Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Bài Thuyết trình của NNH.

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Bài Thuyết trình của NNH.  Empty
Bài gửiTiêu đề: Bài Thuyết trình của NNH.    Bài Thuyết trình của NNH.  EmptySat May 07, 2011 11:48 am

Bài Thuyết Trình

VAI TRÒ CỦA GIÁO LÝ VIÊN TRONG THỰC TIỄN
VỚI NHIỆM VỤ TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN

___________________________

Bài Thuyết trình của NNH.  CIMG1770-3

Kính thưa Thầy Alphongsô; quý Thầy trong Ban Điều hành cùng với quý thầy cô trong Ban Giáo lý, quý thầy cô cộng tác viên.

Thật là một vinh dự cho chúng tôi khi được ban Giáo lý phân công cho tôi được thuyết trình về đề tài này, quả thật trách nhiệm của chúng ta cũng hơi có phần nặng nề trong công việc cũng có thể nói là Mục vụ đi rao giảng Nước Chúa, vậy thì tất cả chúng ta ở đây là những người Giáo lý viên, những trang sách mở đầu cho cuộc đời của các em được hiểu biết về Thiên Chúa, làm sao chúng ta có thể hướng các em đi trên con đường về Nước Trời một cách dễ dàng và công chính. Trong bài nói chuyện hôm nay, tôi xin được đặt ra những câu hỏi để chúng ta cùng nhau tìm hiểu và bàn luận:

1- Giáo lý viên là gì ? Vai trò và trách nhiệm như thế nào ?
Trước hết chúng ta cần phải hiểu và xác định vai trò của bản thân mình – người Giáo lý viên – như vậy chúng ta hiểu rằng: GLV là những người thầy cô dạy về giáo lý Công giáo, đó là công việc truyền giảng đức tin, khác với những con người giáo viên ở ngoài đời, chúng ta thử phân tích và so sánh hai nhiệm vụ của con người giáo viên ấy như thế nào !

- Một người giáo lý viên - là những thầy cô đang có nhiệm vụ đi rao giảng về Nước Chúa ở trên trần gian, nhiệm vụ của họ giống như các Thánh Tông đồ ngày xưa khi Thiên Chúa đã Phục sinh một cách vinh hiển và đã về Trời, thì nhiệm vụ của các Thánh Tông đồ là còn ở lại trần gian phải tiếp tục công việc Mục vụ là truyền giáo cho tất cả mọi người kể cả người lương giáo khi họ muốn tìm đến Thiên Chúa, họ có nhiệm vụ rao giảng những gì mà Thiên Chúa khi còn ở thế gian đã truyền đạt cho họ, để những người nghe phải thấu hiểu được đường lối của Thiên Chúa xuống thế làm người là gì ? Trong công cuộc, chương trình Cứu độ sẽ diễn ra theo những quy trình nào . . .

- Một người thầy, một cô giáo khi nhiệm vụ của họ đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho học sinh của họ hiểu biết được các kiến thức về văn hóa, xã hội, và tính nhân văn của một công dân trong xã hội để những học sinh và học viên ấy thấu hiểu được những kiến thức văn hoá mà qua sự tiếp thu được để áp dụng vào đời sống thực tế – Chẳng hạn như dạy về tính toán, dạy về đạo lý nhân văn, dạy về cách xử thế – nào là tiên học lễ, hậu học văn, dạy về những đức tính đóng góp vào trong xã hội để ngày được phát triển. . .

Nhưng những yếu tố đó chỉ là công việc trong cuộc sống ở trên cuộc đời của họ, nếu một mai đó có chết đi nghĩa là chấm hết, có chăng người đời còn nhớ đến mình khi cuộc sống của người đó có những nổi bật hơn người mà thôi, nhưng rồi cũng từ từ đi vào quên lãng. . . Còn ở người giáo lý viên chúng ta ngoài nhiệm vụ dạy cho các em phải nhận biết là có Thiên Chúa hằng hữu, tạo nên vũ trụ, sống một cuộc sống mang nhiều đức tính KiTô hữu, một mai nào đó khi chết đi – thì còn được sống ở đời sau một cách vĩnh cửu, như vậy chúng ta truyền đạt cho các em đời sau là gì và khái niệm của nó ý nghĩa như thế nào ? Và từ đây chúng ta đi qua phần thứ hai. . .

2- Trong công việc giảng dạy có tính truyền bá Đức tin thực tiễn hay là gieo vào lòng các em về các lý thuyết của giáo lý.
Đầu tiên chúng ta phải tự khái niệm rằng: Chúng ta dạy như thế nào và dạy cái gì ? Như chúng ta đã biết: khi dạy thì cần phải có bài bản, giáo án, kế hoạch và chương trình dạy sẽ được diễn tiến theo quy cách nào ?

Là một Giáo lý viên (trong tất cả mọi GLV) khi dạy hoặc truyền đạt kiến thức về Thiên Chúa cho các em, chúng ta cần phải nhận thức rõ trong công việc truyền bá và rao giảng Nước Chúa tại trần gian phải có những thứ bậc và giai cấp như thế nào ? Không phải với các lớp A (Xưng tội Rước lễ) mà lại đem Kinh Thánh Tân – Cựu ước ra nói với các em; hoặc là những em lớp C (Bao đồng) hoặc các lớp Kinh Thánh; Hồng ân Huấn giáo mà lại đem các khái niệm về Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật để truyền bá lại cho họ, quả là một nghịch lý phải không thưa quý thầy cô ! Vậy thì – chúng ta cũng đã biết phải tuỳ theo lứa tuổi, theo từng trình độ để những người Giáo lý viên có thể truyền đạt lại cho họ về những khái niệm mà Giáo Hội đã quy định. Hiện nay, khi chúng tôi tham quan trong các lớp qua những giờ học, có nhiều thầy cô ở các lớp A trong các bài giảng đã dùng những từ mà chúng tôi nhận thấy các em sẽ không hiểu được. Ví dụ:

- Phần Tín lý, các em sẽ hiểu như thế này. . . về giáo lý các em sẽ hiểu như sau. . . Đức tin là gì .. v…v…….

Không cần phải như thế đâu quý thầy cô, như tôi đã trình bày vừa rồi, là chúng ta cần phải nhận định rõ là ở lứa tuổi các em, chúng nó cần gì ? học gì ? để chúng ta phải truyền đạt, khi giảng dạy trên lớp tất cả chúng ta đều có tài liệu, từ đó chúng ta có thể xem như là những giáo án của chúng ta, nghĩa là khi giảng dạy chúng ta cần dựa vào tài liệu để truyền đạt lại cho các em sự hiểu biết theo từng lứa tuổi của các em là cần phải học gì ? lời giảng của chúng ta cần nói như thế nào để các em hiểu được. . .

