Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Một thoáng mơ về PhanXuanSinh...

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Một thoáng mơ về PhanXuanSinh...  Empty
Bài gửiTiêu đề: Một thoáng mơ về PhanXuanSinh...    Một thoáng mơ về PhanXuanSinh...  EmptyFri Apr 29, 2011 11:25 pm

Kính tặng riêng về cho sư huynh PhanXuanSinh

Một thoáng mơ về PhanXuanSinh…

Đoạn mở đầu trong bài “Lắng đọng một thời với những hồn thơ Saomai”, tôi đã có viết: “Trong những hồn thơ SaoMai mà tôi đã từng chiêm ngắm trên văn đàn saomaidanang.com (kể cả khungtroisaomai.com) thì hồn thơ nào cũng có những nét lắng đọng và ưu tư riêng biệt… Chúng ta có thể đề cập đến với những thi nhân SaoMai như: (ngoại trừ những vần thơ của Thầy Trần Hoan Trinh, PhanXuanSinh là những bậc đại thụ của làng thơ SaoMai…) TranVietHung, NguaChung, NuTamXuân, HaVang, BuiMai, AnhChanDai, CauĐen, MinhTamLe, ThanhBinhDN, Hòang Thủy Biển, HồnThy, LeLoc, NguyênVânThiên, HôMai, HạNguyên, MinhMộng, TháiNgô, Tuyết Nhung, PTH, PhongLanXanh, KimChi, PhaLe, TocTrang, NữSinh, HạcGiấy, NgòGai, TuLip, HồngGai, Ng3, VyVy, TieuLongNu, BuiDieu, TranLaNet, ThisiĐatinh, SongNam, NamTuyên, Angel, TSL, td, Misa, KimAnh, CungQuang, VuTamNamĐinh, TonThatPhuSi…. Thì đây là những tâm hồn một khi thả hồn vào cõi mộng thơ ca thì phải thú nhận rằng: Đây là những con người mang nặng những trái tim ưu tư muôn thưở…”

Tôi sẽ không dám đề cập đến những bậc “Đại phu” như Luân Hoán, Vương Trùng Dương, Nguyễn Đình Tòan, Lương Thư Trung, Phạm Thành Tính, Nguyễn Mạnh Trinh; hoặc với Vĩnh Hảo, Trần Yên Hòa… nhưng sư huynh PhanXuanSinh đối với văn đàn SaoMai thì cũng là một trong những bậc Đại thụ thượng lưu” với tất cả những người con nhà mẹ này. Tôi còn nhớ nhân ngày Kỷ niệm 50 năm họp mặt Hội Ái hữu học sinh Trường SaoMai tại đất khách ngày 26/9/2009; PhanXuanSinh đã xuất hiện như một vị đại thượng khách khi trao tặng cho tất cả quý thầy cô và các khóa đàn em tác phẩm: Sống với thời quá vãng… Chợt nhiên tôi cảm thấy “thèm khát” như con nai mơ về một dòng suối… Không phải tôi đang hồi ức và tìm về một khung cảnh nồng ấm nghĩa tình của ngày họp mặt Hội Cựu Học sinh của trường cũ ? mà tôi cảm thấy như mình đang

Một thoáng mơ về PhanXuanSinh...  NhaKimQuy7
Sư huynh PhanXuanSinh – Sống với thời quá vãng của ngày 26/9/2009 tại đất khách…(người áo sọc đen phía đầu trái)

