghĩ suy và cậy nhờ vào Thiên Chúa là Đấng Tối Cao nhìn thông suốt mọi sự; đôi khi tự cho rằng: chính mình sẽ tạo nên tất cả, quyết định được mọi sự; hoàn thành hay thất bại đều do mình, không có sự giúp đỡ nào cả ngoài chính mình… Đó chẳng qua chỉ là duy vật biện chứng! Còn chúng ta: Các con có tin Thầy là Đấng quyền năng tạo dựng nên tất cả không ? Nhiều khi trong số bạn bè (trí thức) đã lập nên những thuyết biện chứng để tranh cãi là vũ trụ không có Đấng Tối Cao nào cả, thiên đàng, hoả ngục, lương tâm đều do chính ở ngay mình, nhưng đó là mỗi chúng ta tự suy nghĩ và sống…

Cha mẹ – sinh con để làm gì, nhiều người cho là nối dõi tông đường, nhiều người lại cho rằng đó là luật sinh tồn tự nhiên, cha mẹ sinh con Trời sinh tính, bổn phận chúng ta là nuôi nấng, dạy dỗ và giáo dục cho chúng, giáo dục như thế nào, chiều kích nào thì chúng ta phải cần bàn đến. Mỗi gia đình, Thiên Chúa đã an bài cho chúng ta, (theo thiển ý của chúng tôi) nên bằng lòng với hiện tại của chính mình mà vui sống, trong cuộc sống chúng ta cần nên có một lý tưởng và cố gắng sẽ đạt đến mục đích đó, giáo dục con cái không phân chia giàu nghèo sang hèn, đó là bổn phận của mỗi người làm cha mẹ, hãy tự khẳng định lại mình, xác định lập trường của mình trong ý nghĩ và trong đời sống để từ đó chúng ta mới có chiều hướng giáo dục và răn dạy con cái của mình; cần nên để ý tới chúng, theo dõi chúng từng việc làm và cần nên hướng thiện cho chúng sống theo lẽ phải, chân thật, cần dạy cho chúng biết ý thức được trong cuộc sống, từng việc làm, từng hành động sẽ có một Đấng Tối Cao phù hộ và dẫn dắt cho chúng ta – mặc dầu thành công huy hoàng hay thất bại cay đắng, mọi sự đều do chính bởi Thượng đế Toàn năng; không tự mãn trước những thành công; không thất vọng trước những thất bại, hãy biết vươn lên và tự chủ lấy mình, biết nhận định việc mình làm; cho dù nghèo hèn chúng ta vẫn lạc quan và sống, sống để tin vào một Đấng quyền năng nào đó, hãy dạy cho chúng biết rằng: sự khôn ngoan của con người thế gian, sự suy nghĩ của chúng ta là do bởi Đấng quyền năng ban cho; chúng ta còn được vinh dự hơn hẵn những con người tâm thần không nhận định được việc của chính mình làm… Vì thế yếu tố và điều kiện của bậc làm cha mẹ trong mỗi gia đình của mình trước hết chúng ta cần nên xác định lại chính mình, đang ở trong vai trò nào, giai cấp nào, không nên đua chen với người khác, không nên tự kỷ với chính mình mà điều cốt yếu là cần lạc quan trong cuộc sống trong mỗi công việc để từ đó trách nhiệm của chúng ta trước mắt còn dài mà chúng ta phải làm, giáo dục con cái của chúng ta tuỳ theo hoàn cảnh và điều kiện đó là điều tất yếu của mỗi chúng ta vậy. Không thể đòi hỏi vào một địa vị cao sang danh giá trong khi chúng ta chỉ là những ngọn cỏ. Hãy nhớ lại lời thư của Thánh Phaolo: Anh em hãy vui đi mà sống, vì trong cuộc sống chúng ta tin tưởng rằng có Thiên Chúa ở với chúng ta và luôn phù hộ cho chúng ta, cho dù trong sự thất bại của chúng ta, mọi việc Thiên Chuá đã an bài… Chúng ta sẽ nghĩ gì !

