Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng SaoMai....

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng SaoMai....  Empty
Bài gửiTiêu đề: Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng SaoMai....    Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng SaoMai....  EmptyFri Apr 29, 2011 9:55 pm

Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng Sao Mai…
(Hồi ký một quãng đời…)
_____________________________________

Ai về đất Quảng xa xôi ấy.
Nhìn lại “trường xưa” có chạnh lòng
Hồn em phiêu bạt phương trời đó.
Mình tôi đứng lặng giữa đơn côi…..
(NNH)

Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng SaoMai....  Logo_phpBB

Thú thật – tôi làm thơ “dở ẹc” à, nhưng vì nhớ buổi họp mặt “Hội Ái hữu Sao Mai” đầu tiên trong đời, sau mấy mươi năm đoạn trường cách trở, thấy các anh chị, các bạn ngẫu hứng tung thơ, ngồi một chút miên man, tôi cũng “cố rặn ra” một vài câu để đáp lễ cho phải phép. Lúc này tôi còn nhớ bốn câu thơ tuyệt diệu của NguyenBinh ngày xưa:

Ai đi nhặt lại cánh hoa rơi
Bắt bóng chim sa tận cuối trời.
Nếu biết ngày mai đò ngước sớm.
Thôi nàng ở lại để quên tôi.


Bốn câu thơ làm tôi nhớ về cho CV của thời áo trắng, cái tuổi chưa suy tư, hồn nhiên nhưng dại khờ để rồi học hành không lo – ngu xuẫn nhảy vào con đường tình ái, mà phải chi mặn mà và nồng thắm lắm cho cam… Nàng chắc có vẻ sờ sợ, bạn bè cười chê, học thói làm người lớn….. ôi chao, đủ thứ cả trên đời…… Thế rồi tình nồng chưa thắm, ngày vui qua mau, tôi bỏ trường ra đi để đi vào một huyền thoại xa xăm nào, mở đầu cho một cuộc phiêu du mà đến nỗi lạc phách lối về…….
x
x x
Năm 1972, cái mùa hè đỏ lửa hồi đó đã lôi kéo đi biết bao nhiêu đứa con học trò đang hồn nhiên trên ghế nhà trường, chưa biết nắng chiều phai nhạt, bóng mờ hòang hôn quên cả lối về, ngày mai – còn lại những buổi học cuối năm, cho dẫu là đến lớp để chơi, nhưng nghe nói lại: Thầy Triệu, Thầy Hào, Thầy Hiền…. đã có hỏi: mấy thằng giặc đâu cả rồi….. Cả lớp nao nao, tụi nó đi lính rồi thầy ạ! Giọng thầy Hiền oang oang với một vẻ nghiêm nghị: Ai cho tụi nó đi, con nít chùi sữa chưa sạch mà đòi đi lính, bộ tưởng đi lính sướng lắm hả ?, sau này có vài đứa kể lại: mấy ông Triệu, ông Hào vào lớp có vẻ buồn buồn ít muốn dạy dỗ gì nữa…….

Quân trường nắng gió – thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu – câu châm ngôn cứ hiện lên trước mặt các tân sinh viên của quân trường, đời binh nghiệp của “mấy thằng giặc “ năm xưa là đó… Vẫn còn hồn nhiên và vô tư, tuổi học trò có ai ép gì mình đâu, có ai phạt gì mình đâu, ngày trước còn chạy trốn Tổng Giám thị thì sao… Ở đây, một kỷ luật sắt thép “của đời trai trong khói lửa”, cũng gặp lại được mấy thằng bạn Sao Mai, nhưng lúc đó chưa nghĩ gì cả, lâu lâu cũng ngồi ôn lại ký ức của một thời còn cắp sách…. Chọc phá, nghịch ngợm, vài trận tử chiến giữa lớp này với lớp khác mỗi khi ra khỏi cổng nam sinh ở đường Lê Đình Dương, đám đông một lúc rồi lại tan biến, thằng nào cũng anh hùng cả… Vài ba đứa trường cũ ngồi nhắc lại trong mỗi lúc đêm về…… Những bài học không phải trong lớp như ngày nào, mà đây là những bài học vì lẽ sống, những bài học của những thù hận, bài học của lý tưởng…. tập làm quen với súng đạn, trời ơi nhìn thấy ghê quá….