(Thuyết trình viên đưa ra một ví dụ minh hoạ thực tế. . .Hình ảnh một em bé hay thắc mắc với cha mẹ, anh chị về vấn đề mưa gió, sấm chớp và công việc tạo dựng nên muôn vật của Thiên Chúa…)

Vậy thì trong chúng ta chắc cũng có thể hiểu được theo từng lứa tuổi, từng trình độ của các em mà chúng ta cần phải truyền đạt như thế nào về lĩnh vực giáo lý ! Bởi vì một người thầy giáo ở ngoài đời thì cần phải có trình độ, học thức để truyền đạt lại cho các học sinh của họ những kiến thức mà họ cần truyền đạt; còn ở đây chúng ta không cần trình độ, không cần về học thuyết Thần học hoặc Kinh Thánh cao siêu mà chúng ta chỉ cần sự nhận thức về lĩnh vực đức tin để có thể truyền đạt lại cho các học sinh, học viên của chúng ta về Con đường tìm về Nước Chúa. Vì sao chúng tôi muốn nhấn mạnh như vậy ? Vì theo như các chuyên gia tâm lý học thì lĩnh vực giáo lý Đức tin của một tôn giáo nào đi chăng nữa cũng có thể rao giảng và truyền đạo được cho nhân thế về những thuyết giáo của mình để thu hút về cho Hội Thánh của mình những môn đồ… hầu làm tăng thêm dân số cho môn phái của mình cả. Như vậy – những con người chúng ta cần truyền đạt những gì, truyền đạt như thế nào để cho các em, các học viên của chúng ta phải thấu hiểu những khái niệm và những vấn đề mà chúng cần hiểu và thực hành theo ý niệm của chúng ta. Bây giờ chúng ta có thể qua phần 3 của bài nói chuyện hôm nay…

3- Bổn phận của chúng ta phải giảng dạy và truyền bá như thế nào, hoặc là trong những lĩnh vực nào ?
Ở đây – chúng tôi có thể cụ thể đưa ra những giai đoạn sau đây – hiện nay trong Giáo phận của chúng ta về lĩnh vực giáo lý đã phân cấp rõ ràng ra như sau:
- Cấp A: các lớp giáo lý khai tâm; (Đến bàn Tiệc Thánh.)
- Cấp B: các lớp Thêm sức; (Lớn lên trong Chúa Thánh Thần.)
- Cấp C: các lớp Bao đồng; (Sống đạo.)
+ Các lớp Kinh Thánh; Các lớp Hồng ân… (Kỹ năng thực hành giáo lý)
- Cấp D: các lớp Dự bị Hôn nhân. (Chuẩn bị Vào đời)
- Và các lớp Dự tòng. . .

Thử tìm hiểu xem về lĩnh vực của từng giai đoạn đó diễn tiến như thế nào
+ Với các em cấp A, thì chúng ta không thể đem những triết lý cao siêu để nói chuyện với các em, trong tài liệu chúng ta đã thấy: Thiên Chúa tạo dựng trời đất, muôn vật, Tổ tiên của chúng ta là Ađam & Eva, sau khi phạm tội nguyên tổ đã bị Thiên Chúa đày ra khỏi vườn địa đàng, từ đó phải gánh chịu mọi sự khó nhọc trong cuộc sống để mưu sinh và tồn tại, phải tin vào Thiên Chúa là Cha hằng hữu tạo dựng nên chúng ta, và bổn phận của chúng ta phải như thế nào khi cần tuân giữ các điều luật giới răn của Thiên Chúa và Hội Thánh, dạy cho các em khái niệm về tội, tại sao chúng ta cần tránh phạm tội, giáo lý viên cần kể những câu chuyện, những hình ảnh, những tình huống phạm tội để giúp cho các em nhận thức rõ và cần nên tránh… khi phạm tội chúng ta sẽ như thế nào ? và muốn khỏi tội chúng ta phải làm gì, xưng tội với Cha – nghĩa là chúng ta đang nói chuyện với Chúa để xin Thiên Chúa tha tội cho chúng ta… Việc Rước lễ mà chúng em đã thường thấy, không phải ai muốn ăn chiếc bánh bột mì nhỏ xíu trong Thánh lễ thì lên ăn, mà cần phải như thế nào (dọn tâm hồn) để được lên Rước lễ, chiếc bánh bột mì nhỏ xíu ấy là hình ảnh gì, có ý nghĩa to lớn như thế nào, và khi ăn chiếc bánh nhỏ ấy (Rước Chúa vào lòng) chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào ?

Các nhà tâm lý học đã chuyển hoá tư duy và ý niệm của mỗi con người khi rước lễ, cộng thêm sự cầu nguyện thì từ trong tâm thức của người ấy sẽ cảm nhận thấy được Đấng Toàn năng mà mình ái mộ và chiêm ngưỡng, vì thế chúng ta phải giúp các em làm sao sau khi được vinh dự Rước Chúa vào lòng thì sẽ thấy được niềm vui hoan lạc, thấy được sự che chở và phù hộ của Thiên Chúa đối với các em, do đó việc hiểu biết giáo lý cơ bản, vấn đề xưng tội và rước lễ, người giáo lý viên cần triển khai sâu về cho các em để có ý thức sơ đẳng ban đầu nhằm nhận biết được: thế nào là con người có đạo, và người có đạo phải sống như thế nào.

Chúng ta đều biết rằng: trẻ em trong gia đình rất sợ và nghe theo lời thầy cô giáo… Có một câu chuyện như sau: ở một lớp Xưng tội, người GLV trong khi vui vẻ với các em. Các em mới hỏi: Tại sao Đức Chúa Trời có ba ngôi hả cô ? Cô giáo ấy vui vẻ đùa giỡn với các em: Đức Chúa Trời có một triệu ngôi lận ! Em nhỏ đó tin là có thật, về nhà cha mẹ giải nghĩa thêm nhưng em nhỏ đó không chịu nghe – cứ bảo là ĐCT phải có một triệu ngôi, vì cô giáo dạy như thế, vì vậy với GLV chúng ta cần nhận thức rõ về vấn đề này, nói chơi, nói đùa là một phương pháp mà các em chưa nhận thức được và sẽ gây tác hại rất lớn về sau, nếu không có sự điều chỉnh và cản trở của người khác.

