Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Phật Giáo - Đạo tu tâm - Sống Chánh niệm...

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Phật Giáo - Đạo tu tâm - Sống Chánh niệm...  Empty
Bài gửiTiêu đề: Phật Giáo - Đạo tu tâm - Sống Chánh niệm...    Phật Giáo - Đạo tu tâm - Sống Chánh niệm...  EmptyFri Aug 05, 2011 8:45 pm

PHẬT GIÁO,
ĐẠO TU TÂM, TỨC LÀ SỐNG CHÁNH NIỆM


Phật Giáo - Đạo tu tâm - Sống Chánh niệm...  Thichca

Việc hội nhập văn hóa (chúng tôi thích gọi là “Nhập Thể văn hóa”) có thể đi theo hướng từ bên ngoài mà vào : hội nhập theo hình tướng lễ nghi màu sắc… Nhưng chắc chắn cuộc hội nhập từ trong bản chất, trong cốt lõi, vẫn là điều mà mọi người chúng ta mong ước hơn.

Phật Giáo đến VN đã 2000 năm nay, thích nghi hội nhập sâu sắc vào văn hóa Việt Nam và trở thành một thành tố cốt yếu của văn hóa Việt Nam. Chất trực cảm nơi tâm hồn đầy nữ tính của văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước Việt Nam được đã Phật Giáo nuôi dưỡng, làm triển nở và thăng hoa hơn nữa. Vi thế, suốt 2000 năm, người Việt yêu chuộng đời sống “thần bí”, thứ “thần bí” gần gụi thân tình như đóa sen vươn lên ở ao làng, như người nông dân tan hòa thể nhập toàn thể con người mình với đồng lúa, dòng sông và bầu trời xanh ngát.

Phật Giáo không phải là học thuyết lý luận, nhưng là con đường tâm linh. Muôn ngàn hình tướng Phật Giáo dù rất gụi gần ( Ông Bụt, Mẹ Quan Âm, Chư Bồ Tát, 18 vị La Hán, Lục Đạo Luân Hồi, Cửa Thiền, Tam Quan…) nhưng tất cả hình tướng vẫn chỉ là lời mời gọi con người hun hút đi vào cõi Huyền Không vi diệu, nơi mà tất cả ý tưởng, ngôn từ, lý trí, tình cảm của thế gian phải đều đã chìm tắt đi, mà chỉ có Diệu Âm, Diệu Hương, Diệu Quang của thế giới Diệu Tâm ngàn trùng…

Hành trình đi về cõi Diệu Tâm là hành trình vạn dặm. Con người phải tu phải tập. Tu và tập theo những pháp môn do chư Phật chư Tổ rộng lượng từ bi chỉ bày. Tiếng chuông, tiếng mõ, lời kinh lời kệ luôn tiếp dẫn cho cuộc chánh niệm tu tâm “Nam Mô A Di Đà Phật” (Quay trở về nương tựa vào Aùnh Quang Vô Lượng của Diệu Tâm) của hàng triệu dân Việt. Những chòi tranh trên bát ngát đỉnh cao Yên Tử, những thiền đường cả trăm người ngồi lặng lẽ uy nghi, những buổi tham vấn thỉnh ích với tiếng cười và tiếng hét… Ồ, văn hóa Việt sẽ không còn là văn hóa Việt nữa nếu thiếu đi chất vi diệu thiêng liêng đó, của những trực cảm tâm linh.

Với người Kitô hữu, tức môn đệ và cũng là bạn hữu của Đấng Phục Sinh, nói cho hết mình ra, thì có gì nữa đâu mà phải tu phải tập. Đón nhận Bí Tích Thánh Tẩy, người tín hữu đã hoàn toàn được thay hình đổi dạng, hoàn toàn mặc lấy Con Người Mới, Sức Sống Mới của Thày. Con người cũ đã chết trong cái chết của Thày. Và bây giờ, mỗi tín hữu, tận trong bản chất, đã mang lấy Sức Sống Mới, Sức Sống Phục Sinh. Từ tận trong cốt thiết sâu xa nhất, người tín hữu dám tin rằng mình là Thánh, trong Đức Giêsu, Đấng Thánh Duy Nhất.