Ra trường, về một đơn vị mang danh thật anh hùng và bí hiểm, nghe qua mà phát ớn, lúc này quên đi hình bóng của ngôi trường ngày nào rồi… tại đơn vị rồi cũng gặp được một người “khóa đàn anh Sao Mai” (68-69) tên là Linh, cùng chung đơn vị… mình xem người ấy như một anh cả, bởi vì trong quân trường vừa học xong, khóa đàn em bao giờ cũng phải chịu sự áp bức của tất cả khóa đàn anh, phải tuyệt đối chấp hành mỗi khi có lệnh, “thi hành trước, khiếu nại sau” – trời ơi đã thi hành rồi, chịu khổ nhục rồi mà còn khiếu nại cái chó gì nữa, khiếu nại hả - phạt tiếp, do đó có thể nói anh Linh như là một người cha, người thầy của mình tại đơn vị, nhiều lúc trong những cuộc rượu vui buồn, anh Linh là một “ông thầy đời, người cha, người anh cả của mình” trên phần đời đổi thay này!

Những cuộc chiến sinh tử, những đêm về trên mặt trận đầy dẫy những hình ảnh chết chóc, hoang tàn và cô liêu, chính lúc này mình mới thấu hiểu được một thời dưới bóng Sao Mai đã cùng nhau nghe nhạc Trịnh Công Sơn với mấy thằng Vân, thằng Hường, thằng Minh, thằng Hòang…. Bây giờ mới ngẫm nghĩ ra thì mới thấy thấm thía và bắt đầu biết suy tư…Những lúc ngoài chiến trường, những khi còn thành phố, cuộc đời vẫn bôn ba đầy sóng dậy, hình ảnh Sao Mai ngày đó dần dần đã trở nên nhạt nhòa trong tiềm thức của một “thằng con nít” như tôi.

Trong đơn vị, là lính hành chánh văn phòng, nên từ ông lớn tới ông nhỏ, tôi nhận thấy ai ai cũng đi học cả, người thì Luật, người thì Kinh tế, người thì trường này trường nọ…. còn tôi – ăn không ngồi rồi, ngòai những thời gian ra tăng cường cho chiến trận, xong rồi lại về…. Ba tôi thì cứ nhắc nhở tôi, đợi mày lên tới Đại úy, Thiếu tá thì chắc đã “xanh cỏ…” Từ đó tôi lại xin nhập học tại một ngôi trường Văn khoa, số là do người bà con của dòng họ tôi “chạy chọt” - Thế là vừa ra đời, vừa đi học để mong mỏi sau này có một cái gì…..
x
x x

Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng SaoMai....  Thieuphuzs-1

Cuộc chiến đã thực sự chấm dứt sau khi “phe chúng tôi” đã ngã ngựa thất trận, trên đường phố Saigon ngày cuối tháng tư năm bảy lăm, hỗn độn và tâm thức bị dày vò, cuộc đời rồi đây sẽ đi về đâu, chính lúc này – tôi mới thật sự nhớ nhung về cho những đứa bạn Sao Mai ngày ấy, giờ này nó làm gì, chắc có đứa đã rủ nhau lên Đại học, có đứa như tôi cũng là những thằng chiến binh thất trận của ngày hôm qua… Còn ở lại được Saigon một thời gian… nhìn lại được hình ảnh của Saigon hoa lệ ngày nào… nhìn lại được “người tình mới” để dần dà quên đi CV của Sao Mai ngày nào… Chắc có lẽ giờ này, sau bao nhiêu năm bôn ba giã từ trường cũ, CV đã yên bề gia thất với một chàng sĩ quan BĐQ, cũng có đứa di chuyển về Saigon này, nhưng tội nghiệp thay, giờ này sau khi cuộc tương tàn vừa chấm dứt, bảo đảm có đứa đã nằm lại vùng chiến sự xa xôi nào đó (sau này tôi được biết thêm nhiều lắm, có nhiều thằng cùng lớp tôi đã ngã xuống…)

Bây giờ hai mươi mấy tuổi đầu, tôi mới nhớ lại ca khúc của Trịnh Công Sơn:
Từng người tình, bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa, khi bước chân ta về, đêm đêm nhìn đường phố, thành phố hoang vu như cuộc tình qua đời mình…..Làm sao em biết đời sống buồn tênh……..