3- Giải pháp hướng thiện cho giới trẻ, cần có những gì ?

Giáo dục, như chúng ta đã biết là một trường thiên bất tận, chỉ một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi thì mới mong hết học mà thôi, giáo dục chữ nghĩa, lễ phép, danh dự và uy tín là chuyện hầu như cả đời người; chính vì thế mà bảy mươi còn học bảy mốt – như vậy học là một vấn đề không bao giờ ngừng trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta những bậc làm cha mẹ cần hướng thiện cho con trẻ như thế nào, vấn đề này chắc hẵn chúng ta cũng đã nghe nhiều trên các phương tiện truyền thông nói nhiều, nhưng theo thiển ý của chúng tôi, vấn đề giải pháp giáo dục và hướng thiện cho lớp trẻ cần nên thực hiện những chiều hướng như sau – theo kinh nghiệm của một số chuyên gia tâm lý giáo dục:

- Lúc còn nhỏ, cha mẹ không nên cưng chiều con cái thái quá, cần nên có một sự kỷ luật cứng rắn, đừng bao giờ tỏ thái độ cho chúng biết; chẳng hạn: vừa đánh đòn vừa cười, đánh nhẹ, đánh xong ôm con vào lòng hôn hít ! làm như vậy chúng sẽ tưởng rằng cha mẹ vẫn còn thương mình nhiều, chỉ đánh đòn qua loa lấy lệ, cứ nếp này sẽ quen dần, về sau nó tự sinh ra tính tự chủ và cãi lại cha mẹ trong mọi tình huống mọi vấn đề.

- Ông bà ta thường có câu thương cho roi cho vọt – vì thế chúng ta những bậc làm cha mẹ không nên tiếc rẻ một hai trận đòn đích đáng để cho con trẻ nhớ đời, đánh đòn xong cứ làm như còn giận hờn, không nên tiếp xúc thân mật quá với nó, để làm gì ? Chúng sẽ tự nghĩ ra cha mẹ hình như không còn thương yêu mình nữa, đứa trẻ sẽ mang lấy một sự tủi hờn (nhưng còn tình thương của người mẹ, anh chị em…) và từ đó hình ảnh của người cha sẽ là một ấn tượng kỷ luật mỗi khi chúng vi phạm điều gì thì chúng sẽ nghĩ đến những trận đòn nhớ đời của thời gian trước đó.

- Mỗi lần dạy bảo nó điều gì, bậc cha mẹ cần đúng đắn, nghiêm nghị, nói thật và giải thích cặn kẽ, có một sức lôi cuốn thu hút để chúng chú tâm ngồi nghe, những vấn đề khi đưa ra để thuyết trình với chúng, bậc cha mẹ cần phải thông suốt và thấu hiểu, bởi vì phải đề phòng khi chúng sẽ hỏi lại những chi tiết mà chúng thắc mắc.

- Với tuổi teen trở lên, bậc cha mẹ cần nên có một chiều hướng lý luận thật sắc bén và cần đưa ra những sự thật, những tình huống, so sánh qua các hình ảnh trong cuộc sống thường ngày tại chính gia đình mình, tại xã hội hiện tại và cũng cần nên phân tích cho chúng thấy những tai hại của những cuộc hoang đàng về sau, bậc cha mẹ cần nên gần gũi với con cái nhiều (nhất là lứa tuổi teen) để răn bảo dạy dỗ và điều quan trọng nhất là thường xuyên theo dõi những việc chúng làm, hoặc chơi với bạn bè… cần nên lựa bạn mà chơi hoặc tâm giao tri kỷ, cần so sánh bạn bè cùng trang lứa ai thật, ai dối trá, không phải chơi với bạn xấu mà bị tiêm nhiễm các thói xấu của bạn, quan trọng nhất là các bậc cha mẹ cần nên giải thích cho chúng hiểu là cha mẹ không cấm con chơi, nhưng đừng bao giờ bắt chước cái tính. . . . của bạn; làm như vậy không hay đâu, không ai chấp nhận cả, cần phân tích cho chúng thấy sự tai hại khi chơi với bạn xấu, từ đó nếu không biến chuyển thì bậc cha mẹ nên đưa ra biện pháp cấm vận không cho chúng tiếp xúc với bạn xấu nữa.