Mỗi ngày, cử hành Bí Tích, là người tín hữu cử hành Sự Thật Chết và Phục Sinh của Thày và cũng là của chính mình. Khi cử hành Bí Tích, người Kitô hữu SỐNG đến tận bản chất sâu xa nhất của chính mình, mà cũng là sự Sống được chia sẻ ban tặng từ Đức Giêsu. Cho nên, chẳng những không cần gì phải tu phải tập, mà cũng chẳng có bất cứ một “pháp môn” nào ngoài một “pháp môn” duy nhất là chính Đức Giêsu, là Đường Đi, là Sự Thật và là Sự Sống.

Thế nhưng, với những ai muốn sống Bí Tích một cách tâm thành tha thiết, muốn dùng một chút nỗ lực của mình như một chút manh áo cưới mặc vào khi được mòi gọi đến dự tiệc cưới Quân Vương, thì biết đâu, cái cốt yếu của việc tu tập kiểu Phật Giáo lại có thể đóng góp vào sự tỉnh thức chờ đón Đức Giêsu ? Và biết đâu, nhờ pháp tu chánh niệm của Phật Giáo, người tín hữu còn biết sống tất cả 24 trên 24 tiếng một ngày, như là đang luôn luôn cử hành Bí Tích ?

Và như thế, là cuộc “Nhập Thể văn hóa” ở tận căn cốt giữa “hai bên” ? Khi luôn biết sống chánh niệm, là anh đã bước vào “cung thánh” của Phật Giáo. Và khi anh dám khởi chánh niệm đức tin rằng, Thần Linh Đức Giêsu Phục Sinh là thực tại đang tràn đầy nơi anh, trong từng “Tấm Bánh Ly Rượu”, trong từng hơi thở của anh, trong từng động niệm nội tâm của anh, trong từng ngọn gió và hoa cỏ, trong từng sự cố hay dở vui buồn của cuộc đời, trong từng người nghèo khó anh gặp gỡ và phục vụ, thì bấy giờ, anh đang rất là Kitô…

Công việc này, quả rất cần cẩn trọng nghiêm túc, trong Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, nhưng cũng là một công việc vô cùng thú vị. Từ đây, chúng tôi mong ước được dần dần trình bày Phật Giáo là gì, các pháp hành để tu tâm của Phật Giáo ra sao, và nhất là các giáo thuyết của Phật Giáo. Các giáo thuyết Phật Giáo tuy rằng chỉ là những phương tiện khéo dùng để hỗ trợ cho việc tu tâm, nhưng nếu xuyên qua những lớp vỏ khác biệt về văn hoá, chúng ta bỗng thấy trong đó, ẩn hiện cốt lõi trung tâm của Phật Giáo, là Mầu Nhiệm Ngôi Lời từ muôn thuở đã được Chúa sinh ra, ở trong Chúa Cha, và làm một với Thiên Chúa Cha.

Tất cả Phật Giáo là sự thực hành chánh niệm tức tu tâm. Con người được Phật Giáo nhìn như là một khả năng hầu như bất tận : Khả năng khởi niệm. Khả năng khởi niệm cũng là khả năng Thấy Biết (Phật), tức khả năng “Nên Lời”. Nếu Phật Giáo Nguyên Thuỷ chú trọng đến việc biến đổi vọng niệm thành chánh niệm, tức là cho những lời hời hợt vu vơ của con người trở về “hiệp nhất” với Lời Chân Thật, thì Phật Giáo Bắc Tông Đại Thừa lại “chỉ thẳng” vào tận Bản Chất, Cội Nguồn, Thể Tánh của khả năng ấy. Cái gì làm nên con người, cái gì thiêng liêng nhất mà con người “chứa đựng”, cái đó là KHẢ NĂNG NÊN LỜI, ngôn ngữ Phật Giáo gọi là Tánh Thấy (Phật Tánh). Con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, mang trong mình Sự Sống của Thiên Chúa. Nhờ Người (Ngôi Lời), mà muôn vật được tạo thành vậy. Cho nên, Phật Giáo có những pháp môn “Quán Âm” (lắng nghe Âm Thanh Vi Diệu, lắng nghe Lời), và Mật Tông Phật Giáo còn được gọi là Chân Ngôn Tông (Lời Chân Thật), mà Lời Chân Ngôn là những linh lực tràn đầy thẩm thấu toàn thể vũ trụ, làm cho vũ trụ được có, được sống, được bảo tồn…

Nhưng thôi, đó phải là một cuộc khám phá dài dặc và nghiêm cẩn. Trước hết, trong nhiều buổi trình bày, chúng ta thử từng bước, khám phá Phật Giáo đích thực là gì.

