Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  Empty
Bài gửiTiêu đề: Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...    Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  EmptySat Apr 30, 2011 10:46 pm

Bà Ngô Đình Nhu (Maria. TranLeXuan) tạ thế vào đúng ngày Phục Sinh của Chúa Giêsu! Đây là một dấu hiệu đáng vui mừng cho một người phụ nữ đã can đảm chịu đựng bao sự khổ đau và tủi nhục vì quốc gia dân tộc và vì niềm tin Kytô giáo!

Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  9k= Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  9k= Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  Images?q=tbn:ANd9GcQaddbS73m2ZKrCmhMfx0koVOJZPP_Wa44Sgm3XNlAv8VQtd0Jl

Bà Ngô Đình Nhu qua đời ở Ý
Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân, qua đời hôm qua ngày 24 tháng 4 năm 2011 tại Italia.

Tin cho biết, bà này đã qua đời tại một bệnh viện ở Rome với sự chứng kiến của đông đủ con cháu
.


Bà Trần Lệ Xuân sinh năm 1924, em dâu của cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm cuả nền Đệ nhất cộng hoà chính quyền miền nam Việt Nam.

Bà là vợ cuả ông cố vấn Ngô Đình Nhu.

Dưới thời cuả tổng thống Ngô Đình Diệm, bà cũng là dân biểu quốc hội và là chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Đới. Bà được nhiều người biết đến với những hoạt động trên chính trường thời Đệ nhất Cộng hoà ở Miền Nam; thậm chí có ý kiến cho rằng bà ‘lộng quyền’ và có những hoạt động ‘khuynh đảo’ khi đang có quyền.

Trong vụ đảo chính hồi năm 1963, bà đang công tác ở nước ngoài. Từ đó, bà đã sống tại Pháp và Italia.

Trần Lệ Xuân sinh tại Hà Nội. Mẹ là bà Thân Thị Nam Trân, cháu ngoại của vua Đồng Khánh và em họ của vua Bảo Đại, cha của bà là luật sư Trần Văn Chương.
Bà có 4 người con: Ngô Đình Lệ Thủy (đã qua đời năm 1968 trong 1 tại nạn giao thông tại Paris), Ngô Đình Trác, Ngô Đình Quỳnh, và Ngô Đình Lệ Quyên.

Được biết, trước khi qua đời bà Trần Lệ Xuân sống một mình, cắt đứt mọi quan hệ với các nhân vật chính trị và chỉ dành thời gian viết hồi ký.

Nguyện vọng của bà là cuốn hồi ký này chỉ được phát hành khi bà qua đời. LS Trương Phú Thứ là người chấp bút cho cuốn hồi ký đó.
________________________________________

Những ngày cuối đời lặng lẽ của Trần Lệ Xuân

Những năm cuối đời, bà Lệ Xuân sống lưu vong tại Pháp và Italy. Trái hẳn với những tháng oanh liệt một thời khi còn là Đệ nhất phu nhân, bà 'Cố vấn' chọn cuộc sống lặng lẽ và khép kín ở xứ người.

Sống nhờ vào sự giúp đỡ của một phụ nữ ẩn danh
Sau năm 1963, Trần Lệ Xuân cùng các con chuyển về sinh sống tại La Mã, nơi giám mục Ngô Đình Thục đang cư trú. Từ đó, không có thông tin gì về bà cho mãi tới tháng 3/2002, một luật sư người Việt đã gặp bà ở Paris.
Vị luật sư này đã chụp ảnh bà thời điểm đó và cho biết bà Nhu sống một mình trong căn hộ của một tòa nhà mới xây gần tháp Eiffel. Bà có hai căn ở tầng thứ 11, tại một khu vực đẹp và đắt tiền nhất Paris. Bà ở một căn, căn còn lại cho thuê để sinh sống. Đó là nguồn thu nhập duy nhất, đủ để sống, không cần nhờ vả đến các con. Bà sống ẩn dật, âm thầm lẻ loi, đến mức những người thân cận nhất vẫn tưởng bà đang sống ở Italy.

Theo vị luật sư này, bà Nhu tuy đã ngoài 80, nhưng vẫn khỏe mạnh. Bà đi đứng nhanh nhẹn, lưng thẳng, đôi mắt to và sáng. Căn nhà bà Nhu khá tầm thường, với hai phòng ngủ và một phòng khách. Trên tường phòng khách còn treo vài bức ảnh lớn của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu và con gái lớn Ngô Đình Lệ Thủy. Bà Nhu bác bỏ tin đồn chuyện một người Pháp giàu có biếu giám mục Thục số tiền lớn, sau đó ông cho bà để mua căn hộ này. Rồi bà dành dụm thêm để mua căn nữa. Sự thật không phải thế. Bà Nhu trực tiếp nhận được tiền từ một ân nhân ẩn danh. Sau đó bà nhờ một cựu bộ trưởng thời De Gaulle giúp mua cho hai căn hộ này. Bà còn tiết lộ vị ân nhân đó chính là bà Capici, một phụ nữ Italy từng nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Bà Nhu chưa từng gặp mặt vị ân nhân này, và mãi 4 năm sau khi bà này tạ thế, Trần Lệ Xuân mới biết rõ thân thế và sự nghiệp.

Mỗi sáng sớm, bất kể thời tiết nóng lạnh, bà Nhu đều đi bộ chừng 10 phút đến nhà thờ Saint-Paul dự lễ. Sau thánh lễ, bà ở lại giúp dọn dẹp nhà thờ và xếp đặt trưng bày hoa, nến. Ngày Chủ nhật, bà còn dạy giáo lý cho trẻ con.
Bà Nhu rất ít đi mua sắm. Nói đến áo quần, bà có vẻ đăm chiêu: “Ở Sài Gòn nóng quá, nên tôi mặc áo dài hở cổ, khiến Tổng thống không bằng lòng”. Chiếc áo dài hở cổ được đặt tên “kiểu áo bà Nhu” một thời là mốt thời thượng ở Sài Gòn. Bà nói: “Nhiều khi tôi phải đại diện chính phủ tiếp phu nhân các nước mà chẳng có đồ trang sức nào cả. Có một bà bộ trưởng muốn bán số đá rubi trang sức, tôi xin Tổng thống Diệm số tiền 6.000 đồng, để mua lại. Ông bằng lòng, nhưng buộc phải viết giấy biên nhận, ghi đầy đủ lai lịch từng món. Đó là lần duy nhất ông Diệm cho tôi tiền, và bây giờ cũng không còn nhớ chúng thất lạc ở mô!”.

Bà Nhu kể lại: Dịp mùa xuân 1975, hệ thống Đài truyền thanh Mỹ, NBC có xin phỏng vấn 30 phút. Bà chấp nhận và đòi thù lao 10.000 USD và 2 vé máy bay khứ hồi hạng nhất Paris - Washington, để dẫn Lệ Quyên đi thăm ông bà ngoại, Trần Văn Chương. Đó là lần duy nhất bà đi Mỹ và cũng là lần duy nhất bà xuất hiện trên truyền thông quốc tế sau năm 1963. Ngoài ra bà chưa từng gặp gỡ hoặc tiếp xúc với bất kỳ báo chí Việt ngữ dưới bất kỳ hình thức nào.
Bà quả phụ Ngô Đình Nhu đang viết dở một quyển hồi ký bằng tiếng Pháp do chính bà dịch sang tiếng Italy, Anh và Việt Nam. Bà cho biết, chỉ sau khi qua đời sách mới được phát hành
Người đàn bà quyền lực một thời

Những năm cuối đời, bà Lệ Xuân sống tại Rome, Italy. Hồi 2h ngày chủ nhật (24/4 giờ địa phương), bà trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở Rome. Người đàn bà quyền lực một thời đã vĩnh viễn rời xa nhân thế.
Tuy nhiên, thân thế và "sự nghiệp" một thời của bà vẫn được nhắc tới. Bà Trần Lệ Xuân sinh năm 1924 tại Hà Nội trong một gia đình danh giá. Thân mẫu của bà là cháu ngoại của vua Đồng Khánh và em họ của vua Bảo Đại, vị̀ vua cuối cùng của triều Nguyễn. Thân phụ của bà là Luật sư Trần Văn Chương, người từng giữ chức Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ̀.