- Với cuộc sống hiện tại, cuộc sống văn minh và kỹ thuật số hiện nay, làm cha mẹ với những gia đình cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm thì cần nên khuyên bảo và phân tích so sánh cho chúng thấy hai thái cực của hai hoàn cảnh giàu nghèo, sự hưởng thụ và cái ý chí học tập lao động để thành đạt về sau. Cần khuyên bảo chúng cố gắng học tập để ngày sau trưởng thành được mong vinh hiển, cần đem những tấm gương đạo đức của các bậc tiền nhân ra cho chúng thấy: có khổ rồi mới được hưởng sung sướng, không dễ mấy ai sinh ra nằm trên đống lụa là… làm người phải có sức lao động, sự ý chí và quyết tâm, có sự phấn đấu và cố gắng để mong có ngày thành đạt, chưa chắc những đứa con nhà giàu có đều học giỏi và thành đạt nếu không có sự ý chí vươn lên và cố gắng, chính những gia đình nghèo hèn và khổ cực nếu cha mẹ dạy cho con cái thấu hiểu được ý nghĩa của sức lao động và thành đạt thì đó mới là điều đáng quý và đáng được tôn trọng, phải phân tích cho chúng thấy giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu bao giờ cũng có một ngăn cách rất nhỏ, nếu ý chí chúng ta không thắng nổi chắc hẵn sẽ phải sa ngã.

- Không hẵn là cứ giáo dục răn dạy bảo ban, đôi lúc cũng cần cho con cái giải trí, vui chơi và hưởng thụ, vấn đề ở đây là cần hướng thiện cho chúng hưởng thụ và vui chơi như thế nào để có hiệu quả – đây mới chính là vấn đề thiết yếu ! Một cuộc vui party của giới trẻ, đương nhiên trong đó sẽ có thành phần xấu nhưng chúng có bị ảnh hưởng không, chúng ta cần nghĩ rằng trong số 10 ở cuộc vui thì số bạn xấu đó chỉ là tỷ số nhỏ nhoi, nếu chúng có làm gì trái ý đương nhiên các bạn khác sẽ cản ngăn ngay và nhận thấy rằng điều đó là không hay, vì thế chúng ta không nên lo sợ cho con đi chơi xa sẽ bị ảnh hưởng điều gì, ngoại trừ nhữg chuyện bất trắc… bậc làm cha mẹ nên hướng dẫn cho con cái nên tham gia những cuộc vui lành mạnh và có tính cộng đồng, tập thể bởi vì trong nếp sống cộng đồng chúng sẽ học được nhiều cái hay cái đẹp nơi chính bạn bè của nó, vì thế với tính háo thắng của giới trẻ chúng có thể phấn đấu cố gắng đạt được… không nên để cho chúng đi chơi độc lập với những bạn xấu, bị tai tiếng, vì những đứa trẻ có giáo dục và hay vâng lời, nó như một con nai con bé nhỏ đang đi với một con sói hung dữ… kết cục chuyện gì sẽ xảy ra. Ngoài lớp tuổi teen hiện nay thì cái xấu cái tốt lẫn lộn lên nhau, khó có thể phân biệt được đâu là tà đâu là chính, vì thế cha mẹ nên hướng cho con cái những lời răn dạy theo khuôn phép nội quy và kỷ luật. Tóm lại - còn nhỏ không răn dạy và bảo ban lớn lên khó mà uốn nắn.