+ Với các em cấp B, chúng ta cần hiểu được danh từ thánh hoá là gì và như thế nào, có những giáo lý viên chưa hiểu được chiều sâu của công việc thánh hoá, do đó trước hết đã là giáo lý viên (nhất là các giáo lý viên trẻ – có Giáo xứ chọn lựa GLV khi người ấy đã qua lớp Kinh Thánh) thì chúng ta cần phải hiểu được rằng: Thánh hoá; Thiên Chúa Ngôi Ba; Đức Thánh Linh – Đấng phù trợ trong đời sống của mỗi chúng ta, tại sao chúng ta phải Thêm sức, Thêm sức thì sẽ được vào bản thân của chúng ta những Ơn nào ? (7 Ơn Đức Chúa Thánh Thần).

Ở đây với người GLV cấp B cần thông suốt hơn người GLV cấp A một bậc, nghĩa là: kiến thức và trình độ phải đi sâu hơn cấp A, chúng ta cần phải nói như thế nào, truyền đạt lại cho các em những điều gì (tài liệu giảng dạy đã cho chúng ta thấy rõ điều đó). Hiện nay có một thiểu số GLV cấp B chưa hiểu được danh từ Thánh hoá; nghĩa là chưa nhận thức được sự thánh hoá của Đức Thánh Linh trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

+ Với các em cấp C, thì người GLV cần phải có một ít hiểu biết và chiều sâu của vấn đề Đức tin; Đức tin là gì, trong cuộc sống bình thường, tất cả mọi sinh hoạt chúng ta cần hiểu được danh từ Sống đạo nó quan trọng như thế nào, ở cấp này đòi hỏi người GLV cần phải áp dụng các trích đoạn Kinh Thánh vào bài học và cách diễn đạt như thế nào để thu hút các học sinh, ngày xưa khi cá nhân tôi còn là một học sinh khi tham gia các lớp Kinh Thánh tại nhà thờ Chánh Toà Đà Nẵng, Linh mục Trần Văn Trường – chủ nhiệm lớp Kinh Thánh ấy đã luôn áp dụng các trích đoạn Kinh Thánh vào bài giảng, bằng giọng nói hay, truyền cảm luôn đã làm cho người nghe luôn có một sự chú ý miệt mài, đến bây giờ tôi mới hiểu được rằng: không phải vì ông Cha chủ nhiệm lớp có trình độ, có bằng cấp, am tường về Kinh Thánh, mà trái lại vị Cha ấy đã có một giọng nói thứ nhất là rất truyền cảm, một lối diễn đạt ngôn từ trong khi nói rất sinh động, thứ hai là Cha hay đem những câu chuyện thực tế trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta để ứng dụng vào Kinh Thánh và từ Kinh Thánh – Cha đã thánh hoá con người chúng ta bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa, phải nói là những công việc bình thường, có những công việc thấp hèn, nhưng vì cái gì ? – Chỉ vì lòng mến Chúa yêu người – mến Chúa, chúng ta có thể hy sinh và làm tất cả, yêu người chúng ta có thể cho đi tất cả – Thi ân bất cầu báo – một thành ngữ Trung hoa đã có từ ngàn xưa đã cho chúng ta thấy rằng: giúp người đừng bao giờ mong người trả ơn – với những con người KiTô hữu như chúng ta thì đã có Thiên Chúa là Cha Cả trên Trời sẽ trả cho chúng ta rồi.

Vì vậy khi nói đến kỹ năng truyền đạt và giảng dạy đối với các em ở cấp C – người GLV cần phải có một sự hiểu biết, một trình độ truyền đạt tương đối, phải nhận định được vấn đề khi mà mình đã giảng dạy thì sẽ có các em sẽ hỏi lại, và quan trọng hơn nữa là phần giải đáp – cần tránh những câu: Để thầy (cô) hỏi lại; xem lại, hoặc là để thầy (cô) trình lên Cha xứ xin Cha giải đáp. . .

Cũng như các lớp cấp C – còn có những lớp Kinh Thánh, Hồng Ân Huấn giáo, hoặc là Kỹ năng Giáo lý – tất cả đều đòi hỏi người GLV phải có một sự am hiểu và phán đoán như các GLV cấp C trở lên, ở bậc này đòi hỏi người dạy phải nhận biết một trình độ Kinh Thánh cao hơn, từ cách giảng dạy, đến quy trình cho học viên ghi chép, các câu hỏi thảo luận, đến các bài kiểm tra về nhà, cần cho các em phần tự luận và sưu tầm Kinh Thánh nhiều hơn.

Do đó – trong cả 3 cấp A; B; C – thì kỹ năng nào cũng có phần quan trọng trong từng lứa tuổi, mỗi cấp các em sẽ lớn lên, sự hiểu biết cần có đi vào chiều sâu hơn, đòi hỏi người GLV phải có một kỹ năng hơn vượt lên trình độ của các em – để chúng ta dễ dàng điều hành và dạy bảo các em hướng thiện hơn… Vì vậy ngoài những người đã kinh nghiệm trong công tác truyền đạt giáo lý tại các Giáo xứ lâu năm, thì khi tuyển chọn những sinh viên sắp sửa tốt nghiệp các khoá Kinh Thánh, Hồng ân… Bộ phận phụ trách giáo lý của Giáo xứ cần tuyển chọn những em có sự lý luận (qua bài thi) thật đúng đắn, điểm cao, những em có những bài hay, ngoài ra tác phong và đạo đức bản thân sẽ là những yếu tố rất cần thiết để hình thành một GLV trong tương lai.

+ Với các học viên ở cấp D, như đã trình bày ở phần A, chúng ta cần hiểu được danh từ thánh hoá là gì và như thế nào, thánh hóa ở đây là người giáo lý viên cần hướng tâm cho các thanh niên nam nữ nhận thức rõ rằng: khi đã đến tuổi trưởng thành, có đủ trí khôn, bản lĩnh và tự mình bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, ngoài sự vui mừng vì có được hạnh phúc của chính mình mà còn nhận thức được: đây là một bí tích mà Thiên Chúa tạo dựng để kết hợp hai người nên một tình yêu như Chúa Giêsu đã đặt tình yêu vào Hội Thánh, ngoài ra còn có những vui buồn, đau khổ, vất vã và mọi sự gian nan trên bước đường hôn nhân mà hai người phải cùng nhau gánh chịu và tận hưởng.