I. CỐT YẾU CỦA PHẬT GIÁO

Tất cả Phật giáo chỉ là sự thực hành nội quán để tu tâm: nắm bắt dòng tâm, theo dõi dòng tâm, điều khiển dòng tâm, hàng phục dòng tâm, an trụ dòng tâm. Cốt yếu của Phật Giáo không phải giáo thuyết này nọ nhưng là những PHÁP HÀNH (phương pháp thực hành) để tu tâm. Các giáo thuyết chỉ là sự chỉ dẫn để thực hành tu tâm.

TÂM là dòng chảy những con sóng niệm niệm nối tiếp nhau liên tục, lúc thức, khi ngủ, từ khi sinh ra cho đến lúc nhắm mắt lìa đời.

NIỆM là từng khởi ý, tác ý, làm nên từng đơn vị kết hợp lại với nhau thành dòng tâm. Vì niệm này lại kéo theo sự xuất hiện của niệm kia, nên niệm còn được gọi là TƯỞNG.

Niệm tưởng khởi lên từ những sức mạnh CHẤP NGÃ mù loà mà mãnh liệt, ngấm ngầm mà dữ dội trong “đáy tâm hồn” của con người. Sức mạnh chấp ngã chủ yếu là lực ái dục (tham), lực sân hận bất mãn (sân) và lực vô thức mù loà mê muội (si). Những sức mạnh chấp ngã đó, cũng gọi là NGHIỆP THỨC, NGHIỆP LỰC, từ ngàn xưa đã tích tụ lại.

Niệm khởi, là một sức, một lực, một động năng. Nếu mỗi một niệm phát khởi lên từ đáy sâu sức mạnh nghiệp lực chấp ngã, thì mỗi một niệm khởi cũng đồng thời là một sức mạnh nghiệp lực chấp ngã.

Con người chấp ngã là kẻ tác ý khởi niệm liên tục. Niệm làm nên giá trị, ý nghĩa của các thái độ và hành vi con người, và cũng từ đó, làm nên thiện hay ác, tự do hay nô lệ, hạnh phúc hay khổ đau cho con người. Đối tượng tu của Phật Giáo là từng niệm. Vị trí của Phật Giáo là từng niệm. Cái gì thực sự là Phật Giáo chính là việc ở ngay trong từng niệm khởi, ý thức được nó, điều khiển được nó, dẫn dắt hay thay đổi được nó, nói tắt, là tu tâm, tức là khởi chánh niệm.

II. VỌNG NIỆM VỌNG TƯỞNG

Con người luôn tác ý, khởi niệm. Nhưng hầu hết (có lẽ phải hơn chín muơi chín phần trăm) những khởi ý, tác ý đều bị khởi lên cách vô thức, tạp nhạp, tán loạn, tà vạy, nên hầu hết các niệm đều là VỌNG. Vọng nghĩa là xa xôi, hư dối, không thật. Vọng niệm, là những niệm khởi lên mà ta không biết, cũng là những niệm tán loạn, tà vạy, xấu ác. Vì thế, dòng tâm của con người cũng tán loạn, tà vạy, xấu ác, u mê.