Thời bé, bà Trần Lệ Xuân học trường Albert Sarraut và tốt nghiệp tú tài. Năm 1943 bà kết hôn với ông Ngô Đình Nhu đồng thời bắt đầu theo Công giáo. Ông Ngô Đình Nhu là em trai và là cố vấn cho Tổng thống VNCH lúc đó là ông Ngô Đình Diệm, vì vậy bà Trần Lệ Xuân còn được gọi là 'Bà Cố vấn'. Vì Tổng thống Diệm không có vợ, nên bà cũng được coi là Đệ nhất Phu nhân VNCH (1955-1963).

Vai trò của bà Trần Lệ Xuân trong thời kỳ đương đại được cho là gây tranh cãi. Lúc đó, bà cũng là dân biểu và là Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới. Với các phát biểu và hành động thẳng thừng, nhiều khi bị chỉ trích là bất cẩn và quá khích, bà bị cáo buộc "lộng quyền", và có người cho rằng đã góp phần làm tăng sự bất mãn đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới cuộc đảo chính ngày 1/11/1963.

Khi xảy ra đảo chính và cái chết của anh em ông Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu, bà Trần Lệ Xuân và con gái lớn là Ngô Đình Lệ Thủy đang công cán nước ngoài. Kể từ đó, bà sống lưu vong, không quay trở lại Việt Nam.
Đệ nhất Phu nhân một thời Trần Lệ Xuân, tức bà Ngô Đình Nhu, thọ 87.

Chuyện trò với bà Ngô Đình Nhu

Tôi đến thăm Bà Ngô Đình Nhu vào lúc 2 giờ trưa ngày 16 tháng 3 năm 2002 tại kinh thành Paris của nước Pháp. Nắng êm dịu vừa lên sau buổi sáng ẩm ướt của những ngày đầu Xuân và Paris thì lúc nào cũng chật ních những người và xe. Thành phố có cả một kho tàng bảo vật và huyền thoại. Ở đây người đi bộ đầy đường với những tiệm ăn và quán cà phê nối tiếp chạy dài cả dẫy phố. Người Paris nhàn hạ và ham muốn hưởng thụ, chậm chạp nhưng thon thẻ hơn người Seattle. Cuộc sống thư giãn chậm chạp của những ông Tây bà Đầm là niềm ước mơ của những người luôn phải vội vã lập cập với tốc độ từ sáng sớm đến nửa đêm ở Cali hay Texas.

Bà Nhu ở một mình trong một đơn vị gia cư (apartment) của một toà nhà mới xây gần tháp Eiffel. Nói là mới để phân biệt với những chung cư san sát ở Paris đã được xây cất cả đến vài ba thế kỷ với những đường nét hoa văn cổ kính. Chung cư Bà Nhu ở có những nét kiến trúc đương đại giống như một cái hộp khổng lồ bằng kính, có lẽ đã được tạo dựng từ 30 đến 40 năm. Bà Nhu là sở hữu chủ hai (02) đơn vị gia cư ở trên tầng lầu thứ 11 của toà nhà cao tầng ở khu vực có địa thế rất đẹp và đắt tiền nhất thủ đô Paris, ngay giữa cái nôi của văn hoá và chính trị thế giới. Nơi đây một tấc đất chẳng biết giá tới mấy chục hay mấy trăm tấc vàng. Cả vùng này hầu như là nơi cư ngụ của các nhân viên và phái đoàn ngoại giao trên đất Pháp. Bà Nhu ở một đơn vị và cái thứ hai cho thuê để lấy tiền sinh sống. Đó là lợi tức duy nhất của Bà, cũng tiệm tạm đủ sống và không cần nhờ vả đến các con. Bà sống ẩn dật, đi về lẻ loi thầm lặng đến nỗi một khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt quốc gia ở Paris là cựu Trung Tướng Trần Văn Trung vẫn nghĩ là Bà Nhu sống ở bên Ý.

Trên đường đến thăm Bà Nhu, tôi vẽ ra trong đầu óc qua hình ảnh cuả những chung cư đắt tiền ở New York hay San Francisco đã xem trên những tạp chí chuyên về địa ốc ở Mỹ và nghĩ là nơi cư ngụ của Bà Nhu chắc phải sang trọng lắm. Những apartment của Jacqueline Kennedy hay John Lennon ở New York và của các tay tài phiệt ở San Francisco gợi cho tôi một náo nức mong chờ. Các cụ mình ngày xưa vẫn nói “ăn cơm Tầu, ở nhà Tây” thì chắc là đã có một so sánh cẩn trọng. Tôi bước đi vội vàng với những lung linh nơi lãnh điạ của giới thượng lưu. Những dòng họ quý tộc từ bao nhiêu đời cấu trúc nên vẻ hào nhoáng phong nhã của kinh thành Aùnh Sáng và dân cư ngụ dù ở chân trời góc biển nào lưu lạc tới đây cũng được nhận lãnh ấn tích của người Paris.

Chiếc thang máy nhỏ hẹp vừa đủ chỗ đứng cho một ông Mỹ quá khổ đưa tôi lên tầng 11 của toà nhà cao tầng. Bà Nhu mở cửa đón khách trong chiếc áo kimono Nhật mầu xanh nước biển, khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng với giọng nói đặc Huế . Bà đón tôi trong một tư thái rất chánh trị, không vồn vã mà cũng chẳng quá lạnh nhạt. Bà Nhu sắp vào tuổi 80 nhưng rất khoẻ mạnh. Bà đi đứng nhanh nhẹn, lưng thẳng, đôi mắt to và sáng. Có người nói từ năm 1963 đến nay Bà chẳng già đi chút nào. Thật ra đó chỉ là một lối nói để diễn tả sức khoẻ sung mãn của một người tuy đã nhiều tuổi đời nhưng vẫn giữ dược vóc dáng linh hoạt và nét mặt không có những nếp nhăn theo thời gian. Tuy nhiên “cái già” cũng vất vưởng đâu đó trên khoé mắt vành môi. Khi Bà cười thì khuôn mặt trông rất tươi trẻ phô bầy bộ răng trắng vẫn còn đầy đủ trong tình trạng hoàn hảo.