còn bơ vơ ngoài dọc đường gió bụi chưa tìm về được với mái nhà xưa để được “vinh dự lật lại từng trang sách” trong tác phẩm của sư huynh; nhưng mà thôi… phía ngoài kia còn dọc đường lắm phong ba, dẫu sao mình cũng còn thấy được một tác phẩm có tính chất văn học. một lĩnh vực mà tôi “rất ưa thích” trong quãng đời còn lại này… mãi cho đến bây giờ thì tôi cũng được hân hạnh chiêm ngắm gần hết tác phẩm ấy. Khi nói về PhanXuanSinh, có thể tôi sẽ gọi bằng thầy, bậc sư phụ, bậc trượng phu đối với làng văn SaoMai của ngày hôm nay. Trên văn đàn SaoMai, chúng tôi rất ít khi được gặp và diện kiến với khía cạnh văn học của PhanXuanSinh, nhưng về sau tôi đã được từ từ thấy rõ cái nghiệp văn chương của sư huynh, và từ cõi văn chương đó tôi đã hiểu ra được về thân thế của sư huynh… Hôm nay khi tôi ngồi ôn lại về cho sự nghiệp của một bậc trượng phu mà tôi đã sủng ái – sau loạt bài Lắng đọng một thời với những hồn thơ SaoMai… tôi đã đề cập rất nhiều về cho những thi nhân của SaoMai – phải nói nhiều và nhiều; những hồn thơ SaoMai thật phong phú và chân thực, có những cõi mơ nhưng chưa xa lắm, có những lắng đọng nhưng chứa đựng lắm ân tình, có những suy tư nhưng không bi lụy, hồn thơ SaoMai mang đầy tính thực chất của những con người… Nhưng với sư huynh PhanXuanSinh một yếu nhân mà tôi đã đề cập ngay từ đầu là một bậc trượng phu, đại thụ của văn đàn SaoMai. Và hôm nay, bắt đầu một đêm dài của mùa hạ quê nhà, bên khói thuốc hẵn như che phủ đi một phần đời - để rồi tôi nhìn xuyên qua đó với những tâm tình của tôi về sư huynh đã trải dài lên những trang giấy – chính tôi đã thấy được cả một khung trời bao la nhiều say đắm mà chính sư huynh đã lần lượt cho qua trong cuộc đời những ưu tư và muộn phiền cho một kiếp người – hầu như không hơn không kém…

Nếu tuyệt tác Khi tình đang ru đời mà sư huynh đã trải lên đó những tâm tư của một thời son sắt của cái thưở hàn vi, cái thưở hàn vi nhưng có những cơn sóng gió trong những thi phẩm mà sư huynh đã thai nghén và cho ra đời… thì Sống với thời quá vãng – nó sẽ ngược lại với những nét hồn nhiên và mộng mị của một làng quê êm ả; những thăng trầm trong cuộc sống, những muộn phiền của tác giả khi đã cất bước vào đời với nỗi sầu muộn trên đôi vai gầy, trong sầu muộn đó sư huynh không cất lên tiếng khóc và than oán như Lữ Tùng Anh, không kêu than thảm thiết như Nguyễn Trọng Trí, không si tình như Xuân Diệu… mà trong những sầu đắng của sư huynh đã cho người đời thấy rằng: một kiếp người đang chịu lụy trần ai với những cơn mưa gió, với những sấm sét của thời thế, với những cô đơn của tình yêu, với những nỗi buồn cho bạn bè, cho trường xưa và quan trọng hơn cả là một bi quan nhân thế cho một đời… để rồi hình như một phần thân thể của sư huynh đã được gửi lại trong lòng đất mẹ ngày hôm nay…

PhanXuanSinh – nếu so với những bậc “sư phụ tổ trượng phu tử” như Luân Hoán, Vương Trùng Dương, Nguyễn Đình Tòan, Lương Thư Trung, Phạm Thành Tính, Nguyễn Mạnh Trinh…. Thì có lẽ là một chín một mười, so tài ai hơn ai, không phải với tất cả những bậc thầy nêu trên mà tôi đã đề cập thì sư huynh PhanXuanSinh ở lại phía sau – Không – không phải thế! Mà tôi nghĩ rằng với vai vế trong làng văn hôm nay sư huynh có thể được “ngồi với chiếc ghế ngang hàng với những bậc thầy nói trên… Khi đề cập với Sống với thời quá vãng… mà tôi đã đọc được, đây là một hồi ký ghi lại những kỷ niệm của sư huynh sau khi sư huynh đã cất từng bước độc hành trên cõi giang hồ văn nghiệp… tôi nhận thấy những chuyện tình, những tình bạn của sư huynh thật đáng trân trọng, những người con gái trong bài, ngoài cái chuyện đó là những con người thật, sư huynh còn cho chúng ta thấy “một đời đắng cay” và đáng thương kia với một niềm cảm thông sâu đậm nhất – đời là thế - còn lắm những gian truân và gập ghềnh mà con người phải gánh chịu, cái số kiếp mà ông Trời đã định cho mỗi con người chúng ta là như thế; phải gánh chịu như thế; chịu chung một số phận như thế và chính sư huynh hình như cũng nằm trong chiếc thuyền định mệnh đó… Bất chợt chúng ta hãy cùng nghe sư phụ Nguyễn Hàn Chung cũng đã nói lên cùng với sư huynh:

…..Sống với thời quá vãng không đồ sộ hoành tráng mang tính sử thi nhưng ngồn ngộn chi tiết hiện thực sống động. Bất kỳ loại thể văn học nào anh đều đào sâu suy tư tìm hiểu, khai phá các vấn đề lịch sử, dân tộc, con người. Những nhân vật của anh được đặt trong mối liên hệ phối thuộc trong quá trình tác giả và nhân vật tham dự một cách tích cực .Đôi lúc đọc văn anh dường như người đọc cảm được cái giọng Quảng ngay thật mà riết róng, nỗi phẫn nộ cố kìm nén mà vẫn bật thoát ngoài con chữ (Cơn đau không dứt, Một giai đoạn ngậm ngùi). Ta thấy rõ anh không chuyên chú làm văn chương, mục đích của anh là nhặt và phơi những đoạn đời, những mảnh vụn xa khuất làm chất xúc tác cho người đọc. Người có tuổi tìm trong hồn chữ mênh mang những niệm khúc ngày quá vãng, người tuổi trẻ sinh sau đẻ muộn có thể hiểu được nỗi lòng bạch đầu bi phẫn cha ông. Nhưng cũng chính vì không chuyên chú làm văn chương tự thân những mảnh vụn ngậm ngùi anh kể lại bất chiến tự nhiên thành đã là văn chương đích thực bởi văn chương nào lại không đánh động trái tim con người. Trong nhiều truyện hoặc bút ký anh ráng làm ra vẻ khách quan tỉnh táo khi kể, tả tình tiết diễn biến câu chuyện nhưng đàng sau những câu chữ ngỡ như trung tính ấy người tinh mắt sẽ mau chóng nhận ra trái tim dịu dàng nhân hậu tràn đầy yêu thương nhân ái của một nhà thơ (Khi con đường không lối thoát) (Một niềm vui). Bút pháp anh sử dụng trong hầu hết các truyện và bút ký mang đậm chất hiện thực, ở một đôi bài tính chính luận xen kẽ với hiện thực phô bày cảnh và người sống động đậm nét trong lần quy cố hương của anh (Sống với thời quá vãng). Ngôn ngữ đối thoại trong văn anh là kiểu trò chuyện giản dị, đậm tính phương ngữ thỉnh thoảng ta còn bắt gặp lối độc thoại nội tâm dẫn dắt người đọc đồng cảm với anh về cách hành xử của các đối tượng được anh đề cập trong tác phẩm Gió bụi một thời ) - Nhặt lại những mảnh vụn.