Chúng tôi đi cải tạo tư tưởng tại một vùng đất thật xa xôi, rừng tòan là rừng, rừng dày đặc, Trịnh đã nói: Rừng xưa đã khép, em hãy quay về, rừng đông buốt giá, em hãy ra đi….và cũng lúc này trong số đám sĩ quan ngày xưa của một thời, tôi gặp được vài người cũng là học sinh cũ của Sao Mai ngày ấy, nhưng vài ba người thôi, còn lại là Cựu học sinh của Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản, Bồ Đề và những người lạ khác…. Nhưng cũng cảm thấy ấm lòng, điều đặc biệt toàn là người già không (Capital, Major…) chỉ có mình tôi và nhiều đứa lạ, như những thằng em út trong đám sỏi đời kia chưa biết gì, hàng ngày cứ lo đi lao động phá nương trồng bắp, mì… đêm về thì phải còn học tập về các chủ nghĩa và lý tưởng cách mạng, phải thật tâm khách quan mà nói: mấy ông chính trị viên bộ đội giảng bài hay tuyệt, có đôi lúc chính tôi cảm thấy hay hơn cả Thầy Triệu của mình nữa là khác, người ta nói về chủ nghĩa Bác Hồ, chủ nghĩa Mark Lenin, cũng có lúc có “thầy “ nói về tư bản luận hoặc về con đường cách mạng, hình ảnh của Nguyễn Văn Trỗi của Bế Văn Đàn, của Phan Đình Giót, và chủ nghĩa thực dân đế quốc – trời ơi đôi khi còn thấy hay hay, làm cho tôi phải ngồi mê mẫn như đang ngồi trong lớp để thấy hình ảnh của thầy Triệu giảng bài triết học….

Tôi nghĩ rằng: chắc hình ảnh Sao Mai hút bóng từ đây, đôi khi vài thằng bạn cũng ngồi ôn lại chuyện cũ của mái trường xưa thân yêu mà chỉ biết ngậm ngùi, không thể còn hy vọng trở về để nhìn lại nữa đâu… mấy thằng bạn, giờ này đã làm nên trò trống được gì ngoài đời kia nhiều sương gió, còn tôi phải ở chốn nơi này để còn học thêm nhiều bài học về lý tưởng. Âu đó cũng là một số phận của kiếp người vậy thôi, cái kiếp người đang bị đọa đày vì một hành động cho là ngông cuồng và sai lầm chủ nghĩa…

Thế rồi thời gian chưa đầy ba năm dài, những thông báo, những thành quả lao động và học tập, một số người đã được trở về đòan tụ với gia đình… trong số đó có vài người sĩ quan là dân Sao Mai, mừng mừng tủi tủi, nhưng rồi đây, biết làm được cái gì nữa, một quá trình sống đã đè nặng trên vai của mỗi con người đã ở “bên kia chiến tuyến” như chúng tôi…. Chúng tôi được xe đưa đón ra tới thị trấn có phố đông người qua, và lúc này đây: hình như tôi đang được trở về từ một cõi mộng mỵ xa xăm nào – về đến Saigon đông đúc người qua, thì gia đình đã bị đi vùng kinh tế mới…. hỏi thăm thì mới biết tới một vùng quê xa xôi nào đó, cho đến bây giờ đó là một vùng quê nghèo ở tận cuối Đồng Nai…
x
x x

Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng SaoMai....  CT_2702_VO1

Tháng ngày cứ dần dà trôi đi, để lại sau lưng của ngày qua dần dần trôi vào quên lãng của hình bóng Sao Mai ngày xưa qua cuộc sống hàng ngày với: sáng vác cuốc đi, chiều mang cào về… thoi đưa, thoi đưa, đôi lúc làm chẳng đặng, thôi thì xin nhà nước việc gì đó mà sống, nhưng vác đơn đi đến đâu cũng đều bị ngăn trở bởi hai tiếng ngụy quân ngụy quyền, Công giáo, đã hai lần nộp hồ sơ đi Sư phạm (cái nghề mơ ước đầu tiên của tôi), nhưng vì cái lý lịch quá đen, nên thất bại, lần khác nộp đơn xin đi ngành y, cũng với sự kỳ thị như trên – nên cuối cùng đành phải ngậm ngùi nuốt lệ và trở về căn nhà lá xiêu vẹo của vùng kinh tế mới khô cằn này… Tôi miên man suy nghĩ và chợt buồn tủi cho một số kiếp, ở đâu mà tệ bạc như thế, và chính lúc này: hình ảnh Sao Mai luôn hiện về trong trí tôi biết bao nhiêu ngày tháng, cũng chính lúc này đây, con người tôi mới thật sự nhớ về ngôi trường thân quen của ngày nào với những đứa bạn trong lớp, tụi nó giờ này ra sao rồi ? Cũng may ở đây gặp lại được thằng Châu, nó sau tôi một khóa quân trường, hai năm sau nó mới được về, dẫu sao cũng còn chút tình nồng ấm của những đứa con Sao Mai ngày xưa…

Cuộc sống vẫn âm thầm trôi đi với gia đình, bạn bè và cuộc sống, hai thằng chơi với nhau thân lắm, tình lắm, chuyện trò nhiều lắm, cũng đôi lúc giận hờn, nghỉ chơi bẵng đi vài ngày, đêm về sau khi cơm tối xong dưới những ánh đèn dầu của vùng quê xa xăm này, bọn tôi lại tìm đến nhau… có những lúc, không hiểu làm gì được mấy đồng bạc lại rủ nhau đi ra quán café ngồi nhâm nhi để nghĩ về cho sự đời bạt bẽo thế này, hoặc có lúc bên đám bạn cùng xóm say sưa với những chén tình sầu vô vọng, để rồi lúc này người ta đang ở những phương trời nào đó thấy được một ngày mai có vẻ huy hòang, còn bọn tôi chỉ biết nhà và nương rẫy, cuốc cào, lúa bắp sắn khoai – thật uổng một đời người, những lúc này: Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn phiêu dũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya…..

------------------------------------

Bôn ba, trăn trở vẫn gót hoài phiêu lãng đây đó, chỉ biết sống về kỷ niệm u hoài, không hiểu sao cuộc đời của bọn tôi lúc này gắn liền với Sao Mai đến như thế, có gì lạ đâu, vẫn hình bóng của một ngôi trường, vẫn là bạn bè như bao nhiêu đứa bạn khác, cũng thầy, cũng cô, cũng với những bài học, bài học kiến thức, bài học làm người, bài học sống – sống là một nghệ thuật, cái nghệ thuật đó ngày hôm nay hình như đã chết lịm đi tự thưở nào, cái triết lý sống đó thầy dạy ngày xưa sao bây giờ khó hiểu quá – cuộc đời, nhìn xoáy vào tâm can mà chính lúc này khi nhìn lại cái triết lý của Sigmund Freud với môn Phân tâm học, đôi khi mình nghĩ rằng, thử phân ra cuộc sống và nhân sinh nó sẽ như thế nào, có giống hay khác hẵn, nhưng mà thôi, cuối cùng chính mình tự an ủi lại: người ta sống thì mình vẫn sống.

Chính những lúc này trong đời, vẫn còn độc thân, tôi có suy nghĩ nhiều về cái chân thiện mỹ của thầy cô năm xưa, phân tích ra mà nói, nhưng chỉ nói với chính mình mà thôi, ai nghe cho, thằng bạn Sao Mai kia tối ngày cứ lo đi “cua gái” - ở cái xứ nhà quê này mà lấy vợ lập gia đình thì vẫn là nối tiếp truyền thống cha ông trên con đường sự nghiệp cuốc và cào, khoai với sắn, ăn cơm độn tối ngày ở nơi cái xứ khỉ ho cò gáy chưa ra hơi này, ngồi nhậu với bạn bè hoặc ai đó đem chuyện triết học, Việt văn ra mà nói thì người ta cho là thằng điên, mơ hồ, đem tiếng Anh mà nói thì bị cho là “được dăm ba chữ tới đâu mà đi khoe khoang” nhưng hễ có cái gì đó có chút “tiếng nước ngoài” thì mày coi chữ này là nó nói cái gì vậy !