Chỗ ở của Bà Nhu tuy không nghèo nàn nhưng chẳng có gì đáng nói, ngay cả không bằng cái apartment mà tôi thuê mướn ở ngoại ô thành phố Seattle vào mùa Đông năm 1975 khi vừa đến Mỹ. Đơn vị gia cư của Bà Nhu rất tầm thường, giống như những apartment rẻ tiền ở Mỹ với hai phòng ngủ và một diện tích nhỏ làm phòng khách. Phía tay trái lối đi từ cửa ra vào là nhà bếp. Trên tường phòng khách treo vài khung hình lớn có những tấm hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đức Cha Ngô Đình Thục, Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, cô trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy và nhiều người thân tộc đã quá vãng. Khoảng trống phía bên tay phải là phòng khách có một bộ xa-lông, bên cạnh kê bàn ăn với 6 cái ghế. Bộ bàn ghế này và vài cái tủ nhỏ kê ngoài phòng khách làm bằng gỗ gụ mầu đen với những nét chạm trổ Việt Nam quen thuộc. Bà Nhu cho biết trước kia thân sinh là Ông Bà Trần Văn Chương có một apartment ở Paris và những đồ đạc này được mang từ Việt Nam qua, lâu lắm rồi. Khi hai cụ thân sinh bán cái apartment đi thì cho Bà Nhu bộ bàn ăn và hai cái tủ nhỏ này. Tôi đã đọc mấy bài báo nói về khiếu thẩm mỹ của Bà Nhu qua việc sắp xếp và trang hoàng Dinh Độc Lập. Giờ này được đứng ngay giữa cơ ngơi của riêng Bà mà chẳng thấy một “công trình” nào xem cho bắt mắt, có thể vì điều kiện tài chánh hay thời trưng diện của Bà đã qua.

(Còn nữa...)

Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  Empty
Bài gửiTiêu đề: countinued...   Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  EmptySat Apr 30, 2011 10:47 pm

Đứng ở nhà bếp nhìn ra ngoài có cảm tưởng như tháp Effeil sát ngay bên cạnh khung cửa kính. Tôi tiếc thầm, phải như phòng khách mà được xếp đặt ở chỗ này thì đẹp biết bao. Ngồi đây nhâm nhi ly cà phê nhìn thiên hạ từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến chân tháp chờ lên thang máy nhìn cả kinh thành Paris. Ngày như đêm lúc nào cũng là hội hè đình đám. “Vui với cái vui của thiên hạ” chắc lòng mình cũng phần nào đỡ trống trải. Có lẽ cũng vì vậy mà phòng ngủ bên cạnh nhà bếp có kê một bộ xa-lông để bù đắp lại sự thiếu sót to lớn của người thiết kế khu chung cư. Phòng ngủ thứ hai là chỗ làm việc của Bà Nhu với đủ loại sách báo. Cả đơn vị gia cư của một người sống lẻ loi một mình không có đến một cái giường nhỏ. Buổi tối Bà Nhu trải một cái chăn trên nền nhà, ở một chỗ nào đó trong “căn hộ” nhỏ hẹp để nghỉ qua đêm. Bà không ngủ trên giường nệm nên mặc dầu đã lớn tuổi mà vẫn giữ được lưng thẳng và đi đứng nhanh nhẹn mạnh dạn.

Bà Nhu mời tôi ngồi trên một cái ghế ngay đầu bàn ăn cạnh khu phòng khách. Bà ngồi ghế đối diện, chân trái gác lên một chiếc ghế thấp hơn. Bà nói kỳ này khí hậu thay đổi bất thường nên cái chân hơi bị đau vì vết thương ngaỳ trước. Bà Nhu bị gẫy chân trái trong vụ hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ném bom Dinh Độc Lậïp vào ngày 27 tháng 2 năm 1962. Sau này Bà đang đi bộ thì trượt chân ngã và cũng cái chân trái này bị gẫy lần thứ hai. Mặc dầu Bà không gặp khó khăn gì khi đi đứng nhưng đôi khi cũng thấy khó chịu.

Đối với tôi đây chỉ là một cuộc thăm viếng thường tình giữa người đồng hương nơi xứ lạ. Tôi không có ý định phỏng vấn Bà Nhu và chắc chắn Bà sẽ không được tự nhiên, thoải mái khi phải đóng khung trong những câu hỏi của một cuộc phỏng vấn. Phần khác tôi cũng không muốn khơi lại những đau thương mà Bà phải gánh chịu trong cơn bão táp lịch sử và bể oan cừu cay nghiệt của cuộc đời. Tôi muốn cuộc thăm viếng không bị gò bó và trói buộc vào một chủ đề đồng thời cũng không muốn tìm tòi những gì mà cá nhân tôi và rất nhiều người được nghe đủ loại chuyện tốt xấu về Bà mà chẳng biết hư thực ra sao, và từ những mù mờ đó đã có biết bao câu hỏi về một người đàn bà một thời xe ngựa thênh thang. Tôi muốn câu chuyện được tự nhiên và để Bà chủ động bất cứ những gì Bà muốn nói. Tôi có thể dùng những tiểu xảo của kỹ thuật phỏng vấn “gài” Bà vào những sơ hở để thoả mãn những gì tôi muốn biết hoặc chỉ nghe đồn thổi. Tôi đã không làm như vậy vì lòng kính trọng đối với Bà và lương tâm ngay lành của tôi.

Tôi mở đầu câu chuyện bằng mấy lời xã giao thông thường, kính chúc Bà luôn được mạnh khoẻ an vui. Bà bắt đầu nói về lai lịch nơi hiện cư ngụ. Rất nhiều người biết qua báo chí chuyện một người Pháp giầu có biếu Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục một món tiền lớn và Đức Cha Thục đã cho Bà Nhu để mua một đơn vị gia cư trong toà nhà cao tầng này và sau đó Bà dành dụm mua thêm được một đơn vị nữa. Sự thật không phải như vậy. Bà Nhu trực tiếp nhận được một số tiền rất lớn từ một vị ân nhân ẩn danh. Có tiền trong tay, Bà đã nhờ một cựu bộ trưởng thời chính phủ De Gaulle giúp mua liền một lúc hai đơn vị gia cư này. Vào những năm mà người Việt vượt biển ra đi một cách rầm rộ gần như công khai, Bà Nhu cho mấy thanh niên mới bơ vơ đến Pháp tạm trú ở đơn vị gia cư thứ hai và không lấy tiền thuê mướn hay bất cứ chi phí điện nước nào cả. Một thời gian sau những thanh niên này tìm được thân nhân hay vì nhu cầu công việc ra đi tạo lập đời sống mới thì Bà Nhu cho một nhà ngoại giao Nhật Bản thuê mướn cho đến ngày nay. Vị ân nhân tặng Bà Nhu số tiền kếch xù đó là Bà Capaci, một cư dân thành Milan nước Ý và cũng là một trong bẩy người phụ nữ giầu nhất thế giới. Bà Nhu chưa được một lần gặp vị ân nhân này và mãi đến bốn năm sau khi Bà Capaci tạ thế Bà Nhu mới được biết tên cũng như thanh thế và sự nghiệp của người đã gia ân cho mình.

Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  Images?q=tbn:ANd9GcQp-GSkbb23iAbBnHRpIIcs9W9ISHchA2MpIztTQOfIQSZHMQZq

Ngôi nhà của Ông Bà Nhu ở Đà Lạt
Trên bức tường ngăn phòng khách và nhà bếp có treo tấm hình đen trắng ngôi nhà của Ông Bà Nhu ở Đà Lạt, tôi kể cho Bà nghe chuyến đi về Việt Nam nhân dịp Tết Tân Tỵ, lần đầu tiên sau 26 năm vội vã ra đi lánh nạn cộng sản. Tôi đã đi Đà Lạt, ghé lại thăm ngôi nhà xưa của thời trung học, bước qua đường đứng nhìn nhà Ông Bà Nhu một lúc lâu. Ngôi nhà của Ông Bà Nhu hiện không có người ở nhưng được bảo quản khá tốt, không thấy những đổ vỡ hoang tàn vì thời gian hay qua những biến động. Hiện nay Bà Nhu không ý định về thăm Việt Nam mặc dầu Bà được nhà cầm quyền Hà Nội đánh tiếng cho biết là nếu Bà muốn về thì cũng chẳng có trở ngại gì. Những kỷ niệm về một nơi chốn thân thương xa xưa gợi lại miền ký ức dấu ái, Bà nói “tôi gặp Ông Cố Vấn năm 16 tuổi, đến năm 18 tuổi thì làm đám cưới”. Bà có vẻ buồn khi nói đến ngôi nhà ở Đà Lạt. Một vùng trời mộng mơ với những kỷ niệm của ngày tháng êm đềm nơi xứ sương mù vẫn còn vương vất đâu đây.