Có thể nói Sống với thời quá vãng của Phan Xuân Sinh là một bức tranh chân thực về lịch sử, con người một thời, tái hiện sắc nét chiều sâu tâm tư của tác giả. Cảnh và tình người cũ và người mới, chiến thắng và chiến bại rốt cục trước niệm thiên địa chi du du vô chung vô thủy của thời gian cũng chỉ là những mảnh vụn chìm sâu trong ký ức. Tác giả nâng niu gìn giữ nó để người đời sau còn biết có gió bụi một thời rót về phương mô. Anh Trần Doãn Nho đã nghĩ chín, anh Lương Thư Trung đã ghi sâu về cái đẹp, cái đáng trân trọng của Sống với thời quá vãng. Riêng tôi, cũng như các anh các chị đến dự buổi ra mắt sách của Phan Xuân Sinh với tư cách độc giả, tôi chỉ làm một việc dễ hơn hai anh nhiều: Phát biểu cảm nghĩ cá nhân về những điều tâm đắc rút ra từ tập truyện. Còn chiều sâu tác phẩm, nội hàm ẩn tàng trong thi pháp tác phẩm còn chờ đợi nhiều ở sự thẩm bình của các anh chị văn thi hữu xa gần. Tôi khao khát quý vị hãy thâm nhập, chiếm lĩnh tác phẩm và chia sẻ với anh Sinh về đứa con tinh thần anh đã trăn trở, quặn thắt, tâm sự, giải bày từ một đời chiến chinh, thăng trầm, lưu lạc của chính anh mà cũng có thể của cả chúng ta…

Vì thế khi đề cập đến văn phẩm Sống với thời quá vãng của sư huynh, như đã nói ở trên – tôi đã được vinh dự diện kiến và chiêm ngưỡng trên văn đàn, chợt nhiên hình như niềm lạc quan của cá nhân tôi có phần khác biệt với sư phụ Hàn Chung, nhưng không phải hòan tòan – mà ngược lại chỉ có một vài điểm nhỏ mà thôi – Quá vãng - qua cái nhìn của sư phụ Hàn Chung có đôi điểm khác biệt với cái nhìn của tôi, nhưng chung quy lại khi đã “hóa đồng mẫu số” thì cũng chung một quan điểm như Hàn Chung đã nói: Có thể nói Sống với thời quá vãng của Phan Xuân Sinh là một bức tranh chân thực về lịch sử, con người một thời, tái hiện sắc nét chiều sâu tâm tư của tác giả. Cảnh và tình người cũ và người mới, chiến thắng và chiến bại rốt cục trước niệm thiên địa chi du du vô chung vô thủy của thời gian cũng chỉ là những mảnh vụn chìm sâu trong ký ức. Thế đấy và có thể Sống với thời quá vãng của sư huynh PhanXuânSinh đã cho mọi người nhận ra rằng: cuộc đời sẽ không bao giờ bằng phẳng mà ngược lại mỗi phần số con người đều tựu trung sẽ gặp phải những thăng trầm và gập ghềnh với cuộc sống…

Xin được trích lại một đoạn trong Sống với thời quá vãng của sư huynh mà tôi đã đọc được:

….Dù sao đi nữa khi viết về một thời quá vãng, xin tất cả các bạn một thời là nhân tình của tôi, nhận nơi đây một lời xin lỗi chân thật nói lên tận đáy lòng của mình, dù trước đây sự việc tan vỡ cuộc tình do tôi hay không phải vì tôi. Nhưng ít nhiều trong đó cũng có tôi đã hình thành nên sự việc. Bây giờ ở vào cái tuổi của chúng ta mới nhận ra được giá trị chân thật của tình yêu, thì mọi chuyện nó cũng đã lỡ làng, đã được Thượng Đế an bài không thể thay đổi được. Dù sống thế nào bài học về kinh nghiệm cuộc sống, lý lẽ của trái tim bao giờ cũng dễ thương và đáng trân trọng. Nhân nhìn về những người xưa cũ, bây giờ mình lại nhìn về chính mình. Đời sống vợ chồng cũng giống như chén bát trong chạn, ba hồi cũng đụng nhau làm sao tránh khỏi, có cải vã, có sóng gió, có bão táp nhưng chỉ trong tách trà. Sau những cơn địa chấn nhẹ đó mọi chuyện đâu vào đấy. Bao giờ vợ cũng kính nể chồng, chồng cũng thương yêu vợ, tương kính nhau để sống. Chính vì lẽ đó mà không thể tách rời nhau được. Không ai tài giỏi cả, chỉ ý thức được trách nhiệm và chỉ có nhường nhịn nhau, đó là đinh đoạt mái ấm của gia đình.