Chỉ có một phần trăm những niệm được khởi lên cách chủ động, ý thức. Nghĩa là con người chỉ sống được một phần trăm những khả năng của mình. Còn chín muơi chín phần trăm kia, là phần năng lực vừa bị bỏ quên, vừa ‘tự do’ hoành hành tung tác trong bầu trời nội tâm. Riết rồi tất cả con người chúng ta đều là ‘nạn nhân’ mù loà của những tác động ngấm ngầm phát khởi từ nghiệp lực tham sân si. Nghiệp lực tham sân si tung tác hoành hành trong đáy sâu của nội tâm chúng ta, chi phối chúng ta, dẫn dắt chúng ta, nô lệ hóa chúng ta qua từng vọng niệm, tà niệm, tạp niệm. Hơn nữa, nếu chúng ta có được một phần trăm những niệm khởi cách ý thức, thì chín mươi chín phần trăm những sức mạnh niệm khởi mù lòa vô thức làm cho một phần trăm ý thức nhỏ nhoi trở thành một lớp mặt nạ phòng vệ đầy ‘hợp lý’, ‘khôn ngoan’, ‘lý tưởng’, ‘tốt lành’, che chắn cho vọng niệm, là những xung lực ngã chấp tham sân si… Như vậy, giữa con người bên trong và bên ngoài, giữa con người ý thức và vô thức, quả thật, có sự mâu thuẫn, phức tạp, tán loạn. Chúng ta trở thành những kẻ sống sau mặt nạ, những kẻ sống chủ quan, sống giả, sống bất an…; đồng thời, chúng ta lại rất BÁM CHẤP vào con người giả đó. Ta tự cho rằng mình rất đúng, rất có lý, rất hiểu biết, rất tốt lành, nhưng sự thực, ta đang bị từng vọng niệm vọng tưởng lôi kéo mình đi mà chẳng hay biết.

III. SỐNG CHÁNH NIỆM

Vọng niệm vọng tưởng là lối sống mù loà, mê muội, nên cũng là lối sống nô lệ, khổ đau. Nay, BIẾT RÕ đến từng niệm tưởng, LẤY Ý THỨC cho từng niệm tưởng, khởi niệm cách chủ động, ý thức, đó là sống chánh niệm, tức lối sống làm chủ mình, sáng suốt, chân thật, thống nhất, an bình và tự do.

Hầu như tất cả mọi con người đều tự đồng nhất chủ thể là chính mình với dòng tâm niệm của mình. Vì dòng tâm niệm ấy là mình, là một với chủ thể, nên đương nhiên chủ thể phải mù loà, phiền não, khốn khổ, tán loạn khi dòng tâm mù loà, phiền não, khốn khổ, tán loạn. Không mấy ai dám thấy rằng nó chỉ là những hiện tượng bám lấy ở bên ngoài mình, và mình có thể bóc tách gỡ nó ra, quan sát nó, làm chủ nó, điều khiển được nó.

Bóc tách từng niệm khởi, ‘lấy khoảng cách’ giữa mình và từng niệm khởi, đưa niệm khởi lên mặt ý thức, khách quan hóa dòng niệm khởi, đem niệm khởi ra “bên ngoài” mình, rồi tỉnh thức mà quán sát : công việc đó gọi là khởi CHÁNH NIỆM, hay CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC. Khởi chánh niệm, sống chánh niệm, đó là cốt yếu của tất cả pháp tu tâm Phật Giáo.

Một niệm được khởi lên từ đáy sâu nghiệp thức, niệm ấy kéo theo một lực. Khi lực của niệm là vọng, tức mù lòa, không được nhận biết, không được ý thức, thì niệm lực vần vũ quay cuồng trong tâm, tích tụ lại, làm sâu dày mạnh mẽ thêm nghiệp lực tham ái ngã chấp. Ngược lại, khi một niệm được biết, được nhận thức, được xuất hiện trên mặt sáng của ý thức, niệm lực liền được giải tỏa, thoát ra.

Đạo Phật là Đạo BIẾT, TỈNH THỨC, Ý THỨC. Phật, có nghĩa là Biết, Tỉnh Thức, Ý Thức. Cho nên, sống chánh niệm tức là nhận mặt biết rõ khởi từng niệm khởi, chủ động khởi niệm cách chú tâm, luôn sống bằng từng niệm một cách có ý thức : đó là cốt yếu của việc tu tâm, mà tu tâm là cốt yếu của toàn bộ Phật pháp.

Phật Giáo đích thực là cuộc biến đổi và giải thoát xảy ra ở từng niệm, tức ở đơn vị nhỏ nhất của bề sâu nhân cách. Vọng niệm, là sống u mê. Chánh niệm, là sống tỉnh thức. Thường xuyên không theo dõi, không biết đến dòng niệm niệm của mình, là lối sống dài dặc nô lệ, hỗn loạn, u mê. Nay, thường xuyên sống trong chánh niệm tỉnh giác, tức biết rằng mình có một dòng tâm niệm, dòng tâm niệm đó có thể được quán sát, được nắm bắt, được đổi thay, được dẫn dắt, đó là lối sống tỉnh thức và giải thoát. Biến vọng niệm thành chánh niệm, là biến đổi từ phàm phu thành Phật.