Khi nói về những người con thì Bà Nhu có vẻ bằng lòng với chút hãnh diện. Tôi cố tình không hỏi han gì về trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy đã bị chết thảm trong một tai nạn xe cộ trên xa lộ vòng đai của Paris. Rất có thể đây là một âm mưu quốc tế còn nhiều nghi vấn chưa được sáng tỏ và tôi cũng không muốn khơi lại những kỷ niệm đau buồn để rồi những giọt nước mắt của bà mẹ lại một lần nữa ướt đẫm trên khuôn mặt đã có quá nhiều khổ đau. Ông con trai lớn Ngô Đình Trác tốt nghiệp kỹ sư canh nông, năm nay cũng đã 55 tuổi, lấy vợ người Ý và có bốn con, ba trai một gái. Bà Nhu nói về những đứa cháu nội, con trai của Ông Trác, trong niềm vui “cao một mét tám, to lớn và đẹp trai lắm”. Vợ Ông Trác thuộc giòng dõi qúy tộc rất giầu có. Ông Trác rất đam mê công việc trồng trọt chăn nuôi và đã chế tạo được nhiều dụng cụ nông cơ thích hợp cho việc canh tác những thửa đất nhỏ. Gia đình Ông Trác sỡ hữu một biệt thự to và rất đẹp trong nội thành La Mã. Ngôi biệt thự này có cách cấu trúc và dáng dấp như một tu viện. Bà Nhu đã ở đây nhiều năm nên rất nhiều người lầm tưởng rằng Bà đã tá túc ở một tu viện Công giáo trong khoảng thời gian dài.
Người con trai thứ hai là Ngô Đình Quỳnh cũng đã trên 50 tuổi, tốt nghiệp trường E.S.E.C (Ecole Superieure de l’Economie et du Commerce) chứ không phải trường H.E.C (Hautes Etudes Commerciales) như rất nhiều báo chí và sách vở đã sai lầm. E.S.E.C là trường tư đào tạo các chuyên gia kinh tế và tài chánh cao cấp, có học trình gay gắt và học phí rất cao. Sinh viên được nhận vào học trường này phải vượt qua những cuộc thi cử cam go và sau khi tốt nghiệp được các cơ quan kinh tế và tài chánh trên toàn thế giới trọng vọng. Khi Ngô Đình Quỳnh học trường này, Bà Nhu đã không đủ khả năng trả học phí nên phải làm giấy xin nợ tiền học. Hiện Ông Quỳnh làm đại diện thương mại cho một số công ty Hoa Kỳ ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Ông Quỳnh không lập gia đình. Bà Nhu cười nói “Ông Quỳnh giống Ông Bác”, hàm ý sống độc thân như Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đang lúc tôi nói chuyện với bà Nhu thì một thiếu nữ người Pháp gõ cửa buớc vào với một xấp hình trên tay. Cô bé 17 tuổi này vừa trở về sau chuyến đi làm công việc thiện nguyện giúp các thanh nữ Phi Luật Tân bị bệnh AIDS. Tất cả chi phí cho chuyến đi của cô bé này do Ông Ngô Đình Quỳnh đài thọ. Cô bé có những lọn tóc mầu hạt dẻ khoe những tấm hình chụp chung với các nạn nhân của căn bệnh thời đại và ước mong sẽ được trở lại thủ đô của nước Phi Luật Tân để tiếp tục công việc bác ái. Bà Nhu nói ông Quỳnh sống đạm bạc và rất tích cực trong những hoạt động từ thiện nên ước vọng của cô bé chẳng phải là một giấc mơ.

Cô con gái út Ngô Đình Lệ Quyên có bằng tiến sĩ Luật từ trường đại học Roma. Lệ Quyên là một luật gia ngành Công Pháp rất nổi tiếng nhưng chỉ được mời thỉnh giảng và tham luận ở phân khoa Luật của đại học Roma mà thôi. Lý do đơn giản là Lệ Quyên không chịu vào quốc tịch Ý. Luật lệ nước Ý lại không cho phép những người không có quốc tịch được thủ đắc hàm giáo sư và do vậy không được quyền giảng dậy một cách chính thức trong học trình. Lệ Quyên thường xuyên được mời dự các hội nghị quốc tế và có nhiều bài tham luận xuất sắc làm sửng sốt các “cây đại thụ” của ngành công pháp thế giới. Lệ Quyên có chồng người Ý nhưng đứa con trai 7 tuổi lại chính thức mang họ mẹ trên giấy tờ hộ tịch. Bà Nhu hãnh diện nói tên cháu bé là Ngô Đình Sơn, một tự hào dòng họ hay là sự giữ gìn gốc rễ gia tộc.

Mỗi buổi sáng sớm, bất kể thời tiết, Bà Nhu đều “xuống đường” đi bộ chừng độ 10 phút đến nhà thờ Saint Leon dâng thánh lễ hằng ngày. Cũng tại ngôi thánh đường này, lần đầu tiên vào tuần lễ đầu tháng 11 năm 2001, Bà Nhu tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thông thường sau thánh lễ Bà ở lại giúp dọn dẹp nhà thờ và xếp đặt trưng bầy hoa nến. Ngày chúa nhật Bà phụ trách dậy lớp thánh kinh cho các trẻ nhỏ. Bà gia nhập đạo công giáo khi lập gia đình nhưng lúc thiếu thời được giáo dục trong các trường công giáo nên có thể nói là Bà đã lớn lên và trưởng thành trong tín lý của đạo Chúa. Trong câu chuyện, Bà Nhu nhiều lần biểu lộ đức tin tuyệt đối nơi sự an bài của Thiên Chúa. Bà đặt niềm cậy trông và phó mặc tất cả mọi sự vui buồn, may rủi vào sự xếp đặt và định đoạt của Đấng Tối Cao. Khi nghe tôi nói có thân nhân đang bị bệnh và rất muốn trở về Mỹ sớm hơn, Bà Nhu đi vào phòng làm việc lấy cho tôi một tượng ảnh Đức Mẹ Maria đúc bằng kẽm to hơn đồng một xu mỹ kim. Bà nói mang tượng ảnh về cho bệnh nhân thì Đức Mẹ sẽ cứu giúp và chữa khỏi. Tôi nghĩ là vì có đức tin mạnh mẽ như vậy nên Bà đã vượt qua được bao cơn sóng gió ba đào mà sống mạnh khoẻ đến ngày nay.

Trên đường từ nhà thờ về Bà Nhu cũng thỉnh thoảng ghé lại tiệm bán hoa và cây cảnh mua vài bông hoa hay một chậu cảnh trang hoàng trong nhà. Ít khi Bà phải nấu nướng vì ăn rất ít và những bà bạn người Pháp thường mang đồ ăn đến cho nên cũng chẳng bận rộn gì việc bếp núc. Trước kia tôi nghe có người nói Bà Nhu chỉ ăn qua loa, hai ba lần một tuần. Tôi nghĩ là nếu ăn uống như vậy thì làm sao mà…thở được. Bây giờ tôi nghe chính Bà Nhu nói “hai ngày nay tôi chưa ăn gì cả, vì tôi không ăn nên không có bệnh”. Các vị tu sĩ An Độ giáo rất ít khi ăn uống nhưng người nào cũng mạnh khoẻ và sống lâu trăm tuổi. Ở các nước Âu Mỹ đa phần người ta chết vì ăn chứ có ai chết vì đói.