Rồi đây – Sống với thời quá vãng của sư huynh PhanXuanSinh – có thể nói sư huynh được nhẹ gánh trên cõi trần ai này, một khi sư huynh ấy đã giải bày được niềm tâm tư của chính mình trên những cánh nhạn để tung bay về những phương trời nào đó – những “người con gái” trong bài khi được đọc cũng sẽ mở những nụ cười cảm thông cho sư huynh vậy, với cái Tâm của mỗi chúng ta, nói về cõi duy linh nào đi nữa, thì đó cũng chỉ là một cõi hư không siêu hình; nhưng chỉ khác nhau ở chỗ là “cái bản ngã” trong chính của mỗi con người… Chỉ vậy thôi, với Phan sư huynh thì cũng thế - hy vọng rằng tất cả rồi cũng đi về một con đường, con đường mà do chính cái Tâm của chính mình đã được giải bày và trải nghiệm…

Một khi Sống với thời quá vãng đã qua đi một bước trên cuộc đời, Phan sư huynh hình như cũng đã còn phải “nhìn lại” cho chính mình, cho chính cuộc đời của sư huynh, để rồi sư huynh thấy được “những cảnh hoang tàn và đổ nát” – xin nhắc lại là ở đây chúng tôi chỉ được phép đề cập đến lĩnh vực văn học, khía cạnh nhân văn của những con người mang tính nhân văn trong một cõi văn chương thuần túy mà thôi… Biết bao nhiêu bậc thầy của làng văn xã hội, biết bao nhiêu cái nhìn của “nhiều nhân sinh quan riêng lẻ” về cho Phan sư huynh… Đó là rất nhiều cái nhìn có nhiều quan điểm khác biệt; những cái nhìn hiền hậu và trìu mến, những cái nhìn có vẻ châm chích, cũng có đôi khi những cái nhìn có tính chỉ trích khiếm khuyết… Ở đây với cá nhân tôi (NguyenNgocHai) thì tôi đã có cái nhìn về cho Phan sư huynh một cái nhìn đầy cảm phục và nhiều mến mộ… Tôi chỉ đề cập đến lĩnh vực văn học, không nhìn xuyên qua lĩnh vực chính trị, một nền văn học thuần túy của những con người bình dị và vô tư… đó là tập thi phẩm Đứng dưới trời đổ nát… Nói đến Đứng dưới trời đổ nát của Phan sư huynh, tôi có đọc qua nhiều thi phẩm chợt nhiên khi đang viết bài này tôi nhớ lại loạt bài Lắng đọng một thời với hồn thơ SaoMai… cái liên tưởng trong muôn vàn liên tưởng của những con người cầm bút và rất dễ lẫn lộn một khi ý tưởng cứ tuôn trào, nếu mình không khéo phân chia đẳng cấp và giới hạn thì sẽ lẫn lộn “cá mè một lứa” thì kết quả sẽ thế nào - Ở đây cũng giống như cái chủ đề mà tôi đã suy nghĩ và chọn lựa “mơ về PhanXuanSinh” vì thế cho dù là Lắng đọng một thời… thì ở đây cũng với Phan sư huynh “cũng là một thời” – một thời của những người con nhà mẹ hôm nay đã được phân cấp rõ ràng – không lẫn lộn với bút pháp của người viết….

