Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu Empty
Bài gửiTiêu đề: Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu   Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu EmptySat Jun 02, 2012 4:32 pm

Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu
Đăng bởi admin lúc 8:08 Sáng 31/05/12

Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu 011123-180x120

VRNs (31.05.2012) - Đồng Nai - Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng câu giáo lý về Một Chúa Ba Ngôi trong sách bổn đồng ấu ngày xưa. Hỏi Đức Chúa Trời có mấy ngôi? Thưa Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.

Một câu giáo lý quen thuộc mà hết thế hệ này đến thế hệ khác đều học thuộc lòng một cách đầy đủ và chính xác từng lời và từng dấu chấm, dấu phẩy. Điểm đặc biệt là không ai thắc mắc tại sao Một Chúa mà lại Ba Ngôi? Có lẽ chúng ta không thắc mắc, không phải vì chúng ta đã hiểu mà vì cha mẹ chúng ta tin, và vì Hội thánh dạy chúng ta như thế. Thực vậy đức tin của chúng ta được trao ban từ Hội thánh và qua cha mẹ cùng người đỡ đầu tiếp tục bảo vệ, vun trồng đức tin của chúng ta.

Rồi dần dà theo thời gian, đức tin của chúng ta thêm kiên vững và được củng cố nhờ những ngày tháng học giáo lý và học hỏi lời Chúa. Chúng ta tin Một Chúa Ba Ngôi không do trí óc tưởng tượng của con người mà dựa trên thế giá lời chứng của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết. Chính Chúa Giêsu là lời mạc khải tròn đầy về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Ngài cho chúng ta biết, Ngài từ Chúa Cha mà đến. Ngài đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha, và khi hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó, Ngài đã về trời và ban Thánh Thần đến thánh hóa thế gian trong ân sủng và tình yêu của Chúa.

Có một bà cụ đi xe lửa lần đầu tiên nên rất bỡ ngỡ sợ lầm tàu và lạc đường. Bà quay sang hỏi một hành khách ngồi bên cạnh:
- Thưa ông, tàu này có phải là tàu đi Roma không?
Ông ấy trả lời ngay:
- Vâng, đây là tàu đi Roma. Bà đừng lo, vì Roma là nhà của tôi, tôi phải về đó.

Nhưng bà ấy vẫn chưa thỏa lòng, cứ miên man nghĩ ngợi: Nhỡ ông kia cũng lầm tàu thì sao? Làm sao mà mình biết được? Vừa lúc ấy người tài công bước vào, bà hỏi:
- Bác tài công ơi, tàu này là tàu đi Roma phải không?
Người tài công trả lời:
- Vâng, đây chính là tàu đi Roma. Tàu sẽ chạy trong vài phút nữa. Bà cứ việc ngồi thoải mái đừng lo lắng gì cả, sẽ tới Roma an toàn.

Tới lúc ấy bà mới yên tâm, vì bà đã hỏi người có thẩm quyền trên tàu. Bà ấy đã nhận được câu trả lời từ một người có thẩm quyền nên không còn lo sợ nữa.

Mỗi người chúng ta cũng đang đi trên hành trình đời sống, một hành trình vào cõi vĩnh hằng. Có rất nhiều tôn giáo. Có rất nhiều con đường của người này kẻ kia chỉ chúng ta con đường về trời. Nhưng chỉ có một người đáng chúng ta tin cậy, vì Ngài là Thiên Chúa. Ngài có đủ thẩm quyền để chúng ta tin lời Ngài là chân lý, là sự thật. Đó chính là Chúa Giêsu.