Bà Nhu hầu như không đi sắm sửa quần áo giầy dép. Mỗi năm một bà bạn người Nhật gửi qua cho vài cái áo kimono đủ mặc trong nhà, có việc đi đâu thì mặc mấy cái quần áo cũ cũng còn tạm được. Nói đến quần áo Bà có vẻ đăm chiêu “ở Sài Gòn nóng quá nên tôi mặc áo dài hở cổ, Tổng Thống không bằng lòng”. Chiếc áo dài hở cổ được đặt tên là “kiểu áo Bà Nhu” đã một thời là “mốt” của các thiếu nữ Sài Gòn và cũng là một đề tài xôn xao của những người vô công rồi nghề. Bà kể chuyện trước kia phải đại diện chính phủ tiếp đón phu nhân các vị quốc khách mà chẳng có đến một món trang sức nên thấy thiếu sót. Nhân có bà vợ một ông bộ trưởng muốn bán mấy món đồ trang sức làm bằng đá đỏ (ruby), Bà Nhu có trình và xin Tổng Thống số tiền sáu ngàn đồng bạc Việt Nam để mua lại. Tổng Thống nghe lời giãi bầy cũng hợp lý nhưng yêu cầu người bán phải viết một tờ giấy biên nhận với đầy đủ lai lịch của những món đồ trang sức này. Bà Nhu nói đó là lần duy nhất Tổng Thống cho tiền và cũng chẳng còn nhớ những đồ trang sức đó bây giờ thất lạc nơi đâu.

Trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng Bà Nhu cũng đề cập đến những diễn biến chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu. Bà có những phân tích, lượng giá vấn đề một cách chi tiết và hợp lý đồng thời đưa ra những kết luận làm người nghe dễ dàng bị thuyết phục. Điều này chứng tỏ tuy sống khép mình trong một căn phòng nhỏ bé nhưng Bà vẫn theo dõi thời cuộc một cách cẩn thận. Bà vẫn còn giữ những liên lạc cần thiết với giới ngoại giao quốc tế trong một giới hạn cẩn trọng. Nhớ lại Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới năm xưa, Bà nắm hai tay ngước mắt nhìn lên trần nhà nói bằng tiếng Pháp “phụ nữ phải được giải phóng, phụ nữ phải được tôn trọng”. Giấc mơ của Bà là người phụ nữ phải có chỗ đứng và tiếng nói trong xã hội. Ước vọng của Bà là người phụ nữ phải có những cơ hội thuận tiện để thăng tiến trong mọi lãnh vực của đời sống. Tiếng nói của Bà rõ ràng, chắc nịch, lên xuống với những cảm xúc làm người nghe rất dễ bị lôi cuốn rồi nhiệt tình ủng hộ.

Bà Ngô Đình Nhu & Trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy
Trong cả một buổi chiều, lúc nói chuyện này và đột nhiên nói sang chuyện khác nhưng Bà không hề đả động gì đến nước Mỹ, mặc dầu Bà biết tôi đến từ một tiểu bang ở vùng Tây Bắc nước Mỹ. Nhiều người nói Bà Nhu căm thù Mỹ lắm vì những sai lầm trong chính sách đối với Việt Nam và nhất là đối với Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam. Vào những ngày tháng cuối năm 1963, cả thế giới đã kinh ngạc nghe và nhìn Bà Nhu mạt sát nước Mỹ và những nhà lãnh đạo của siêu cường này ở tại một địa điểm chỉ cách Toà Bạch Oác một quãng đường. Tôi nghĩ là Bà đã không còn mang những “hận thù” đó trong tim óc nữa và thưcï sự muốn quên hết để mọi chuyện nhẹ nhàng đi vào lịch sử. Bà kể chuyện vào mùa Xuân năm 1975, sau khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hoà, hệ thống truyền thanh NBC của Mỹ có xin phỏng vấn trong 30 phút. Lý do Bà chấp nhận lời yêu cầu của NBC và đòi mười ngàn (10,000) mỹ kim thù lao cộng với hai vé máy bay khứ hồi hạng nhất Paris – Washington DC, vì lúc đó Lệ Quyên rất nhớ và muốn đi gặp ông bà ngoại. Bà Nhu không có tiền trang trải cho chuyến đi nhưng vì thương con nên bằng lòng trả lời cuộc phỏng vấn để có tiền đưa con gái đi gặp Ông Bà Trần Văn Chương ở thủ đô của nước Mỹ. Đối với một tổ hợp truyền thông to lớn như NBC thì những điều kiện đó thật quá nhỏ bé và họ đã vội vàng thực hiện cuộc phỏng vấn. Đó là lần duy nhất Bà đi Mỹ và cũng là lần duy nhất Bà tiếp xúc với giới truyền thông quốc tế sau năm 1963. Ngoài ra Bà chưa từng gặp gỡ hoặc tiếp xúc với báo giới Việt ngữ dưới bất cứ hình thức nào. Trong quá khứ đã có vài tờ báo ở Đức quốc và California đăng tải bài phỏng vấn Bà Ngô Đình Nhu. Tất cả những bài “phỏng vấn” đó đều là những ngụy tạo mà độc giả rất dễ dàng nhận ra tính chất giả dối và bịa đặt của người viết.

Bà Nhu cũng không nói gì về vụ phản loạn 1-11-1963 và những người được ngoại bang thuê mướn sát hại chồng Bà. Tôi có nói xa gần đến đám quân nhân phản lọan để dò xét phản ứng của Bà nhưng không trông chờ ở một sự tức giận thường tình của một con người vì thời gian đến gần 40 năm cũng đã làm nguôi ngoai cơn thịnh nộ. Bà có vẻ buồn, nhìn qua khung cửa sổ nói một cách nhỏ nhẹ bằng tiếng Anh “đó là một bọn ngu dốt”.

Đồng hồ chỉ tám giờ rưỡi tối. Những ngọn đèn của Paris kết nối làm thành một biển ánh sáng và thành phố đã bắt đầu đi vào cuộc sống ban đêm. Hơn sáu giờ đồng hồ ngồi nói chuyện, tôi đã uống hết hai ly nước bưởi to nhưng tuyệt nhiên không thấy Bà Nhu uống một chút nước nào. Tôi sợ ngồi lâu quá Bà sẽ mệt mỏi nhưng thực sự thì chính tôi là người đã thấm mệt. Bà Nhu không tỏ ra mệt mỏi hay có một dấu hiệu nào biểu hiện sự rã rời sau một buổi chiều dài chuyện trò. Trước khi tôi xin cáo từ Bà Nhu có nói đến cuốn sách của Bà. Theo chỗ tôi được biết thì cuốn sách này sẽ được phát hành cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới bằng bốn thứ ngôn ngữ: Việt Nam, Anh, Pháp và Ý. Bà viết bằng tiếng Pháp và tự dịch sang tiếng Anh và Ý. Bản dịch tiếng Việt đang trong giai đoạn nửa chừng. Cũng vì vậy mà tôi hạn chế bài viết này trong một kích thước vừa đủ, những gì độc giả muốn biết hay những gì gọi là “bí mật lịch sử” sẽ rất có thể được nói đến hoặc phân giải trong cuốn sách mà rất nhiều người đang chờ đợi. Tôi chợt nghĩ đến “ông tướng phường chèo” Nguyễn Khánh. Ông này đi đến đâu cũng cầm cuốn vở học trò huyênh hoang có nhật ký của Bà Nhu trong tay. Tôi nghĩ rất có thể Ông này lượm được cuốn vở Bà Nhu ghi chép những chuyện vụn vặt của một người nội trợ trong gia đình như hôm nay đi chợ cần phải mua những món gì, đến bao giờ thì phải đóng tiền trừơng cho con…Ngoài ra chẳng có gì đáng nói tới hay có một giá trị gì cả. Tôi cũng không hiểu được lý do tại sao khi bị đuổi ra khỏi nước mà đương sự còn ôm theo “báu vật” đó để làm gì. Đặt trường hợp “báu vật” đó mang lại danh vọng và lợi lộc hoặc là một thứ vũ khí để mạt sát nhục mạ bà Nhu thì chắc chắn độc giả đã được đọc từ lâu rồi.