Khi đề cập đến thi phẩm Đứng dưới trời đổ nát… mà cũng chính tôi đã được diện kiến và chiêm ngắm như ở phần trên với cái thời Quá vãng của Phan sư huynh, thì cái nhìn của tôi có lẽ khác biệt hơn với những cái nhìn của những bậc “trượng phu” mà tôi đã phân tích ở phần trên… cái đổ nát ở đây của Phan sư huynh (theo thiển ý của tôi) không phải là đổ nát vì chiến cuộc, vì đạn bom tàn phá, cái cảnh điêu tàn của những cuộc chiến… mà ở đây cái cảnh tượng đổ nát của Phan sư huynh là đổ nát của một thời trai trẻ, đổ nát của việc gãy gánh nữa chừng, đổ nát của những cuộc tình đã bỏ sư huynh mà đi…. (giống như chính tôi vậy). Hẵn nhiên chỉ về khía cạnh thi phẩm văn học – khi đã đọc qua các bài: Mờ phai, Lời bày tỏ cùng quê nhà, Giữa trời đất vật vã, Gặp người xưa giữa phố Boston, Gặp lại bạn ta, Gái Huế, Đêm nằm nhớ Ức Trai, Dấu xưa, Chút tình cho Huế, Cho người tình phụ, Chiều trên phố cũ, Chén rượu tạ lòng bạn hiền, Bên sông nhớ người, Bay qua đời khói sương, Tiếng Vạc kêu trong sương, Bài lục bát cho Danang, Thơ cho vợ hiền, Bên kia nỗi nhớ, nhưng với tôi - điểm đặc biệt là với bài thơ Uống rượu với người lính bắc phương, và bài Chân cầu nước chảy đã được phổ nhạc thành một bản tình ca như là muôn thưở của Phan sư huynh, và hình như đó là một chủ đề của sợi thương sợi nhớ của Phan sư huynh – không biết có đúng như thế không, nhưng với tôi cái nhìn chỉ thiển ý “sẽ là như thế”…

Bây giờ chúng ta “thử” đi vào phía trong cánh cửa Đứng dưới Trời đổ nát của Phan sư huynh – qua cái nhìn cảm nhận văn học…
____________________________________

Tình yêu – có thể nói là đề tài muôn kiếp của nhân sinh tất cả chúng ta, ai ai cũng phải có, yêu đương và say đắm trong những cuộc tình mà ai cũng có những lần được hưởng thụ, chỉ có những ai đang say đắm hạnh phúc trong tình yêu mới cảm nhận được tình yêu… Phan sư huynh đã định nghĩa chữ yêu vào một khía cạnh riêng lẻ của sư huynh, không ai giống như ai… với chúng ta chắc hẵn cũng thế…. Chỉ có hai chữ tình yêu – một điệp ngữ trong điệp khúc của cuộc sống của tất cả chúng ta, ai cũng yêu, và tình yêu của mỗi nhân sinh đều khác hẵn và rất khó định nghĩa được, như thế rồi cuối cùng chẳng có một định lý chung nào, nhưng ai cũng phải có được định nghĩa cho riêng mình trong tình yêu… Với Phan sư huynh cũng thế, tình yêu của sư huynh là những trầm tích, một chút bâng khuâng, những cái thở dài trong những cái nhìn, là những chiều nắng phai… cái nhìn của Phan sư huynh về cho tình yêu khác hẵn với tất cả những con người khác, tình yêu của sư huynh chắc hẵn cũng có những giờ hạnh phúc, có những phút đắm say… và Phan sư huynh cũng có cảm nhận được cho riêng mình như thế…. Hoặc định lý tình yêu của sư huynh khi “kết cuộc” của một sự đổ nát…. Có lẽ như thế sao??? Bởi vì xa em còn chút vấn vương bên lòng

ta bâng khuâng đứng bên đường
xa em còn chút vấn vương bên lòng
qua rồi bao nỗi bão dông
chuyện xưa trầm tích dưới dòng quạnh hiu
là đời vây phủ rong rêu
là em vàng võ bên chiều nắng phai
nhìn nhau chỉ để thở dài
gặp nhau chi để một mai ngậm ngùi
thì thôi em cố gượng vui
chút tình ngày cũ cố vùi lắng sâu