Thực vậy, chúng ta tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và các mầu nhiệm khác trong đạo đều dựa vào lời chứng của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên lời chứng của Ngài đáng để chúng ta tin. Chính Ngài đã làm nhiều phép lạ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa và phép lạ lớn nhất đó là tự mình sống lại sau ba ngày chôn cất nơi huyệt mộ. Chính Ngài không chỉ nói về Chúa Cha mà cả cuộc sống của Ngài là để tôn vinh Chúa Cha và Ngài hằng sống đẹp lòng Chúa Cha.
Bên cạnh đó, với phương pháp loại suy chúng ta cũng có thể hiểu phần nào về mầu nhiệm Một Chúa ba Ngôi. Tựa như bóng đèn điện: có dòng điện, có ánh sáng và có hơi nóng. Hoặc như cùng một dòng nước chảy nhưng có thể hiện hữu dưới ba hình thái: thể hơi, thế rắn và thể lỏng, nghĩa là dạng hơi nước, dạng băng và dạng mưa.

Nhìn vào Thánh Kinh và lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa đã tỏ bày tình yêu của mình qua ba cách khác nhau: Chúa Cha đã tỏ mình ra qua việc tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người. Cho dù con người có bất trung phản loạn Chúa vẫn yêu thương, yêu thương đến nỗi ban chính Con Một của mình là Đức Giêsu Kytô làm Đấng cứu chuộc trần gian. Cứu là giải thoát. Chuộc là cái gì của mình đã mất nay phải chuộc lại. Ngôi Hai Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết, và chuộc lại chúng ta trở về làm cho cái Thiên Chúa bằng giá máu trên đồi Golgotha. Chúa Thánh Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa đã thánh hóa chúng ta thành con cái Thiên Chúa và trở thành đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa là người cha nhân ái, chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Chúa có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương tới cùng. Cho dù chúng ta có yếu đuối bất toàn, Chúa vẫn yêu thương. Chúa không đoán phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội. Chúa như người cha luôn ngong ngóng chờ đợi đứa con tội lỗi trở về để được ôm con vào lòng và lại ban muôn ân huệ dư tràn. Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa bằng đời sống sám hối và canh tân cho xứng đáng là con cái Chúa và xứng đáng là Đền Thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen

Lm Jos Tạ Duy Tuyền
_____________________________
NNH Sk...


Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu   Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu EmptySat Jun 02, 2012 4:38 pm

Nhân danh Chúa Ba Ngôi

Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu 0121-180x120

VRNs (31.05.2012) – Sài Gòn – Chúa nhật Chúa Ba Ngôi, Năm B

Tam giác cân có mọi thứ bằng nhau: Ba cạnh bằng nhau, ba góc bằng nhau, ba đường trung tuyến bằng nhau. Thiên Chúa Ba Ngôi cũng vậy, không Ngôi nào hơn, không Ngôi nào kém. Một mà Ba, và Ba mà Một. Một Chúa mà Ba Ngôi, gọi là Tam Vị Nhất Thể, nói theo Việt ngữ bình dân là ba-trong-một. Điều này hoàn toàn vượt ngoài tầm hiểu biết của loài người. Những người không có niềm tin tôn giáo thì chắc hẳn không thể chấp nhận theo lý luận của con người.

Chuyện kể rằng Thánh Augustinô là người giỏi giang, thông minh xuất chúng, suy nghĩ và lý luận về Chúa Ba Ngôi mà không thể hiểu thấu. Thánh Augustinô gặp một em bé ngồi múc nước biển đổ vào cái hang, thấy lạ nên ngài hỏi: “Cháu làm gì thế?”. Em bé trả lời: “Cháu tát nước biển”. Thánh Augustinô nói: “Làm sao cháu tát cạn được biển?”. Đứa bé vô tư nói: “Việc cháu làm đây còn dễ hơn việc ông đang suy nghĩ”. Thánh Augustinô giật mình và tỉnh ngộ!

Thiên Chúa nói qua ông Mô-sê: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: Có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không? Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?” (Ðnl 4:32-34).

Những câu hỏi đó cũng chính là những câu trả lời. Ông Mô-sê kết luận: “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Ngài, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em” (Ðnl 4:39-40). Những lời giản dị và rõ ràng, thật dễ hiểu.