Tôi biết rằng tôi đang buồn đang giận. Tôi quán sát từng niệm buồn niệm giận lên lên xuống xuống vô thường. Đó là khởi chánh niệm, thay vì để những niệm buồn kéo mình đi.

Tôi biết rằng tôi đang sống với Đức Giêsu Phục Sinh, đó cũng là khởi chánh niệm theo Thực Tại Đức Tin của Kitô giáo, thay vì để cho những vọng niệm tức những ‘tâm tình thế gian’ lôi kéo mình đi.

Để sống chánh niệm, các pháp hành của Phật thường “cột tâm vào một đối tượng”, tức một chủ đề, một đề mục để thiền quán. Thí dụ, cột tâm vào hơi thở (Thiền Quán Hơi Thở), cột tâm vào từng sinh hoạt hàng ngày, để làm gì thì ý thức rõ mình làm việc đó (Thiền Minh Sát Tuệù), cột tâm vào một công án thiền (Thiền Tông Á Đông), cột tâm vào việc niệm Phật A Di Đà (Tịnh Độ Tông), cột tâm vào một thần chú đà la ni là Lời Chân Thật, Lời Đầy Thần Lực (Chân Ngôn Tông, hay Mật Tông)… Khi cột tâm vào một đề mục hay đối tượng, thì ta sẽ đồng thời thấy biết rõ ra từng vọng niệm vọng tưởng. Bấy giờ, không đè nén ức chế vọng niệm vọng tưởng, mà chỉ cần biết chúng, nhận diện chúng, liền lập tức vọng niệm vọng tưởng đương nhiên bị cắt đứt và ta lại quay về với đề mục thiền quán của mình.

Hành giả (người thực hành) tu tâm, là người thực hành chánh niệm, thì giống như một mục tử chăn chiên, theo dõi, nhận biết đến “từng con chiên” tức từng niệm khởi của mình. Hành giả cũng giống như kẻ mục đồng chăn trâu, lần tìm theo dấu vết con trâu (tâm) đi lạc, tìm được rồi thì điều phục để trâu không chạy xiên xẹo phá phách lúa mạ ruộng rẫy (vọng niệm), đưa trâu đi trên đường lối đoàng hoàng, rồi dần dần dẫn dắt đắt trâu về tới nhà.

Thực hành chánh niệm cũng tựa như thể chủ động bóc tách từng tâm niệm của mình ra khỏi mình, phóng đặt tâm niệm của mình lên một màn hình trước mặt, theo dõi sự biến hiện của tâm tâm niệm niệm, lấy khoảng cách giữa bản thân mình với dòng trôi chảy biến hiện của các tâm niệm, quán sát chúng đang biến hiện sinh diệt như một cuốn phim, biết rõ những tâm niệm đang xảy ra, biết rõ những tâm niệm đang biến mất, biết rõ những tâm niệm nào đang thúc đẩy tác động lên bản thân mình… Hành giả bấy giờ trở thành một khán giả nhìn ngắm các tâm niệm mình xuất hiện diễn biến như một vở kịch với bao nhiêu tình tiết. Mình thưởng thức, khách quan nhận định, mà vẫn tự tại an bình, vì màn kịch ấy dù tha thiết, bi tráng, nhưng vẫn ở xảy ra bên ngoài mình.

Thực hành chánh niệm cũng tựa như kẻ ngồi bên giòng sông. Giòng sông tâm bao nhiêu đợt sóng vọng niệm vọng tưởng. Mình bình thản, yên tĩnh, sáng suốt, khách quan, thân ái, thương mến mà ngắm nhìn chúng.