Cho đến bây giờ, trên thế gian chưa có ai giải nghĩa được tình yêu cho trọn vẹn và đúng nghĩa; vậy tình yêu là gì mà các nhà thơ nhà văn phải tốn nhiều công sức và bút mực để lột tả hết ý nghĩa của nó nhưng cũng chưa đâu vào đâu ! Bổn phận của người Giáo lý viên ở vào khối D trước tiên cần phải là những người đã có gia đình, sống thánh thiện đạo đức, am hiểu về đời sống gia đình, có kinh nghiệm trong cuộc sống nhất là khái niệm về hôn nhân – một bí tích mà Thiên Chúa đã lập ra để kết hợp người nam và người nữ và có thể nói câu châm ngôn duy nhất trong bí tích hôn nhân là: Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp – loài người không được phân ly. Nhưng chúng ta thường thấy ngay cả những người Công giáo cũng có những người đã phá đi luật lệ siêu nhiên đó, vượt rào cản của tín lý để thoát ra khỏi vòng lễ giáo của Hội Thánh, tuy nhiên ở đây chúng ta khỏi bàn về hậu quả đó mà chỉ đề cập đến vấn đề kết hợp cả hai nên một.

Vậy hôn nhân, hôn phối có tầm vóc ý nghĩa quan trọng như thế nào mà người GLV cần phải giáo dục cho lứa tuổi thanh thiếu niên khi sắp sửa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời để từ đó cả hai sẽ trở nên một thân thể, người nam sẽ từ bỏ cha mẹ để theo vợ mình, người nữ phải biết vâng phục người chồng. . .

Có lẽ - chúng ta đã biết bài đầu tiên của lớp Dự bị Hôn nhân là: Hôn nhân Công giáo là một bí tích, Đặc tính và Mục đích của Hôn nhân Công giáo. . . gồm có tất cả 11 bài học – mà chúng tôi cũng nhận thấy tạm cho là đủ để các em nhận thức được về đời sống hôn nhân, một ý niệm mà Thiên Chúa đã thiết lập ra cho tất cả mọi tín hữu KiTô giáo trên trần thế này. Có thể nói rằng đây là những bài học căn bản của một cuộc sống vợ chồng mà con người chúng ta ai ai cũng nhận biết được. Một quãng đời dài lê thê mà chỉ có hai người biết được là mình phải làm gì ! Hoạ chăng trong những lúc khốn cùng của cuộc sống, cộng đồng xã hội giúp sức cho chúng ta thì chỉ có một phần nhỏ nào đó thôi, còn trách nhiệm của chúng ta là phải giải quyết tất cả mọi vấn đề trong gia đình mình. . . Khi nói về giáo lý của khối D thì đây là những vấn đề nan giải và rất phức tạp, chúng ta phải hiểu rằng: lứa tuổi thanh thiếu niên đã có một số vốn kiến thức trong cuộc sống, vì thế trong những bài dạy, người giáo lý viên cần đặt ra những tình huống một khi có một học viên nào đó đặt câu hỏi mà người GLV phái bó tay ? Ví dụ:

- Xin thầy (cô) cho biết nếu một người công giáo mà kết hôn với một người ngoại giáo, biết rằng trong tình yêu không thể rời bỏ được, nhưng khi sinh con thì vấn đề Rửa tội và học giáo lý – nếu người kia cảm thấy khó chịu thì chúng ta phải xử lý như thế nào ?

- Xin thầy (cô) cho biết nếu ở vào một địa phương chưa có Linh mục, chưa có nhà thờ, chưa thành lập giáo xứ, một vùng đất đèo heo hút gió, mình là người công giáo – ngoài vấn đề giữ đạo, khi sinh con đẻ cái nếu vì cật lực về vấn đề kinh tế mưu sinh không có thời gian giáo dục con cái theo đức tin Công giáo – như vậy chúng ta có bị tội không ?

- Xin thầy (cô) cho biết nếu chúng em ở vào một hoàn cảnh trong công việc thường nhật phải liên tục đi đây đi đó, ngày Chúa Nhật nếu không tham dự được Thánh lễ, thì có bị mắc tội không, nếu vì Thánh lễ mà bỏ công việc thì rất khó xử, như vậy cách giải quyết là thế nào ?

- Xin thầy (cô) cho biết nếu sau khi đã lập gia đình, phần chúng em sẽ giữ đúng các điều luật của Hội Thánh nhưng con cái của chúng em có chẳng may sa vào con đường hoang đàng và tội lỗi, làm cha mẹ nói nó không nghe, như vậy trách nhiệm của cha mẹ có bị lỗi không ?

. . . Còn rất nhiều tình huống như thế sẽ xảy ra, đương nhiên là điều sẽ gặp phải, bổn phận của chúng ta là phải giải thích như thế nào cho các bạn thanh niên ấy hiểu ra rằng: như thế nào là tội, như thế nào là không thể bị tội, và bổn phận của các bậc cha mẹ đối với con cái là phải làm gì và làm như thế nào ? (đây là một vấn đề nan giải, vì thời gian có hạn xin hẹn với quý thầy cô lần nói chuyện sau với chuyên đề: Bí tích hôn nhân – cuộc sống thực tiễn và những vấn đề.)( )

Vậy thì người GLV của khối Dự bị Hôn nhân cần nên có những người thật am tường về gia đình, có kinh nghiệm trong cuộc sống và biết giải quyết những tình huống mà mình cho là phức tạp, suy nghĩ trước khi đưa ra những lý luận giải thích, cần so sánh thực tế với lý thuyết bài học một cách xác thực và vững chắc, làm sao một khi chúng ta đưa ra những lý luận giải thích và giải đáp, để người học viên không thể đưa ra những câu hỏi hoặc tình huống nào khác.