Thiên Chúa là Đấng trung tín, luôn giữ đúng lời hứa. Tác giả Thánh vịnh xác định: “Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin” (Tv 33:4). Thiên Chúa là Đấng chí minh và chí thiện nên “Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất” (Tv 33:5). Thiên Chúa là Đấng toàn năng: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú. Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Ngài ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33:6 & 9). Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Tv 33:18-19). Vì thế, chúng ta luôn cần Ngài và phải tín thác vào Ngài bằng cách thân thưa: “Tâm hồn chúng con đợi trông Chúa, bởi Ngài luôn che chở phù trì” (Tv 33:20), và luôn cầu khẩn: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:22).

Khi Tông đồ Phi-líp-phê thắc mắc về Chúa Cha (Ngôi Nhất), Chúa Giêsu (Ngôi Hai) nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). Tình yêu của Cha và Con nhiệm xuất Chúa Thánh Thần (Ngôi Ba). Thấy và biết Ngôi Hai là thấy và biết Ngôi Cha, cũng là thấy và biết Ngôi Ba vậy. Theo “cách chia” của chúng ta: Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu độ, và Chúa Thánh Thần Đấng thánh hóa. Đó là cách nói để cho loài người dễ hiểu theo trí tuệ phàm tục mà thôi. Ba là Một thì không có chuyện tách rời như vậy.

Chúa Thánh Thần là Gió (Khí), Lửa và Nước. Ngài luôn hoạt động tích cực trong mỗi chúng ta, trong từng biến cố cuộc đời. Thánh Phaolô nói: “Ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8:14). Thật nguy hiểm nếu thiếu Chúa Thánh Thần: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8:15). Phúc thay cho chúng ta vì chúng ta đã được Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần (Thần Khí, Thánh Linh), vì thế “chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8:16). Những tội-nhân-chúng-ta lại được tha thứ và được phục hồi nguyên trạng quyền làm con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô giải thích: “Vậy đã là con thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Ngài, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Ngài” (Rm 8:17). Quá kỳ diệu! Chúng ta không thể nào hiểu thấu.

Những tội-nhân-đáng-chết như chúng ta, tức là tử tội, mà lại được Lòng Thương Xót của Chúa cho thừa kế với Đức Kitô, được làm tiểu đệ của Đại Huynh Giêsu. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng được? Đúng là Đại Hồng Phúc đối với chúng ta.

Tuy nhiên, con người luôn yếu đuối và hoài nghi, dù đã tận mắt chứng kiến. Thánh sử Mátthêu kể: “Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Ngài, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28:16-17). Ngay cả những môn đệ thân cận, tận mắt chứng kiến Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, thế mà vẫn có “mấy ông hoài nghi”. Chúa Giêsu chắc buồn lắm. Nhưng Ngài hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu mình. Ngài đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:18-20a).

Đó là sứ vụ không của riêng ai, phải hoàn hành động theo cương vị mình. Sứ vụ này cũng đã được Giáo hội đề cập trong Giáo huấn Xã hội Công giáo (chương II). Sứ vụ thì phải… mệt. Đó là điều tất nhiên. Nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng nên tự cảnh giác cao độ, làm gì thì cũng phải thực sự nhân danh Chúa Ba Ngôi chứ đừng nhân danh bất kỳ thứ gì khác, nguy hiểm nhất là làm để “sáng danh chính mình”. Người Pháp có câu nói hay: “Đừng vì kính mến Chúa mà chà đạp người khác”.