Tôi bước ra chỗ thang máy để xuống phố lang thang với người Paris mà trong lòng xôn xao niềm vui vì không ngờ một “bà cụ” gần 80 tuổi đã vật vã với bao sóng gió phũ phàng của cuộc đời mà lại còn có một sức khoẻ thật sung mãn, trí óc minh mẫn đến như thế. Ở vào tuổi đời như vậy mà còn giữ được thể chất và tinh thần trong một tình trạng gần như lý tưởng thì thật là hiếm có. Bà Nhu đã thực sự lánh xa những tục lụy phù phiếm của trần gian. Bà sống trong hơi thở nhịp tim cũa đời sống tận hiến và phó dâng với niềm cậy trông tuyệt đối nơi sự quan phòng của Đấng Tạo Hoá. Tôi cầu chúc Bà luôn mạnh khoẻ, an vui.
Trương Phú Thứ


Nhận xét về một viễn kiến chính trị của bà quả phụ Ngô Đình Nhu
Nguyễn Văn Hóa

Trong cuối tháng 10/2009, tình cờ tôi đọc (và nghe) được bài phỏng vấn của một nhà báo phương Tây, phỏng vấn bà Ngô Đình Nhu ngày 11/02/1982. (quý độc giả có thể theo dõi theo đường link URL kèm theo bài viết). Đó là một cuộc phỏng vấn dài gần 1 giờ. Bà Nhu hôm ấy ăn mặc à-la-mode, áo dài màu hồng cam đậm, cắt hỡ cổ (theo mode áo dài bà đã lăng-xê đầu thập niên 1960), choàng qua vai chiếc khăn lông thú màu nâu đậm. Với khuôn mặt thanh tú, lưỡng quyền hơi rộng, trông bà còn trẻ đẹp (ngoài 60?). Theo nhận xét thô thiển của tôi, Bà Nhu nói tiếng Anh trong khi trả lời khá lưu loát, duyên dáng, giọng nhấn (accent) rõ ràng. Có lẽ là cuộc phỏng vấn có chuẩn bị trước, nên một đôi lúc bà lướt mắt vào xấp giấy đã viết sẵn cầm trên tay -mà bà đã xin phép trước với nhà báo phỏng vấn.

Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập tới đoạn trả lời với câu hỏi đầu tiên dành cho bà mà thôi. Trong phần “biện luận” cho ‘tính chính đáng’ (‘legitimate power’) của chế độ Tổng thống Diệm, bà nói có phần lủng củng, tuy có ý và cố gắng làm cho người phỏng vấn cũng như thính giả chấp nhận lý luận về tính chính đáng của chế độ Đệ nhất Cộng hòa và nhân phẩm lãnh đạo mang tinh thần ‘Holy Spirit’ của Tổng thống Diệm – song, người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã không biết bảo vệ nó, mà vì xu thế chính trị lại tìm cách “cắt cổ” (‘beheading’) nó. “Cắt cổ” nền Đệ nhất Cộng hòa với quyền-lực-mang-tính-chính-đáng của nó có nghĩa là “cắt cổ” nước Việt Nam; chúng ta có thể hiểu và diễn giải rộng ra thì, chính đó là định mệnh xui xẻo mà nước Mỹ phải chịu hậu quả cho đến vị Tổng thống Mỹ thứ 5 đầy xui-xẻo Carter (mở ngoặc: ‘thứ 5’ có lẽ là bà tính từ cái chết vì đạn của Tổng thống Kennedy – song song với vụ thảm sát Tổng thống Diệm, hai biến cố cách nhau chưa đầy một tháng!) đã đưa nước Mỹ tới sự bại liệt trong vai trò lãnh đạo toàn cầu trước sự bành trướng của Trung Cộng (vốn dựa vào nội lực của chính Hoa Kỳ) – Nếu hiểu theo cách đó, chúng ta đành nhìn nhận bà Ngô Đình Nhu có một viễn-kiến chính-trị khá sắc bén trước một chuỗi sự kiện chính trị đang xảy ra tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó hai quốc gia khổng lồ Mỹ và Trung Cộng đóng vai trò chủ động.

Để chứng minh cho viễn-kiến chính-trị đó, tôi muốn dùng quan điểm của chuyên gia kinh tế-tài chánh Howard Ruff trong tác phẩm “Howard Ruff From A to Z” (A timeless Money Making odyssey Through The First Year Four Years of America’s Leading Financial Advisory Service) xuất bản năm 1980, xuyên qua quan điểm của ông trong bối cảnh Hoa Kỳ thừa nhận Trung Cộng dưới thời chính quyền Carter. Chắc quý vị sẽ đồng ý với tôi, chính sách đối ngoại dưới chính quyền Nixon, Mỹ đã muốn “bắt tay” với Trung Cộng và dứt khoát giải kết chiến tranh Việt Nam –nhưng là một “giải kết” trong thế thượng phong…Không may, biến nạn Watergate đã đưa tới hậu quả Nixon phải từ chức – và chính quyền miền Nam bại trận, “thế thượng phong” của Mỹ bị đánh mất, chính quyền chuyển Gerald Ford không đủ khả năng để vớt lại thế thượng phong đó, và vận xui đã rơi trên vai của vị Tổng thống ‘xui-xẻo’ (‘the ill-fated President’ -theo bà Nhu) trước một quốc gia Cộng sản khổng lồ là Trung Quốc…

Dưới đây tôi xin lược dịch câu trả lời phỏng vấn mở đầu của bà quả phụ Ngô Đình Nhu (mở ngoặc : tôi cố gắng dịch nguyên văn Anh ngữ phản ánh đúng tinh thần bà Nhu muốn nói, nhưng không chắc nó sẽ phù hợp từng câu, từng chữ trong ‘suy nghĩ bằng Việt ngữ’ của bà. Xin được cáo lỗi trước!)

Phỏng vấn với bà Ngô Đình Nhu ngày 11/02/1979” ( * )
--“Bà NĐN : À, tôi bắt đầu nhé? Ông, ông là người đầu tiên của truyền thông phương Tây hỏi tôi về câu hỏi đó (mở ngoạc: không thấy ghi lại câu hỏi!), cái gì đã xảy ra ở Việt Nam? Và có điều gì sai trái vậy. Bởi ông là người đầu tiên mà tôi đã chấp nhận cho phỏng vấn ngay, bởi gần hai thập niên qua chẳng có ai quan tâm đến những gì đã xảy ra ở Việt Nam. Những gì tôi phải nói, cũng là điều rất quan trọng đối với tôi. Gần hai chục năm qua tôi không có cơ hội để thực hành Anh ngữ, nên một đôi lúc cho tôi đối chiếu với những điều đã được viết ra.