+ Với các học viên Dự tòng, chúng ta cần hiểu được danh từ cải hoá, thánh hoá, cải cách, canh tân là gì và như thế nào, một GLV khi được phân công đứng lớp vào khối Dự tòng thì phải hiểu rằng: đây là một vấn đề tuy dễ nhưng rất khó, vì chúng ta thử đặt những tình huống nếu có một nhà trí thức nào đó một khi người ta muốn tìm hiểu về Thiên Chúa thì chúng ta phải giảng dạy cho họ những vấn đề gì ? Ngoài các vấn đề của giáo lý khai tâm, nhưng phải hiểu rằng đây là loại kiến thức khai tâm có tầm mức cao hơn, có tính sâu sắc và lý luận hơn để cho họ nhận thức được về lĩnh vực Đức tin và Tín lý, chúng ta cứ cho phép họ nêu tình huống và đặt câu hỏi một cách tự nhiên, và chúng ta cần chuẩn bị một chiều hướng để giảng giải cho họ, chúng tôi được biết có một vài người bạn tại một thành phố lớn khi đã được phân công giảng dạy về môn giáo lý dự tòng, một khi các câu hỏi của các học viên đưa ra nếu nan giải và phức tạp quá, thì họ đã xử lý là kể ra những câu chuyện thực tế có liên quan đến câu hỏi, khi đã kể xong họ liền đưa ra những lý luận suy diễn có tính đối chiếu với câu chuyện –sau đó liền đưa ra những kết luận rất hợp lý.
(Thuyết trình viên đưa ra một ví dụ minh hoạ thực tế. . . Chàng thanh niên ngoại giáo trong quán phở…)

Như vậy người giáo lý viên ở khối dự tòng cần phải hội đủ những yếu tố cơ bản nào ? Phải là người hiểu biết, thông suốt về giáo lý, am tường về cuộc sống, biết phân tích và đối chiếu giữa các sự kiện với nhau trong cùng một vấn đề khi đưa ra – nếu có tình huống phải giải quyết, phải biết so sánh, lý luận, không nên thiên về một tôn giáo của mình mà đôi khi phải đề cao các tôn giáo khác, nhưng duy nhất là phải giải thích sự nhân quả của con người KiTô hữu và nếp sống nhân bản của một con người trong cộng đồng xã hội. Từ đó cần hướng thiện cho họ có những khái niệm chân thật về Tín lý của KiTô giáo, cần nên cho họ lý luận thực tế và chúng ta cũng phải có những lý luận của mình để giải thích cho họ, nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng: đây là một trong những tình huống phức tạp và khó xử mà thôi, rất hiếm khi xảy ra nhưng trách nhiệm của người GLV Dự tòng cũng cần nên chuẩn bị cho mình một hành trang như thế là điều tối cần thiết. . .

4- Đời sống và bản thân của con người Giáo lý viên trong cuộc sống thực tiễn, nhiệm vụ cần phải làm gì, như thế nào ?
Vừa rồi tôi đã trình bày về lĩnh vực và nhiệm vụ của người giáo lý viên, bây giờ qua phần thứ tư, tôi xin được phép trình bày về Đời sống và bản thân của con người Giáo lý viên trong cuộc sống thực tiễn, nhiệm vụ cần phải làm gì, như thế nào ?

Như chúng ta đã biết – thời kỳ nền kinh tế đang trong chương trình đổi mới của nhà nước, người ta thường nói: Có thực mới vực được đạo vậy thì nhiệm vụ cuả chúng ta cần phải làm gì và làm như thế nào – đây là vấn đề mà tôi đặt ra để chúng ta cùng bàn luận và chia sẻ. Ví dụ cụ thể – một con người GLV như chúng ta hiện nay, nếu hôm nay trong nhà không còn gạo, vợ bệnh, con đau – thử hỏi liệu chúng ta có bỏ mặc để đi tới nhà thờ tiếp tục công việc truyền dạy giáo lý cho các em được không ? nhà cửa thiếu thốn, vật chất ngỗn ngang, biết bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu: làm gì để có cái ăn cho gia đình qua bữa trong ngày hôm nay ? vậy thì trong lúc này phương cách của chúng ta cần xử lý như thế nào ? cũng lại nghĩ thêm câu: Không mợ thì chợ cũng đông; Một bên là gia đình, một đằng là lớp giáo lý, trong hai phải nghiêng về một phía.

Thực tế sẽ cho chúng ta thấy rằng:
- Nếu chúng ta không có mặt ở tại lớp giáo lý ngày hôm ấy, vắng mặt vì một lý do nào đó không ai rõ (vì không báo được) – đương nhiên Ban Điều hành Giáo lý sẽ phân công người khác dạy thay ngay…

- Nếu hoàn cảnh gia đình trong lúc này, trên cương vị là chồng (vợ), là cha (mẹ) mà bỏ mặc tình cảnh gia đình như thế để lên lớp dạy giáo lý, quả là một điều không hợp lý.

Bởi vì ở tại lớp giáo lý nếu không có mình thì sẽ có người khác thay, còn ở tại hoàn cảnh gia đình lúc này nếu mình vắng mặt thì không có ai có thể thay vào được. Vì vậy trong hai chỉ chọn lấy một mà một ở đây là gia đình, vì khi chúng ta lo cho gia đình toàn vẹn thì công tác mới được yên tâm và chúng ta có thể dồn hết tâm sức vào cho công việc của mình…

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là yêu cầu chúng ta sẽ có phương thức xử lý trên tất cả mọi tình huống mọi hoàn cảnh sao cho hợp tình hợp lý và vẹn toàn, tôi đồng ý với quý thầy cô là nhân vô thập toàn nhưng cần có một sự tương đối nào đó thôi. . .

Và nhiệm vụ của chúng ta là làm gì, làm như thế nào ? Ở đây chúng tôi vẫn biết có một số quý thầy cô có những hoàn cảnh rất hạn hẹp, nhưng chúng ta cần nhớ lại là: Sống Phúc âm trong tinh thần nghèo khó của Thánh Phanxicô, sự nghèo khó luôn mang đến cho mình nhiều ý nghĩa trong cuộc sống, có nhiều bạn trong chúng ta khi gia cảnh của mình nghèo quá, vật chất không đủ nhu cầu để cung ứng cho sinh hoạt trong cuộc sống thì lại kêu than: Trời ơi ! . . . Chúng ta phải biết rằng Trời là ai ? – và Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ !

Sống ở đời, ai cũng đã trải qua cảnh nghèo khó, gian nan và đau khổ, trong cuộc sống mọi người đều có những nỗi lo lắng, ưu tư và buồn phiền – ai nói những người giàu có không đau khổ, không lo lắng, có khi trên nhung lụa giàu sang bao nhiêu thì nỗi lo âu càng thêm chồng chất, hạnh phúc cứ ở mãi đâu đâu, không về trong tầm tay với, do đó, sống và biết cách sống cũng là một nghệ thuật, trong tinh thần nghèo khó của Phúc âm – Tin Mừng được chia sẻ cho mọi người, thì niềm hạnh phúc sẽ đến với chúng ta, hoà đồng vào một cộng đồng nhân thức theo những điều răn của Giáo Hội, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng bớt đi nỗi lo âu sầu khổ; cầu nguyện là một phương thức mà mọi con người Công giáo nói chung và những giáo lý viên chúng ta nói riêng là một điều cần ắt có và đầy đủ, sự cầu nguyện sẽ làm cho chúng ta gần gũi với Thiên Chúa và Mẹ Maria hơn, chúng ta trông cậy vào các Ngài, xin các Ngài, ắt các Ngài sẽ cho chúng ta; đó là một phương thức sống đối với những con người đang làm công tác GLV, đừng bao giờ nghĩ rằng: GLV là người thông hiểu tất cả mọi vấn đề trong tầm mức giáo lý, mà phải luôn tự học hỏi nhiều về các loại Kinh Thánh, bởi vì Kinh Thánh nếu chúng ta tham khảo nhiều thì sẽ có những câu nói của các Đấng Thánh tiền nhân nói ra rất phù hợp với cuộc sống hiện nay, nhất là các trích thư của các Thánh Phêrô, Phaolô. . .Vì thế không phải cầu nguyện xin Thiên Chúa và Thánh Thần soi sáng cho chúng ta là đủ, mà chúng ta cũng cần nên đọc vài đoạn Kinh Thánh trong những lúc nhàn hạ để chúng ta dễ dàng thâm nhập vào đời sống trong tinh thần Phúc âm hoá hơn.

5- Đường lối phục vụ và những suy nghĩ của con người Giáo lý viên, những KiTô hữu trong thực tiễn ?
Khi nói đến vấn đề phục vụ, thì chúng ta phải nghĩ rằng: công việc của chúng ta đang phục vụ cho ai đây ? chớ bao giờ suy nghĩ rằng: tôi đi giảng dạy giáo lý cho các em là giúp cho các em được biết về Thiên Chúa, để người ta tôn trọng mình là người thầy dạy Giáo lý… Ngược lại chúng ta cần nên nghĩ rằng: công việc giảng dạy giáo lý cũng là một công việc mục vụ truyền bá Đức tin, làm cho Giáo Hội sinh sôi và nẩy nở, tăng thêm con dân của Chúa, một đoàn chiên đang rãi khắp trên trần thế này đang cùng nhau đi về Nước Trời. Vậy thì đường lối phục vụ của chúng ta mang một tầm vóc ý nghĩa như thế nào ?

Thứ nhất: Trong cách sống của chúng ta – luôn cần có sự hy sinh và phục vụ, chúng ta là những Tông đồ của thế kỷ hôm nay đang có nhiệm vụ rao giảng Nước Chúa cho mọi người (dẫu rằng chỉ là những em bé…) đem ánh sáng Đức tin đến cho mọi người, và hướng thiện cho tất cả mọi người đang ở chung quanh chúng ta. Những hành động của chúng ta, việc làm của chúng ta là những tấm gương và bài học thực tiễn cho mọi người và cả chính các em học sinh của mình.

Thứ hai: Trong quy trình học hỏi của chúng ta – không cần đòi hỏi phải là có nhiều bằng cấp, trình độ cao, mà chỉ cần chúng ta hiểu biết và có kinh nghiệm, học – một nghệ thuật sống muôn thưở không bao giờ chấm hết mà nó là một định lý lâu dài và triền miên không bao giờ hết, tự học trên nhiều lĩnh vực, trên nhiều phương thức, trên nhiều bình diện, ở đâu cũng vậy Giáo xứ không bao giờ đòi hỏi chúng ta đi dạy Giáo lý thì phải có bằng Đại học hoặc Cao Đẳng gì cả, mà các Cha xứ đòi hỏi chúng ta cần có một sự hiểu biết, trình độ giảng dạy tương đối, một nhân cách sống có kinh nghiệm, và trong cách truyền đạt về đức tin cho các em cần có sự cởi mỡ, kinh nghiệm và sự phục vụ nhiệt tình vui vẻ, chính vì lẽ đó mà đòi hỏi chúng ta cần phải tham khảo và tự học nhiều hơn trong mọi lúc, mọi nơi và mọi điều kiện, bởi vì một sự hy sinh hãm mình nhỏ thôi chúng ta sẽ rút ra được cho mình một bài học nhân đức trong phong cách truyền giảng cho các em một sự hy sinh nhỏ bé nhưng mang đầy tính ý nghĩa thiết thực, hãy nhớ rằng: Học là một quy thuật không bao giờ ngừng và nó sẽ còn tồn tại. Chính vì sự tồn tại ấy sẽ tích luỹ cho chúng ta thêm được rất nhiều kinh nghiệm sống.

Thứ ba: Trong phong cách giảng dạy và truyền đạt của chúng ta cần có sự diễn đạt truyền cảm và sự cuốn hút người nghe, nếu trong một bài giảng ở trên kia thầy cứ giảng – trò cứ nói chuyện riêng thì sẽ trở thành hai thái cực đối nghịch nhau rất tác hại, ngược lại trong bài học nếu người GLV biết lồng vào những câu chuyện kể để thu hút các em sự tò mò chú ý thì hiệu quả bài học của chúng ta sẽ mang lại hiệu quả rất lớn đối với các em… Người GLV hãy tự nghĩ rằng: Đây chính là những Tông đồ của Thiên Chúa sau khi Ngài đã về Trời, mình đang rao giảng và truyền đạt cái chân lý của Người tại thế gian này cho đến ngày Ngài lại quang lâm – vì vậy nghệ thuật nói của người GLV rất cần có một nghệ thuật thu hút người nghe (các em) và khi nói (giảng dạy). Từ đó nhiệm vụ của mình sẽ mang lại nhiều hiệu quả mong muốn.