Thực hiện sứ vụ nào cũng mệt, thế nhưng Thiên Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ, vì chính Chúa Giêsu đã có lời hứa đặc biệt: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

Lạy Chúa, không có Ngài thì chúng con chẳng làm được gì, chỉ là đồ vô tích sự. Vì thế, xin luôn soi sáng, hướng dẫn, đồng hành và tăng lực can đảm để chúng con sẵn sàng hành động nhân danh Ngài mà thôi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

___________________________________
NNH Sk...


Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu   Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu EmptySat Jun 02, 2012 4:48 pm

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu 39314_1310514174854_1590620798_30667446_3341108_n

Hỏi : xin cha giải thích rỏ về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi mà Giáo Hội mừng kính trong Chúa Nhật này;

Trả lời Cách đây hơn bốn năm, sau khi Bản Nghi Thức Thánh Lễ mới được Hội Đồng Giám Mục Viêt Nam công bố cho thi hành trên toàn quốc, nhiều ý kiến khác nhau đã được bày tỏ liên quan đến nội dung dịch thụât và một số từ ngữ thần học và phụng vụ được sử dụng trong Bản Nghi Thức mới này.

Trước hết là phần mở đầu Thánh Lễ , Chủ tế làm dấu thánh giá với công thức :
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

Công thức này đã được dùng lại từ Bản Nghi Thức cũ xuất bản năm 1969 nhưng khác với công thức của Bản thứ 2 ban hành năm 1992 như sau:
Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Lý do thay đổi được đưa ra là để tránh sự lầm lẫn về “ Ba Chúa”(Trithéisme) có thể gây ra trong công thức của Bản 1992 tức là muốn nhấn mạnh đến sự kiện chỉ có Một Thiên Chúa với Ba Ngôi Vị “đồng một bản thể (consubstantialis)và uy quyền như nhau ”đúng như Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicene (325 A.D).

Chi tiết quan trọng này rất thích hợp để chúng ta suy niệm về Mầu Nhiêm Chúa Ba Ngôi (The Holy Trinity) mà Giáo Hội cử hành Chúa Nhật tuần này.

Có thể nói: Chúa Ba Ngôi là một Mầu Nhiệm lớn nhất của Đạo Công Giáo được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các Thánh Tông Đồ cách nay trên 2000 năm.

Xưa kia, các Thánh Giáo Phụ (Church Fathers), đặc biệt Thánh Augustinô( 354-430), đã suy niệm rất nhiều về Mầu Nhiệm này nhưng các ngài đã không thể tìm ra được lời giải đáp thuần lý nào ngoài xác tín đó là Mầu Nhiệm phải tin mà thôi.

Trước hết, Mầu Nhiệm này đã không được mặc khải trong Kính Thánh Cựu Ước có lẽ để tránh bối rối cho Dân Do Thái vốn quen với não trạng “độc thần=monotheism” theo đó họ chỉ biết tôn thờ một Thiên Chúa Yaweb là Cha của các Tổ Phụ Abraham, Isaac và Jacob và cũng là Thiên Chúa đã giải phóng họ, qua bàn tay ông Môisen, khỏi ách thống khổ bên AiCập, được an toàn trở về quê hương. Nghĩa là họ không biết gì về Chúa Kitô, Đấng đã xuống trần gian làm Con Người để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tôi. Cũng như không biết Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý, là Đấng ban sự sống, đã khai sinh Chúa Giêsu trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã phục sinh Chúa Giêsu-Kitô từ cõi chết sau ba ngày nằm trong mồ đá.

Vì thế sau khi đưa dân Do Thái an toàn vượt qua Biển đỏ và tiến vào hoang địa để ở đó trong 40 năm chờ ngày vào chiếm hữu vùng Đất Hứa, ông Môisen, trong thời gian này, đã nhắc lại cho Dân ghi nhớ và suy niệm rằng “trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính CHÚA là Thiên Chúa chứ không có thần nào khác nữa. Anh em hãy giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người mà hôm nay tôi truyền cho anh em, như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em vĩnh viễn ban cho anh em.”(Đnl 4, 39-40). Đó là Thiên Chúa mà dân Do Thái tôn thờ từ thời Cựu Ước cho đến nay.

Ngược lại, trong Kinh Thánh Tân Ước mà anh em Do Thái không nhìn nhận và đọc chung với chúng ta, thì Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được mặc khải rõ ràng cho nhân loại lần đầu tiên qua trình thuật Chúa Giêsu nhận phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả trong sông Jordan (x Mt 3,13-17; Mc 1,9-11;Lc 3,21-22),nơi đây “Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu” và tiếng nói của Chúa Cha lần đầu được nghe từ trời cao phán ra: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3:22).