Trước hết, cho phép tôi được hỏi ông nhé, ông có nhận thấy sự bại vong của nước Mỹ không? Như Tổng thống Carter chẳng hạn, ông có nhận ra là vị Tổng thống Mỹ thứ 5 xui-xẻo. Và, ông có nhận ra điều này –có những chính khách ở đấy rất thông minh, rất tài giỏi, ai tin rằng họ đã nói vào năm 1975 họ bỏ rơi Việt Nam sau lưng?

Họ tin rằng họ có thể nói vậy đấy với nhân dân Mỹ; hãy quên đi việc họ là những kẻ đầy “sinh lực”, tài giỏi, thực tế là họ đã nhận lãnh số phận cho chính họ. Có điều gì đó lạ thường là chính Việt Nam đã tạo nên, lôi cuốn đến số phận cho kẻ đã khinh miệt mình, khinh miệt dân tộc tôi. Và người Mỹ không phải là kẻ đầu tiên. Kẻ đầu tiên là Mendès France.

Không ai có thể hiểu được một người trưởng thành chính trị như ông ta lại thay đổi sau khi ký kết hiệp ước chia đôi nước Việt Nam. Ông ta đã muốn loại bỏ Việt Nam vào trong quá khứ. – quá khứ cho chính ông. Chính vì thế, tôi đã nghĩ sự diệt vong đã khởi sự từ sự chia cắt Việt Nam. Vì sao? Bởi nước Pháp vào lúc ấy có thể chuyển nhượng toàn thể dân tộc tôi vào tay chính quyền chính đáng, nhưng họ chỉ muốn nhìn nhận thất bại một trận chiến thay vì bại trận hoàn toàn.

Họ lợi dụng việc thất bại một trận chiến để sắp xếp với Cộng Sản nhằm phân chia đất nước tôi và đặt nhân dân Việt Nam trước một sự việc đã rồi. Đấy là sự phản bội thứ nhất. Giờ tôi giải thích sự bội phản đầu tiên ấy đối với quyền lực chính đáng (the legitimate power). Tôi phải giải thích tại sao quyền lực chính đáng hết sức cần thiết và, bởi tôi quá hiểu đối với phương Tây, như ông đã hiểu rất rõ sự quan trọng của một quyền lực chính đáng như thế nào rồi.

Nhưng ông đã đối xử, hành động, xin lỗi khi tôi nói “Ông”, theo nghĩa chung. Nhưng mà thực sự các ông phương Tây đã cư xử như thử chúng tôi –thế giới thứ ba là không biết gì là chính quyền chính đáng. Điều ấy là của chúng tôi, của chúng tôi. Điều ấy có nghĩa là cần có một người lãnh đạo tốt. Thực sự, chúng tôi phải có một nhà lãnh đạo đúng mức, nếu người ta muốn dùng Tinh-Thần Thánh-Thiện (“Holy Spirit”) để diễn tả về nó. Để có một nhà lãnh đạo gương mẫu –điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là một quyền lực phải mang tính chính đáng.

Tính chính đáng có nghĩa là được bầu lên một cách chính đáng. Nghĩa là một quyền lực mà nó chấp nhận sự đối đầu hòa bình với người đối tác và chấp nhận những lá phiếu của người dân bầu lên mà không cần dùng tới các phương cách bạo động. Ở Việt Nam chỉ có một quyền lực chính đáng đúng với những điều kiện đó là chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm, bởi ông ta là người duy nhất chấp nhận một sự đối đầu hòa bình với Hoàng đế Bảo Đại –người đứng trước ông ta. (người viết mở ngoặc: trong bài viết cũng như văn nói, bà Nhu đã dùng từ “Admiral” trước Bảo Đại. Chúng tôi nghĩ, từ “Admiral” là không chính xác với vai trò lịch sử của Vua Bảo Đại đương thời.) .

Và sau ông (Diệm), sau khi giết ông, không còn ai dám thách thức, không còn ai dám chấp nhận một sự đối đầu hòa bình với người đã được dân bầu lên trong trường hợp người ấy “chết đi” theo Hiến pháp của Việt Nam Cộng Hòa do ông ta thiết đặt. Vì vậy, khi người ta nói Hồ Chí Minh nhận lãnh sự thoái vị của Bảo Đại, chẳng hạn, thì điều đó có nghĩa là sự giành dựt hoàn toàn thối nát bởi, Bảo Đại bốn năm sau mới trở về để thách thức với ông ta (Hồ Chí Minh).

Chỉ có một quyền lực chính đáng ở Việt Nam được thừa nhận là Tổng thống Ngô Đình Diệm, và cũng phải thừa nhận rằng ông là kẻ bị “cắt cổ” bởi Hoa Kỳ. Và giờ đây các ông, tôi nghĩ rằng các ông đã hiểu tại sao sự bại vong của nước Mỹ đến từ người lãnh đạo của họ, sau khi họ đã làm cho Việt Nam…. Để tôi giải thích tại sao gọi là “cắt cổ”.
Người phỏng vấn hỏi (không nghe rõ): Bà muốn nói là chết, sự chết chóc… (Vous pouvez dire la morte, la morte… )
--Bà Nhu: Không, Tôi muốn nói là Việt Nam bị “cắt cổ”.
Người phỏng vấn: À, à…Thế thì để rõ nghĩa hơn là tại sao có cuộc đảo chánh, và tại sao người lãnh đạo chính phủ đã…
--Bà NĐ. Nhu: Phải rồi. Không, nhưng điều tôi muốn nói là thế này –bởi tôi cho rằng có một quyền lực chính đáng của Việt Nam mà nếu ông là người bội phản người đứng đầu nó, thế thì ông gọi là gì, làm cho nó biến mất đi? Nói chính xác là ông đã cắt cổ nước Việt Nam.
Người phỏng vấn: Toàn thể đất nước..
--Bà NĐ. Nhu: Thưa vâng, Việt Nam là nhân loại, có thể nói thế. Ở đấy có quyền lực chính đáng. Ở đấy có người lãnh đạo. Và khi ông phản bội họ, tấn công họ. Cũng như là ông “cắt cổ” họ vậy, ông thấy không.”

Và, dưới đây tôi lược dịch quan điểm của Howard Ruff về vấn đề Mỹ bang giao và “thừa nhận” (‘recognition’) Trung Quốc [ “Recognition of Red China” ] ( ** ) dưới thời Tổng thống Carter.
Nhà báo David Hartman trong chương trình truyền hình Good Moring America phỏng vấn Howard Ruff vào ngày 01/01/1979:
“ Hỏi (H): Ông Howard, xin ông cho biết về quan điểm của ông về sự chính thức thừa nhận Trung Cộng và, sự kiện đó có ý nghĩa gì với chúng ta về phương diện kinh tế?
Trả lời (TL): Đấy là một thí dụ khác thường về không khí đạo lý thật sự của Chương Trình Nhân Quyền Carter ( the Carter Human Rights Program ). Chúng ta đã vứt bỏ một triều đại “áp bức” của chính quyền Tưởng (Giới Thạch), một chế độ chỉ cho phép tự do ngôn luận, tôn giáo, quyền sở hữu tư, di dân và ước vọng về một nền kinh tế tự do tư bản chủ nghĩa, để rồi bây giờ chúng ta thừa nhận một chế độ khát máu nhất trong lịch sử, đó là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, một danh xưng đồng nghĩa với kẻ đại nói láo muôn năm.
Đó là bước đi đáng ghê tởm vì những lý do sau đây:
Một hành động không cần thiết. Chúng (Trung Cộng) tìm đến chúng ta trong lúc này là bởi chúng lo lắng về mối quan hệ đối ngoại. Thế mà, thay vì chúng ta giữ vị thế thương thảo thượng phong, chúng ta đã nhượng bộ mọi đòi hỏi mà chúng đưa ra. Chúng ta có thể có quan hệ thương mại với Trung Cộng mà không cần phải thiết lập bang giao với chúng; giả như chúng ta có thể giữ giao thương với Đài Loan mà không có quan hệ ngoại giao vậy.
Nếu đứng ở vị thế của chính phủ Do Thái, tôi sẽ nhượng đặc quyền vị trí chiến lược vùng cao nguyên Golan Heights hay vùng Tây ngạn sông Jordan (the West Bank of Jordan River), dựa vào sự đảm bảo của chúng ta không để cho khối Ả rập lợi dụng; về điều này tôi đã nghĩ sâu xa là bằng-cớ trắng-trợn Mỹ đã thiếu vắng trách nhiệm trong nguyên tắc. Sự kiện này là bằng cớ chúng ta là đồng minh không đáng tin cậy.