Thực hành chánh niệm còn tựa như người áp sát lỗ tai vào lòng mình, để lắng nghe sâu xa chính mình, quán sát, phân tích, nhận định cho rõ ràng khách quan từng âm thanh của nội tâm (Quán Thế Aâm). Mỗi tâm niệm là một “lời”, một “tiếng nói”, một “âm thanh” của nội tâm : tiếng cười, tiếng reo, tiếng khóc, tiếng la hét, tiếng thở dài, tiếng nức nở, tiếng nghẹn ngào, tiếng chì chiết, tiếng sợ hãi, tiếng nhớ thương, tiếng thù hận, tiếng thèm khát… Ngay cả khi chúng ta cô độc một mình, bầu trời nội tâm của chúng ta đâu có phải là một vùng tĩnh lặng. Ngược lại, sự ồn ào náo động chủ yếu là trong nội tâm chúng ta, nơi các niệm tưởng từ thuở nào đến giờ hằng liên tục xôn xao hầu như bất tận, kể cả trong giấc ngủ nữa.

IV. THIỀN = GIỚI, ĐỊNH, HUỆ

Con đường tu tâm hay khởi chánh niệm là con đường mà chính Đức Phật đã khám phá, đã thực hiện, đã thành tựu và tuyên thuyết. Con đường đó, cũng gọi là Thiền. Rồi đây, tất cả những môn đệ của Đức Phật, dù theo tông phái nào, cũng đều trở nên hành giả, tức người thực hành tu tập sống chánh niệm hay sống Thiền. Nhưng Thiền của Đức Phật khác hẳn những lối tập trung thiền định của truyền thống Bà la môn Aán Độ, ở chỗ, Thiền của Phật là Thiền Chánh Niệm, nói rõ hơn, chánh niệm của Thiền Phật Giáo luôn luôn phải đưa có Giới, Định và Tuệ. Giới, Định, Tuệ được triển khai cụ thể trong Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo chính là con đường sống cho đúng sự thực. Chỉ sự thực mới đưa con người đến giải thoát.

Người đang yêu hay đang ghét dữ dội hoặc có ước vọng gì mãnh liệt thì đều niệm niệm không ngừng về những vấn đề ấy. Như vậy, là tà niệm. Để có thể thuận lợi cho việc khởi chánh niệm, hành giả (người thực hành chánh niệm) phải TRÌ GIỚI. Giới là những điểu cần giữ (trì), cần tuân thủ vì nhu cầu thiết yếu mà việc khởi chánh niệm đòi hỏi. Đó là những kỷ luật tự giác để nuôi dưỡng chánh niệm. Chẳng hạn, không thể khởi chánh niệm nếu cứ để cho thân, khẩu, ý buông lung trong việc nói năng, ăn uống, gặp gỡ, tiếp xúc, suy tư. Cho nên, để nuôi dưỡng chánh niệm, tức khởi niệm cách chân chánh đúng sự thực, cần thực hành chánh ngữ (nói năng chân chánh, đúng sự thực), chánh tư duy (suy nghĩ chân chánh, đúng sự thực), chánh nghiệp (hành động chân chánh, đúng sự thực), chánh mệnh (sống cuộc đời chân chánh, đúng sự thực). Cũng vậy, không thể thực hành chánh niệm nếu không chánh tinh tấn, tức thiết tha bền bỉ kiên trì cách chân chánh, đúng sự thực.

Càng khởi chánh niệm cách miên mật tinh tấn, hành giả càng thoát ra tình trạng sống tán loạn hời hợt, bào mòn đập vỡ lớp mặt nạ phòng vệ cứng dày che chắn, do đó, hành giả như lặn xuống, khơi mở và tập trung thống nhất được những tầng sâu thăm thẳm của tâm thức, tức vô vàn vô số những luồng nội lực đã bao đời tích tụ. Những ‘động cơ ngầm’ này xưa nay vốn bị ém, bị ức chế, bị tản mạn, quay cuồng vần vũ trong tâm, thì bây giờ bùng lên phát tác. Tập trung, thống nhất, phát tác những luồng nội lực vũ bão trong biển cả tâm thức, tình trạng đó gọi là NHẬP ĐỊNH. Sự phát tác nội lực do việc nhập định sẽ khiến hành giả thi triển được các loại ‘thần thông phép tắc’ khác nhau, như tai nghe rõ hơn, mắt thấy sáng hơn, thân thể điều khiển được nóng hay lạnh tùy ý, rồi khinh công, bay bổng, toả sáng… ; đến mũi, luỡi cũng có thể nếm trải những mùi vị diệu kỳ và nhất là dòng tâm ý tâm tưởng sẽ xuất hiện nhiều cảnh giới kỳ lạ trong cõi Dục, cõi Sắc và Vô Sắc…xưa nay chưa từng có.