4- Giáo dục con cái cần nên theo những chiều hướng nào ?

Nhiều bậc cha mẹ có những lối giáo dục khác nhau, người thì cứng rắn, người thì nhu mì, người thì kỷ luật sắt thép, người thì chỉ biết nói, nói và nói, ở đây chúng tôi không dám bình phẩm về khía cạnh giáo dục của mỗi gia đình; nhưng chúng ta cũng đừng nên nghĩ rằng đèn nhà ai nấy sáng mà phải đôi khi đóng góp vào việc giáo dục con nhà hàng xóm, không nên lạm dụng với quyền chức phụ huynh, thân tộc bà con mà áp dụng quá cứng rắn với lớp trẻ. Có những ông bác, ông chú dạy con dạy cháu như là một lò luyện thép. Ý tưởng ấy chắc hẵn sẽ không đem lại hiệu quả gì mà còn gây nên ác cảm của tuổi trẻ đối với người lớn, như vậy chẳng mấy hay ho gì; như chúng ta đã biết: khuôn phép thông thường là nhỏ dạy roi, lớn bảo lời; một lời nói với người biết suy diễn sẽ còn hơn một trăm cây roi quất vào thân xác.

Vì lẽ đó – với những con trẻ chúng ta không cần bàn cãi gì nhiều ngoài vấn đề cây roi và những trận đòn đích đáng nhớ đời, nhưng với những cô cậu choai choai lứa tuổi teen, đây là vấn đề hơi khó nói và chúng ta sẽ dùng nhiều phương pháp giáo dục thích hợp, đương nhiên có những bậc cha mẹ khi dạy dỗ con đã lớn đã dùng hình thức roi vọt (vì đã quen nề nếp cũ của gia đình – mày lớn mặc kệ…); như vậy rất ít đem lại hiệu quả cao, như vậy giáo dục con người theo từng lứa tuổi chúng ta phải tuỳ theo mức độ ý thức của chúng mà thực hiện, nhỏ dạy khác, lớn bảo khác, lời nói nhẹ nhàng nhưng thấu hiểu tận đáy lòng, một cơn uất ức của người biết nhận thức khi chúng ta đi theo chiều hướng lệch lạc sẽ gây nên sự xa cách có hố sâu thăm thẳm, từ đó trong ý nghĩ của chúng sẽ có những ác cảm không mấy thiện cảm về cha mẹ chúng. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến lĩnh vực có nhận thức và sự nề nếp trong gia đình từ thuở nhỏ, còn những gia đình con cái và cha mẹ là cá mè một lứa thì chúng tôi không nghĩ tới, bởi vì những thành phần này nói nhiều cũng chả thấm vào đâu và không đạt được hiệu quả gì…

Tóm lại - giáo dục như chúng tôi đã nói ở phần đầu: đây là một vấn đề trường thiên và dai dẳng trong cuộc sống của mỗi con người; chúng ta cần phải làm gì để con cái của chúng ta trở thành người như chúng ta mong muốn. Không ai có thể lý giải đầy đủ về các phương pháp giáo dục, giáo huấn ở tại gia đình mà chỉ có ở những trại giáo dưỡng, trại cải huấn được áp dụng một nề nếp kỷ luật sắt đá mà không ai có thể chối cãi được để trở thành người tốt, ở gia đình, một tế bào nhỏ trong xã hội lớn đương nhiên vấn đề giáo dục và hướng thiện cho những con người bé nhỏ là một điều lắm phức tạp và nan giải mà chúng ta những bậc làm cha mẹ cũng sẽ phải còn học hỏi rất nhiều trong cuộc sống thường tình…