Kiếp người, lận đận, bôn ba vẫn mãi đi tìm, nhưng không hiểu tìm một cái gì, nhiều đêm nằm miên man nhớ về một cái gì đó, thì hình ảnh thằng Vân, thằng Đỗ Văn Minh, thằng Hường lại hiện về, hễ tụi khốn kiếp đó về là hình ảnh ngôi trường lại hiện ra trong tâm trí tôi, khổ đến như thế, biết nghĩ về ai bây giờ, tại sao mình không nghĩ về ngôi trường Thánh Tâm đầy dẫy những bà Ma Soeur dữ dằn hay đánh học sinh, tại sao không nghĩ về ngôi trường Jandar (Huế) cổ kính ngày nào mà mẹ tôi dẫn tôi chập chững vào lớp mẫu giáo, phía bên hông trường Lê Lợi (Huế), cuộc đời tôi qua đi ba ngôi trường như vừa kể, nhưng tại sao cái “hồn saomai” nó cứ ám ảnh với tôi đến như thế. Đôi lúc tôi không hiểu vì lý do gì, còn hình ảnh nào của SaoMai tôi lần lượt mở ra và xem đi xem lại, nhất là với CV ngày ấy… Giờ này chắc đã thẳng cánh cò bay qua một chân trời góc bể nào, không tin tức gì, chỉ biết rằng: thời gian ở quân trường về lại Đà Nẵng để thăm lại bạn bè thì thằng Vân cho mình biết: CV đã có chồng rồi…. Hồn tôi giờ này mới cảm thấy như chết lịm tự bao giờ, biết nói gì nữa đâu, gặp thằng bạn Sao Mai cũng ở chốn này, nhưng nó nhậu nhiều hơn nói, nhậu vào là ồn ào và đòi hát nhạc vàng, hát chẳng đâu ra đâu nhưng trong cái giọng lè nhè của men đời, nói tòan những thứ đâu đâu…

Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng SaoMai....  D8k9ujch1

Thế rồi cảm thấy rằng không còn một cái gì để tiến thân, tôi đành từ giã gia đình, ra đi tìm cho mình một “phương trời mới”, vào xin làm công nhân cho một nông trường nhà nước, sau một thời gian ngắn, vì thấy mình có bằng cấp… nên ưu tiên được vào làm ở văn phòng nông trường đó…. Cuộc sống cứ bình dị và lặng lẽ trôi đi, hầu mong tìm về được một chút kỷ niệm gì đó, nhưng ở đây – không có một vết tích gì để truy tìm một hình hài nào đó cho dù là mong manh, cho dẫu là người Đà nẵng, nhưng tòan là ở trường khác, ước mong chi có một ai đó gần với mình để cùng nhau nhắc lại chuyện cũ và tìm được vài tin tức…. nhưng cuối cùng rồi vẫn u hoài trong thất vọng. Cũng thời gian thoi đưa, cuộc sống công nhân vẫn chẳng bình dị chút nào, công việc, ngày tháng, đôi lúc làm cho mình có chút gì đó quên lãng… Một cuộc tình chớm nở trong tôi, tháng ngày trôi – và hình như tôi kết thúc cuộc truy lùng kỷ niệm từ đây để bước sang một cuộc sống mới – và cầu xin mong mỏi sẽ được hạnh phúc của ngày mai… Cuộc tình hiện tại của tôi vẫn như hằng mong đợi, một người vợ biết lo toan và thông cảm – một đứa con kháu khỉnh và dễ ghét, nhưng dẫu sao cho đến giờ phút này CV cũng đã yên bề gia thất trước mình rồi… Còn những người khác “quen sau” ở chốn Sài thành hoa lệ kia như TL, thì giờ này cũng biệt vô âm tín, đúng là cuộc đời và lẽ sống, bài học ngày xưa bây giờ mới thấm thía trong đời…