Canh chừng chính phủ Đài Loan có những thương lượng với Liên Bang Sô Viết [mở ngoặc: lúc ấy chế độ CS Nga chưa sụp đổ!] (hay ngược lại) về một hiệp ước phòng thủ song phương. Điều này có thể tạo ra một sự bất ổn không thể nào tiên đoán được ở vùng Viễn Đông.

Đây là câu hỏi khó. Chúng ta phải làm gì đây? Những người bên cánh tả cho rằng nên thừa nhận Trung Cộng đại diện cho cả hai nước Tàu, có nghĩa là phải chối bỏ Đài Loan. Nhưng kẻ bên cánh hữu cho rằng nên thừa nhận nhân dân ở Đài Loan là chính-phủ-lưu-vong thật sự, nên không thể thừa nhận Trung Quốc. Cả hai quan điểm đầu ngốc ngếch.

Người Cộng sản, hiện thời, là những người lãnh đạo Trung Hoa Lục Địa, và Đài Loan là quốc gia phân ly và trong hiện tại không thấy có cơ hội nào để lấy lại nước Trung Hoa (lục địa). Cả hai là quốc gia có chủ quyền và không cho phép chúng ta buột phải nhìn nhận quốc gia này để từ chối quốc gia kia. Chúng ta phải khẳng định lẽ phải của chúng ta là phải thừa nhận cả hai, và tôi sẽ khuyến khích phía Cộng sản nên chấp nhận điều đó. Chưa gì mà chúng (Trung Cộng) đã đòi mượn hàng tỉ đô-la của chúng ta và có thể chúng sẽ được thỏa mãn. Đó là một phần của cuộc mặc cả.
Quan điểm của tôi. Chúng ta cần phải thay đổi sự bang giao với Trung Cộng trong một khoảng cách nào đó. Chúng ta cần duy trì quan hệ ngoại giao gần gũi và nồng ấm với Đài Loan. Trong lúc tái xác định trách nhiệm phòng vệ (Đài Loan), chúng ta không nên nhượng bộ để thừa nhận Trung Cộng. Chế độ của Tưởng (1979 !) sẽ không bao giờ tái chiếm Lục địa, ngoại trừ Lục địa (Trung Hoa) tự-nó-sụp-đổ. Dĩ nhiên, Đài Loan là quốc gia tư bản chủ nghĩa đầy năng động, thành tựu, điều đó cũng đủ chính đáng chúng ta cần hỗ trợ họ, dù cho Đài Loan chưa phài là quốc gia dân chủ như chúng ta mong muốn.

Tác động kinh tế tức thời là chúng ta bành trướng mậu dịch với Trung Quốc. Chúng ta cũng nên thực hiện nhiều dịch vụ làm ăn, nhưng thực sự chẳng giúp gì nhiều cho đồng đô-la vì chúng ta đã cho chúng mượn đô-la để làm ăn với chúng ta.

Khi chúng ta sửa soạn để ‘nhận’ thì chúng ta, nên để trong đầu là chúng cần chúng ta hơn là chúng ta cần họ, và chúng ta không nhượng bộ trên nguyên tắc? Đó là sự phá sản tinh thần…”

Cuộc phỏng vấn này xảy ra vào đầu tháng 1/1979, hơn một năm sau ngày Carter nhậm chức tổng thống thứ 39 của Mỹ; và liên tục trong suốt nhiệm kỳ của ông (1979-1981), Carter đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác cho Trung Cộng. Có lẽ bà Nhu đã có nhiều mẫn cảm về chính trị và khi bà xử dụng nhóm từ “the fifth ill-fated President” để chỉ định cho Tổng thống Carter –là một vị tổng thống mang vận-mạng-xui-xẻo (kể từ cái chết của Tổng thống Kennedy). Theo quan điểm của bà, người Mỹ đã có trách nhiệm trong việc giết vị tổng thống của một quyền-lực-chính-đáng của Việt Nam Cộng Hòa (Ngô Đình Diệm) là nguyên nhân-hậu quả đưa tới sự suy vong của nước Mỹ. Và, theo quan điểm của Howard Ruff –một trong những chuyên gia tài chánh, kinh tế của thập niên 1970, đã xác nhận hiện trạng hôm nay (2009) trong bầu khí chính trị quốc tế: một nước Cộng sản Trung Hoa đang giương móng vuốt sức mạnh âm ĩ khắp nơi –đặc biệt là vùng Thái Bình Dương, trong khi sự xui-xẽo đã đẩy Hoa Kỳ từ thế rút lui –nhượng bộ -thua thiệt (với Trung Cộng) rồi phải trở lại trong tình thế nhiêu khê, thất thế hơn nhiều so với những ngày đầu thập niên 1960. Liệu vùng biển Thái Bình Dương sẽ giữ được nguyên nghĩa “thái bình” từ sau trận Trân Châu Cảng xảy ra vào đầu tháng 12/1941?
(còn tiếp..)
nguyễn văn hóa
Monday, November 16, 2009

Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  Images?q=tbn:ANd9GcSkx26fDA09Uz2rJ9t50_cf5pc55Yo5FeD9Idsj3wq3SEYC_UYv

_____________________________________________________________

Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  Images?q=tbn:ANd9GcQ1ulvuFI6RaagkPTVUnMWEhsdJHhDBwNXSvXPsVjxicyx0dNj1
_____________________________________________________________

Thôi thì - dù sao - âu cũng là số phận của một con người.....

Thành kính phân ưu... cùng linh hồn Maria và tang quyến...
Nguyện cầu xin Thiên Chúa Phục sinh vinh hiển - dẫn đưa linh hồn Maria về nơi an nghĩ ngàn thu vĩnh hằng....

Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  Miob3tte1-1

NguyenNgocHai.
Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...    Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  EmptySun May 01, 2011 7:04 am

Xin kính dâng lên Ngài -
muôn vàn lời ca - để xá tội cho linh hồn Maria còn nơi chốn luyện hình...


Đi về nhà Chúa


Tâm tình hiến dâng


Một thân phận - Một đời người


Cầu xin Thiên Chúa Phục sinh, đoái thương đến linh hồn Maria...
và xin NGÀI thương xót và dẫn đưa linh hồn Maria về với NGÀI nơi cõi phúc trường sinh...

NNH.


Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
Sponsored content





Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...    Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...  Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Phân ưu cùng linh hồn MARIA TRANLEXUAN...
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Thánh Lễ Cầu hồn cho Linh hồn Maria PhạmKimNgân
» Phân ưu cùng anh PhanGiaHien...
» Bài học tâm linh...
» Phân ưu cùng gia đình huynh VoQuocChinh...
» Phân ưu cùng gia đình anh KimVanTien-SMTX.

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: TÂM HỒN... :: TÂM LINH ĐỜI SỐNG-
Chuyển đến