Nhưng, dù phát huy định lực cao độ đến mấy chăng nữa, thì định lực vẫn là nghiệp lực, vẫn là ngã mạn ngã chấp tham sân si. Dĩ nhiên, trong tình trạng tập trung thống nhất của nhập định, ngã mạn ngã chấp bây giờ trở nên mãnh liệt hơn gấp ngàn gấp triệu lần. Những kẻ yêu nhau hay ghét nhau dữ dội, những kẻ có các khao khát ám ảnh điên cuồng, những kẻ có thiên hướng mãnh liệt về nghệ thuật…, và nhất là các “pháp môn ngoại đạo” đều có thể đưa tới những tình trạng nhập định như thế. Sự lầm lẫn đầy nguy hiểm mà tình trạng nhập định có thể đưa tới, là hành giả thoả mãn lợi dụng vì những biến hóa thần thông phép tắc, khoái chí vì thấy sự dồi dào phong phú và mãnh liệt của nội tâm, đầy no đủ hỷ lạc thênh thang do nhập định đem lại. Tất cả những thứ đó, vẫn chỉ là con người cũ, vẫn là sự bám chấp đầy tham ái ngã mạn tinh vi.

Chính Đức Phật khi còn tu luyện theo những pháp môn Bà la môn, ngài đã chứng đắc những tình trạng nhập định cao siêu nhất của Thiền Vô Sắc Giới là các cảnh giới Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng Đức Phật đã rời bỏ những kiểu tu tập ấy, rời bỏ những cảnh xứ tâm linh đã đạt được ấy. Ngài biết rằng việc nhập định dù có cao siêu đến tột cùng, vẫn chỉ là một ‘cách thế hiện hữu’ thâm sâu tinh tế của cái tôi ngã chấp.

Với Đức Phật, nhập định chưa phải là giải thoát. Hơn nữa, những tình trạng diệu kỳ của nhập định nếu không tinh tế sẽ trở thành sự ngăn cản cho việc giải thoát. Sự giải thoát đích thực, theo Đức Phật, phải là CHÁNH KIẾN, tức CÁI NHÌN MỚI, TRÍ HUỆ MỚI, để hoàn toàn ở trong một ‘Trời Mới Đất Mới’, tức đảo lộn hết cái thấy biết cũ kỹ xưa nay, chết đi, và sống lại. Cho nên, các pháp chánh niệm của Phật phải đưa tới Chánh Định, ở đó, hành giả nhờ chánh định, mà xảy trong tâm một cơn chết lớn, một cuộc đảo lộn, một cuộc trời long đất lở, một cơn đổ vỡ hết vũ trụ có mặt trời mặt trăng xưa cũ, trời rung, đất chuyển, và bùng vỡ, và bừng tỉnh…

Nếu con người là cả một năng lực BIẾT, dồi dào mãnh liệt và phong phú như một đại dương, thì khi sống vọng niệm vọng tưởng, đại dương Biết là một đại dương đầy sóng ngầm bão tố ghê hồn, và bên trên bề mặt, cái tôi giả nhỏ nhoi bấp bênh trôi nổi với chút ý thức giả tạo rằng mình đầy yên ổn an toàn. Một khi bước vào hành trình thiền định thiền quán, chẳng những tất cả những sức mạnh của đại dương được ngưng tụ lại, dữ dội, tràn đầy. Nhưng là cái dữ dội tràn đầy để vỡ tung, vỡ toang chính cái tôi giả tạo của mình đi. Và bấy giờ, con người thật, trong veo, tĩnh lặng, sáng suốt, đầy yêu thương, đầy mở rộng, đầy linh hoạt, lần đầu tiên sẽ xuất hiện. Một cuộc tái sinh trở thành con thơ trẻ nhỏ thơ ngây… Giác ngộ, hay Ý Thức Mới, bây giờ, cũng hoàn toàn là lối sống mới, con người mới, con người Giải Thoát và Tự Do. Và đây mới là đích điểm tối hậu của chánh niệm tu tâm Phật Giáo.