Kính thưa Cha Xứ.
Một mùa Noel nữa lại về trong mỗi con người chúng ta nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung; chúng ta cần hành động những gì ? Bốn Mùa Vọng rồi sẽ qua đi, bốn lần ăn năn và sám hối trong nhận thức của mỗi con người, trách nhiệm của chúng ta cần phải làm gì để sẵn sàng đón nhận Chúa đến. Thiên Chúa Hài đồng luôn nhìn rõ chúng ta và những hành động của tất cả chúng ta, từ hoạt động cho đến nội tâm của chính mình. Chắc hẵn trong mỗi con người KiTô giáo chúng ta không thể quên câu Kinh thánh: Tôi sống nhưng không phải tôi sống; mà Thiên Chúa đã sống trong tôi. Mùa Giáng sinh – mùa của niềm vui và hạnh phúc; mỗi gia đình mỗi con người chắc hẵn chúng ta không thể nào quên niềm cảm xúc khi trong nhà mình có một thành viên mới ra đời. Hôm nay (và cả ngày sau), Thiên Chúa Hài đồng đã đến với tất cả chúng ta trong niềm hoan lạc và ngập tràn hạnh phúc, những niềm vui bất tận trong Đêm Đông lạnh giá, cái lạnh của sự vui mừng vì một Con Người đã đến với chúng ta mang theo những niềm vui hạnh phúc nhưng không thiếu nỗi khổ đau trong cuộc sống, nhưng chúng ta cũng đôi khi phải chấp nhận, vì đây là những quy luật tự nhiên trong cuộc sống thường tình của con người. Không hẵn chỉ là mùa Noel trong niềm vui hoan lạc của mỗi con người KiTô giáo mà tất cả chúng ta những bậc làm cha mẹ cũng luôn cần nghĩ đến ngay chính trong gia đình của mình, con cái - một vấn đề nan giải và hơi phức tạp để chúng ta luôn vạch ra những kế hoạch giáo dục, hướng thiện cho con em của mình luôn là những con người tốt và hữu dụng. Giáo dục không hẵn chỉ là trách nhiệm ở chốn học đường, của xã hội mà còn ở ngay trong cái tế bào xã hội của mình… Chính vì thế bài nói chuyện của Cha xứ cũng đã toát lên một hồi chuông thức tỉnh cho những bậc làm phụ huynh luôn nghĩ đến trách nhiệm là phải làm gì khi giáo dục con cái ?

Đây cũng là một bài học sống, bài học suốt cả đời người; gieo gì gặt quả nấy ! Sóng trước đổ ở đâu, sóng sau đổ vào ấy ! Cha mẹ là những tấm gương cho con cái dõi theo và cũng là những hình ảnh cho con trẻ nhìn vào và hành động trong cuộc sống. Có lẽ bài nói chuyện của Cha ngày hôm qua là bài cuối cùng của năm 2008, năm giáo dục KiTô giáo, hướng thiện cho giới phụ huynh của chúng con có thêm những niềm tin để thực hiện trong cuộc sống.

Lạy Chúa Hài đồng! Xin luôn dẫn dắt và soi sáng cho những bậc làm cha mẹ như chúng con luôn có một tinh thần sáng suốt và đầy nhiệt huyết để hướng thiện con cái mình luôn sống theo thánh ý Chúa.

Giáo xứ Xuân KiTô - Chúa Nhật II Mùa Vọng
Một giáo dân

Pet. Nguyễn Ngọc Hải

______________________________________



Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và vấn đề giáo dục con cái...
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tường thuật và cảm nhận ngày Tĩnh tâm của Giáo viên Công giáo.
»  Cảm nhận về: Định nghĩa BẠN.
» Bài Cảm nhận qua đề tài: Gia đình và Cuộc sống.
» Bài Cảm nhận về Tập Thơ Văn: Trên Đỉnh Tình Sầu - Tg DươngHồng...
» Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhân ngày hòa bình thế giới 2012: Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: TÂM HỒN... :: TÂM LINH ĐỜI SỐNG-
Chuyển đến