Cái cuốc cái cào, khoai ngô sắn bắp cũng đã làm cho con người tôi chai đá theo tháng ngày, không lẽ cứ như vậy hoài ? Tôi đành phải từ giã vợ con lên Saigon để tìm cho mình một “cuộc sống mới” – tôi xin vào làm được ở một cơ quan nhà nước, nhưng ở đây chuyên về ngành khoa học…. Chính nơi đây tôi cũng đã gặp lại được một người con Sao Mai ngày xưa đã lưu lạc từ miền Trung vào, anh Tạ Văn Hùng, Trưởng Phòng dịch thuật Trung tâm Thông tin Khoa học & Công nghệ Thành phố, gặp được nhau cũng mừng lắm, nhưng Hùng rất nghiêm nghị, chững chạc và có phong cách của một con người trí thức, tôi ít khi gặp anh nhưng những lúc công việc rảnh rỗi, anh thường hay qua phòng tôi chơi và chuyện trò, nhưng không có vẻ gì thân thiện cho lắm. Trong khi đó tôi biết chắc chắn rằng: tại thành phố này bảo đảm dân Sao Mai có nhiều lắm, nhưng mình chưa gặp được thôi….. Thế rồi hai năm sau, “bà nhà” tôi chuẩn bị sinh con – tôi đành phải chấm dứt hợp đồng và quay trở về chốn núi rừng thâm u đó… Tưởng đâu cuộc sống lại trở về như những ngày trước, nhưng may thay có vài người bạn tốt bụng đã giới thiệu cho tôi vào dạy học với diện hợp đồng tại ngôi trường địa phương, mãi cho đến bây giờ…. Tôi nghĩ rằng sau nhiều năm bôn ba đi tìm vết tích Sao Mai đang lưu lạc, đành phải ngậm ngùi gác kiếm thất bại một lần nữa, thì mình lại có dịp vinh dự được đứng vào một ngôi vị mà từ nhỏ mình hằng ao ước: Ông thầy giáo…. Và từ đó cho đến bây giờ, nhiều thế hệ trẻ địa phương trôi qua đi, ai cũng biết tôi là một người thầy, lúc đó hình ảnh ngày xưa ở trường cũ, thầy cô cũ, thì hôm nay chính tôi cũng đã đứng nhìn lại nhiều “khóa học” lần lượt ra đi như chính tôi ngày xưa vậy.
x
x x

Một ngày nọ, khi nói chuyện với một người bạn, và anh đã nhờ tôi tìm giúp địa chỉ của Hội Ái hữu Cựu học sinh Trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng… Nhưng khi càng đi sâu vào trang web thì tự nhiên tôi thấy: “khungtroisaomai…” Từ đó tôi không còn nhớ gì cả, và cũng quên rằng mình đang đi tìm một trang web của Phan Chu Trinh kia mà….

-----------------------------------------------

Đoạn trường của tôi là như thế đấy! Trong cuộc bôn ba và lặn lội nào, bao giờ tôi cũng phải nếm qua nhiều tủi hờn, nhưng với tôi thì tin rằng: Niềm tin đã luôn cho tôi nhiều hy vọng, bởi sự phù hộ của một “Ơn trên” nào đó, và sự phù hộ trợ giúp đó đã dẫn dắt cho tôi một con đường… Con đường đó khi tìm về ngôi nhà Sao Mai, nghĩ lại có cả một hành trình đầy những khổ ải, vì ngày xưa chính các thầy cô đã cho tôi một bài học sống: Không có vinh quang nào mà chẳng qua khỏi những gian lao và cay đắng…


Nguyễn Ngọc Hải
9/2009

Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng SaoMai....  CIMG0446-3-1

______________________________________


Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
Cuộc hành trình đi tìm Hồn Thiêng SaoMai....
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Các VideoClip - NNH thực hiện. . .
» Tường trình ngày họp mặt SaoMai - 28/08/2011
» Tường trình buổi Họp mặt SaoMai 2016 tại Saigon.
» lắng đọng một thời với những hồn thơ SaoMai (1)
» lắng đọng một thời với những hồn thơ SaoMai (2)

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: VĂN - THƠ :: VĂN TRUYỆN SÁNG TÁC-
Chuyển đến