Tóm lại – là một người GLV như quý thầy cô và tất cả chúng ta hiện nay, trong thời buổi thời sự đang ở vào buổi giao thoa mở cửa thì vấn đề kinh tế là một trong những yếu tố quyết định chung cho cuộc sống của con người, trách nhiệm của chúng ta, câu Kinh Thánh mà chúng ta ai ai cũng đã biết: hãy từ bỏ mọi sự trên thế gian – vác thập giá mà theo Ta; hoặc là: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ bị mất đi, ai từ bỏ mạng sống mình thì sẽ được tất cả… vậy thì trách nhiệm của người GLV chúng ta cần phải làm gì cho bản thân mình trước hết ? Sống đạo đức, luôn có sự thánh thiện, nhân ái, một tâm hồn rộng mở trong tinh thần nghèo khó, luôn lấy cho mình những hình ảnh các Thánh để làm mục đích cao cả cho mình để vươn tới, sống nhân đức như hình ảnh tuyệt vời của Thánh Martino ( ) ; luôn lấy cho mình sự cầu nguyện để được gặp gỡ với Thiên Chúa và Mẹ Maria phù hộ và che chở cho mình. Xin Chúa Thánh Thần luôn soi sáng cho chúng ta vững chãi hơn về đức tin và mọi điều tín lý trong công việc, biết hy sinh để phục vụ. . . Có như vậy thì trách nhiệm của chúng ta – một ngồi Giáo lý viên mới mong trở nên hoàn hảo và trọn lành…

Phần kết luận
Qua phần trình bày và nói chuyện hôm nay, mong rằng chúng ta ở đây đều nhận định được vai trò của mình trong công tác hiện tại, trong vần đề Đức tin có thể nói: chúng ta là những nhân tố rất tích cực trong công cuộc rao giảng Nước Chúa, chúng ta đang truyền đạt lại cho thế hệ đàn em, con cháu nhận thức rõ về Hội Thánh và Giáo Hội, những gì nên làm và những gì cần nên tránh, đường hướng chúng ta đang hướng dẫn cho lớp người trẻ luôn là một công cuộc canh tân và đổi mới từng ngày cho Giáo Hội, chúng ta đang gánh lên vai mình một trọng trách rất lớn lao là đi rao giảng Nước Chúa, một hạt giống gieo xuống đất sẽ sinh sôi nảy mầm ra nhiều hoa trái, phải luôn nghĩ rằng: danh từ Giáo lý viên là những hạt giống làm cho Nước Chúa đang lan rộng trên thế gian, và ngày mai những con người KiTô hữu của chúng ta sẽ luôn làm rạng danh Cha Cả trên Trời để Nước Chúa luôn là hằng có đời đời và chẳng cùng.

Kính thưa thầy Alphongsô và tất cả quý thầy cô – phần nói chuyện của tôi xin được tạm kết thúc ở đây ! Trân trọng kính chào quý thầy cô – và sau đây xin được hân hạnh đón nhận sự đóng góp ý kiến và những thắc mắc của quý thầy cô – để xây dựng cho bài nói chuyện của tôi thêm phần hoàn thiện hơn.

Kính chào quý thầy cô.

Thuyết trình viên: Nguyễn Ngọc Hải


Bài Thuyết trình của NNH.  CIMG0621-6

__________________



Được sửa bởi NgNgHai ngày Tue Jul 26, 2011 8:43 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Bài Thuyết trình của NNH.  Empty
Bài gửiTiêu đề: Giáo lý viên - anh chị em là ai ?   Bài Thuyết trình của NNH.  EmptyMon Jul 25, 2011 7:54 pm

Giáo lý viên, anh chị em là ai?
+ GM Giuse Vũ Duy Thống7/23/2011

Bài Thuyết trình của NNH.  Giaolyvien23

Cách đây khá lâu, trong lần gặp gỡ khoảng 4000 bạn lễ sinh và ca viên tại các giáo xứ của nước Ý, Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II đã để lại những lời khích lệ người trẻ trên đường sống đạo và đã gọi họ là “những người phục vụ Chúa Kitô”, đồng thời cũng là “những cộng sự viên của linh mục”. Dịp này, ngỏ lời với giáo lý viên trong giáo phận nhà, liên tưởng tới việc Đức Thánh Cha gặp gỡ các bạn trẻ, rất tự nhiên tôi cũng muốn mượn lại những hình ảnh đẹp trên kia để chia sẻ với anh chị em.

1. Trong Giáo Hội xét như mầu nhiệm, giáo lý viên là người phục vụ Chúa Kitô.

Để diễn tả mầu nhiệm Giáo Hội, hiến chế Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II đã sử dụng những hình ảnh sống động gặp được trong ThánhKinh: “Dân Thiên Chúa Cha; Thân Mình Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần”. Ba cách diễn tả, nhưng chỉ một Giáo Hội. Tuy nhiên, nếu hình ảnh Dân Thiên Chúa Cha thấm đẫm yếu tố lịch sử, còn hình ảnh Đền Thờ Chúa Thánh Thần giầu yếu tố thiêng liêng, thì hình ảnh Thân Mình Chúa Kitô lại gần gũi với tất cả mọi thành viên của Giáo Hội. Chúa Kitô là Đầu và Giáo Hội là thân mình trong đó mỗi người là phần chi thể. Thánh Phaolô đã khéo dùng hình ảnh thân mình để minh họa cho sự liên kết sống động giữa mọi người trong Giáo Hội, kẻ việc này, người việc khác, kết liên hài hòa chung xây cho sự sống thăng tiến. Mầu nhiệm Giáo Hội là thế.

Cũng với hình ảnh này, nhưng ở quy mô nhỏ của Giáo Hội địa phương cấp giáo xứ, vốn được cấu trúc và phân công nhằm thăng tiến đời sống chung, mọi người tìm được vị thế xứng hợp cho mình. Chính ở đây và trong quy mô này, giáo lý viên được nhìn như người phục vụ Chúa Kitô: trong tinh thần là phục vụ Chúa Kitô Thủ lĩnh của Giáo Hội và trong công việc là phục vụ Chúa Kitô nơi đối tượng mình giảng dạy để sự sống Thiên Chúa được lớn lên trong họ.

Dạy giáo lý cho ai là phục vụ Chúa Kitô trong kẻ ấy. Dạy giáo lý tân tòng là đem Chúa Kitô đến cho người khác; dạy giáo lý khai tâm là giúp cho Chúa Kitô lớn lên trong anh chị em mình; và dạy giáo lý hôn nhân cũng là để Chúa Kitô được triển nở sang thế hệ tiếp theo… Đây là điều then chốt trong linh đạo dành cho giáo lý viên. Không ai có thể cho đi điều mình không có. Vậy anh chị em hãy có Chúa Kitô sống động trong cuộc đời mình để có thể phục vụ Chúa Kitô cách hoàn hảo hơn nơi những người được trao cho mình trong công tác huấn giáo.