V. CHÁNH NIỆM TRONG THỰC TẠI ĐỨC TIN

Đến đây, khoan cần tìm hiểu thêm về những vấn đề giáo thuyết của nhà Phật, ta có thể nắm lấy điều cốt yếu nhất của Phật Giáo là tu tâm, hay khởi chánh niệm. Khởi chánh niệm, là tỉnh thức khởi từng niệm lên, cho đúng với Sự Thực.

Thực Tại Phục Sinh cũng là Thực Tại Đức Tin chính là Thực Tại người tín hữu đang sống, đang hít thở, đang bơi lội, đang “dìm mình” trong đó. Đó cũng là Thực Tại Thần Linh của Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, đã chịu Khổ Nạn và Phục Sinh nay đang chan hoà thẩm thấu trong tất cả mọi sự. “Mọi quyền năng trên trời và dưới đất đã được ban cho Thầy”, và, “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Mấùy khi người tín hữu “ý thức” được điều này, ngay cả khi cử hành các Mầu Nhiệm Đức Tin ? Đức Tin là một ân ban. Đức Tin là một thực tại mầm sống mới. Như vậy, Thực tại Đức Tin hay Thực Tại Thần Linh Đức Giêsu như một tiềm thể, một tiềm năng bất tận. Trong cuộc sống, và cả khi cử hành Bí Tích, chúng ta hay quên mất Thực Tại Tràn Đầy ấy. Chúng ta sống “vọng”, chúng ta sống xa xôi, hư ảo, không thật. Chúng ta nặng lòng với những “sự thế gian”, vui buồn sướng khổ lo mừng hy vọng thất vọng theo kiểu thế gian, vì những chuyện hay dở được mất khen chê của thế gian. Từng niệm khởi của chúng ta toàn là trên thực tại thế gian. Còn khi dám nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô mà khởi từng niệm đức tin, tức là ta sống chánh niệm, và tôi biết rằng ngay lúc đó, tôi đang được Ở TRONG Ngài, nên một với Ngài.

Thực tế là bản thân của chúng tôi không tu không tập gì. Chúng tôi chỉ nguyện xin Thần Linh Chúa Kitô giúp chúng tôi được cử hành các mầu nhiệm đức tin một cách tỉnh thức, chú tâm, chánh niệm. Mỗi lần cử hành một Bí Tích, nhất là Thánh Lễ, chúng tôi xin được đặt tâm của mình trên từng lời Thánh Kinh và từng lời của Giáo Hội. Không cần phân tích, không kịp suy niệm, nhưng TÔI TIN rằng từng câu từng chữ của Lời Chúa và lời của Giáo Hội bấy giờ đang khiến tôi NÊN MỘT với Chúa Giêsu. Sốt sáng hay không sốt sáng, phấn khởi hay không phấn khởi, cứ lặng lặng thầm thầm mà chú tâm với tất cả đức tin.

Giờ cử hành Bí Tích với cộng đoàn đã chấm dứt. Nhưng chúng tôi xin được sống tất cả mọi giây phút của một ngày như đang cử hành một Bí Tích duy nhất là Bí Tích Đức Giêsu, Ngôi Lời. Dùng một câu Kinh Thánh ngắn gọn cho suốt vài năm (thí dụ: - Này là Mình Thày, Này là Chén Máu Thày; Thày đây, đừng sợ; - Thày ban Bình An cho anh em, Thày ban Bình An Của Thầy cho anh em…), chúng tôi “niệm” câu Kinh Thánh đó. Và khi niệm Lời Chúa như vậy, chúng tôi khởi lên niềm tin chắc chắn rằng, mình đang được biến đổi nên một với Chúa Giêsu, mình đang được ở trong Thực Tại Thần Linh của Chúa Giêsu.

Vô Trú
________________________________

NNH - Sk...




Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
Phật Giáo - Đạo tu tâm - Sống Chánh niệm...
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
»  Tâm lý học Phật giáo...
» FATIMA... và những niềm tin của người công giáo
» Lễ cung hiến và khánh thành nhà thờ giáo xứ Uy Tế, GP Phát Diệm
» NGƯỜI CÔNG GIÁO VỚI ĐỜI SỐNG NỘI TÂM
» Người Công Giáo và đời sống văn hóa

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: NGHỆ THUẬT - KIẾN THỨC :: MỞ CỬA TƯ DUY-
Chuyển đến