Tiếng Chúa Cha lại được nghe thêm một lần nữa khi Chúa Giêsu Biến Hình trên núi Tabor trước mắt ba Tông Đồ Phêrô, Gioan và Gia Cô Bê: “Đây là Con Ta yêu dấu hằng đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”.(Mt 17: 5) Đặc biệt trong Tin Mừng Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã minh nhiên nói đến Ba Ngôi Thiên Chúa khi Người truyền cho các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng Cưú Độ và rửa tội cho muôn dân “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần,”. Những lời này của Chúa Giêsu đã vén mở cho chúng ta biết về Ba Ngôi Thiên Chúa đồng bản thể trong Một Thiên Chúa duy nhất mà Giáo Hội long trọng mừng Lễ hôm nay.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thực không thể giải thích cách thuần lý nào cho con người hiểu được. Nhưng, là tín hữu Công Giáo, chúng ta phải tuyên xưng và sống với mọi chiều kích của Mầu Nhiệm này để không bị rối đạo ( heretical).Tuy nhiên, để giúp cho các em nhỏ và người lớn học giáo lý hiểu về Mầu Nhiệm này, ta có thể dùng hình ảnh một ngọn đèn điện hay đèn dầu. Mọi đèn này đều có 3 yếu tố không thể tách rời nhau được : Một là hình dáng (shape) của đèn như dài ngắn, tròn hay vuông, to hay nhỏ... Yếu tố thứ hai là ánh sáng (light) phát ra khi đèn được bật hay đốt lên. Yếu tố thứ ba là sức nóng (heat) sẽ phát ra từ đèn sau một thời gian ngắn được thắp sáng lên. Thiếu một trong 3 yếu tố trên thì không thể có đèn điện hay đèn dầu được, vì không có đèn nào mà lại không phát ra ánh sáng, sức nóng trong một hình dáng cụ thể mà người ta trông thấy được.

Cũng vậy, tuy với Ba Ngôi Vị là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng cùng Một Thiên Chúa duy nhất thánh thiện, uy quyền và đầy yêu thương. Chính tình yêu này của Ba Ngôi Thiên Chúa đã đưa đến kết quả “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa..” (St 1,27) và “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tim 2,4).

Mặt khác, Mầu Nhiệm BA trong MỘT cũng diễn tả cách siêu hình cho chúng ta biết về bản chất của Giáo Hội là tuy có nhiều trong thành phần nhưng chỉ qui kết về một đích điểm : đó là cùng một Đức Tin, một Phép Rửa , một Thiên Chúa duy nhất là Đấng đã dựng lên và cứu chuộc con người chỉ vì yêu thương và tha thứ… Do đó, tuyên xưng và sống Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng mạnh mẽ đòi hỏi chúng ta phải san bằng mọi dị biệt, mọi bất đồng và mọi trở ngaị để trở nên MỘT trong cùng một niềm tin, trong yêu thương, bác ái và an hoà với nhau như Ba Ngôi trong Một THIÊN CHÚA của Tình Thương, Công minh, An bình và Hiệp nhất.

Ước mong giải đáp này thỏa mãn phần nào câu hỏi được đặt ra.

LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

___________________________________
NNH Sk...


Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
Sponsored content





Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu   Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Ba ngôi Thiên Chúa là tình yêu
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tại sao Thiên Chúa tự cho mình một tên gọi?
» THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN
» Đồi Golghota và ngôi mộ Chúa Giêsu
» Khám phá ngôi chùa lập 11 kỷ lục Việt Nam
» Tập sống khôn ngoan theo thánh ý Thiên Chúa

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: TÂM HỒN... :: TÂM LINH ĐỜI SỐNG-
Chuyển đến