2. Trong Giáo Hội xét như hiệp thông, giáo lý viên là cộng tác viên của mục tử trong nhiệm vụ huấn giáo.

Đã là Kitô hữu, nghĩa là thuộc về và hướng về Chúa Kitô, thì theo bản chất đến từ bí tích Rửa Tội, ai cũng được mời gọi tham gia thi hành các nhiệm vụ trong Giáo Hội tùy theo bậc sống mình, sao cho nhịp sống chung được trải ra trong trật tự hài hòa. Có những nhiệm vụ chuyên biệt dành riêng cho một bậc sống, nhưng cũng có những nhiệm vụ tổng quát mở ra cho hết mọi người. Tuy nhiên, nhiệm vụ chuyên biệt luôn cần đến sự cộng tác của nhiệm vụ tổng quát và ngược lại, nhiệm vụ tổng quát cũng cần được nhiệm vụ chuyên biệt sáng soi. Trong mỗi giáo xứ, nhiệm vụ giáo huấn thuộc về trách nhiệm mục tử, nhưng công trình lớn lao và bao quát ấy, một mình mục tử, dù tài năng đến mấy cũng không thể chu toàn được. Lực bất tòng tâm. Dù có ba đầu sáu tay, một mình không thể dựng xây công trình. Chính vì thế, cần đến sự cộng tác của nhiều người, không chỉ vì “đông tay thì vỗ nên kêu” mà còn vì đây là công trình chung của Giáo Hội.

Nếu nhiệm vụ giáo huấn nặng nề mà mỗi mục tử phải kê vai gánh vác kiểu “một mình mình biết, một mình mình hay”, thì cũng ở đó, đã mỡ ra cửa ngõ liên thông sang nhiệm vụ huấn giáo mà mục tử có thể chờ đợi sự cộng tác tích cực của các giáo lý viên. Như thế, khi tham gia giảng dạy các lớp giáo lý theo chuyên đề hay theo lứa tuổi tại các giáo xứ, giáo lý viên xứng đáng được nhìn nhận như là thừa tác viên huấn giáo và là cộng tác viên vào nhiệm vụ giáo huấn của mục tử tại địa phương. Đây chính là nét đẹp thể hiện sự hiệp thông Giáo Hội cách sống động. Xin cùng với các mục tử tại các giáo xứ gửi đến toàn thể anh chị em giáo lý viên trong Giáo Phận lời cám ơn và lời khích lệ chân tình, vì sự cộng tác và sự hy sinh đóng góp của anh chị em trong trong suốt thời gian qua, cho công cuộc huấn giáo được triển nở và sự hiệp thông trong Giáo Hội được biểu lộ cụ thể đó đây.

3. Trong Giáo Hội xét như sứ vụ, giáo lý viên là nhà truyền giáo.

Theo lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, ngày xưa các thừa sai đến đâu thì việc đầu tiên các ngài làm là giảng dạy giáo lý và kêu gọi sám hối rồi cử hành nghi thức rửa tội, khiến từ đó việc truyền giáo cũng đồng nghĩa với việc giảng dạy giáo lý, để hôm nay ta có quyền nói: giảng dạy giáo lý một cách nào đó cũng là hoạt động truyền giáo. Hoạt động truyền giáo và hoạt động huấn giáo có thể được hình dung như hai bước chân trước sau của cùng một nhịp đi. Có người phân biệt cách chí lý rằng: truyền giáo là nhằm rửa tội những người biết sám hối; còn huấn giáo là nhằm sám hối những người đã rửa tội rồi. Có người khác lại chia sẻ cách đơn giản hơn: truyền giáo ban đầu là dùng giáo lý đem Chúa đến cho người ta; còn tái truyền giáo là dùng giáo lý đem người ta trở về với Chúa. Cả hai cách phát biểu đều hay và đẹp, nhưng điều muốn ghi nhận ở đây là mối tương quan không thể tách rời giữa truyền giáo và huấn giáo.

Truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội. Không phải vì có Giáo Hội nên mới có sứ vụ truyền giáo, mà ngược lại, vì đã có sứ vụ truyền giáo nên mới có Giáo Hội để tổ chức thi hành. Vì Giáo Hội là truyền giáo, mà truyền giáo và huấn giáo bước song hành, nên tham gia công tác huấn giáo, giảng dạy giáo lý cũng là cộng tác vào công cuộc truyền giáo tại giáo xứ, cho có thêm người biết Chúa, biết tin nhận Chúa và biết sống đẹp lòng Chúa hơn.

Vâng, trong Giáo Hội sứ vụ, anh chị em giáo lý viên là những nhà truyền giáo đấy. Vậy anh chị em hãy luôn ghi nhớ khía cạnh sứ vụ này của Giáo Hội, để công tác huấn giáo của anh chị em được chu đáo và nâng cao, không chỉ bằng giáo án khúc chiết mà còn bằng chứng tá đức tin hằng ngày nữa. Giáo lý không chỉ được giảng dạy bằng lời nhưng còn bằng chính đời sống gương mẫu của giáo lý viên.

Anh chị em thân mến,

Trên trang mạng về linh đạo dành cho giáo lý viên, người ta đọc thấy lời cật vấn: tại sao vị trí của giáo lý viên trong giáo xứ lại quá nhạt nhòa? Câu hỏi đó lập tức nhận được hồi đáp là một tâm tình nhẹ nhàng mà thấm thía, đưa giáo lý viên từ băn khoăn về vị thế sang băn khoăn lớn hơn về ơn gọi, đồng thời họa lại thái độ ứng trực của các tiên tri thuở xưa, để động viên nhau trên đường phục vụ: “Con đây, vì Chúa đã gọi con”. Mong rằng đó cũng là tâm tình của mỗi giáo lý viên chúng ta trước ơn gọi đặc biệt này, một tâm tình sẵn sàng, cho dẫu bản thân mặt này mặt khác còn nhiều giới hạn hoặc điều kiện đời sống lúc này lúc khác vẫn thiếu đủ điều.

Xin Chúa chúc lành và ban thêm chí bền cho anh chị em trong công tác cao quý này.

+ GM Giuse Vũ Duy Thống

________________________________________

NNH - Sk...
Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
Bài Thuyết trình của NNH.
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Bài Thuyết trình của Đức Cha Bùi Văn Đọc...
» Bé Như Ý thuyết giảng đề tài Tu Hành...
» Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay
» Kinh nghiệm về kỹ năng thuyết trình đạt hiệu quả...
» Chủ thuyết Vô thần...

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: TÂM HỒN... :: TÂM LINH ĐỜI SỐNG-
Chuyển đến