Mờ phai

Cũng trong tình yêu – cái tình yêu là cái chi chi của mỗi con người khi đang hưởng thụ trong cuộc sống, một đề tài bất biến của mỗi chúng ta; yêu nhau – hợp rồi tan… với Phan sư huynh cũng phải đón nhận một sự “đôi ngã chia ly” khi nhìn người yêu xa thẳm cuối chân trời, chuyện chia ly trong tình yêu là một lẽ thường tình, hầu như không ai mong muốn, nhưng cái gì nó đến rồi sẽ đến; chính Phan sư huynh cũng nhận thấy vết thương cũ, bỗng dưng ê ẩm vì chuyện gãy gánh của tình yêu mà – từ cổ chí kim, từ ngàn xưa cho đến bây giờ, chia ly là điều bất dịch trong tình yêu, cho dù ai cũng vậy, Phan sư huynh cũng vậy – cũng gãy gánh nữa chừng xuân với người tình… nhưng cây vẫn còn dấu chân chim – dễ gì quên được, nhưng người tình của Phan sư huynh cũng đàng ra đi và sư huynh cũng lặng thầm và nói lên lời cuối tạ từ cho tình yêu ấy… ai thế - người con gái nào cùng chung nhịp cầu với sư huynh nhưng cũng phải chịu gãy gánh nữa chừng, để lại cho Phan sư huynh chịu cảnh nữa đời hương phấn… rồi cuối cùng sư huynh cũng chết lặng thầm nhìn cái cảnh ly tan trong bóng hòang hôn ấy…

................................................
em một thời dậy sóng đời ta
là để lại lưỡi dao oan nghiệt
cứa nát ta bằng êm ái mượt mà
rồi cũng lụy trên đường tình phiêu bạt
cũng héo hon ngày vỡ cuộc tình si
ta bấn loạn giữa triền sinh tử
em cứ ung dung dứt áo ra đi
thôi, như đã một thời phận bạc
một thời mang vết chém ngang lưng
chưa ngã xuống, tình kia cũng mất
nên nhìn đời theo những bâng khuâng

Cho người tình phụ

Trịnh Công Sơn đã một lần bên đời hiu quạnh, nhưng đời hiu quạnh của Trịnh chỉ nhìn đời với cái nhìn cô đơn mang đầy tính triết học trong cái nhân văn suy tư của một con người, của một nhân sinh quan đi vào một triết học, còn hiu quạnh của Phan sư huynh là một sự cô đơn khác với của Trịnh, cái hiu quạnh của Trịnh là ngồi đây để nghe một thoáng miên man, và thấy hương qua đời, còn cái hiu quạnh của Phan sư huynh là nhìn vào cuối chân trời để thấy “còn mình ta cô đơn” , cô đơn để tưởng nhớ một đời, mang trong lòng một chút buồn, một nỗi buồn bay theo chiếc lá, một chút buồn còn đọng lại một chút nhớ chút thương, một chút buồn nhớ về cho những con phố thân quen, nhớ về dòng sông còn chảy êm hiền hòa, một chút buồn nhưng vẫn còn chút gì xao xuyến ấy, ôn lại kỷ niệm của ngày xưa, cái hiu quạnh cô đơn của Phan sư huynh khác với hiu quạnh của chàng Trịnh mang tính triết học, hiu quạnh của sư huynh Phan là hiu quạnh của tiếc nhớ, của xao xuyến, của chân trời xa đã thành chân trời tím – một màu tím buồn thảm trong tình yêu mà Phan sư huynh đã âm thầm lặng nhìn cho tình yêu vụt bay… Tình yêu đó là tình yêu quê nhà, tình yêu non nước, tình yêu của những ngày thơ dại trong đời của sư huynh…

........................
cớ sao người cứ hay phụ lòng ta?
những đêm về ngồi đây nhớ tiếc
con đường xưa, phố cũ thân quen
bước chân ai đang đi vào ngõ vắng
xao xuyến lòng ta. Thao thức bao đêm
bến sông Hàn của những chiều lộng gió
tà áo tung bay vướng mắt ta nhìn
để lại trong lòng nhúm nhăn thương nhớ
mà với ta. Người rất đỗi vô tình
những tháng năm của thời binh lửa
phố cũng đắm chìm trong cảnh oan khiên
làm sao quên nhiều năm chinh chiến
dòng sông xưa chịu bao nỗi ưu phiền
giờ ở đây. Lòng se sắt lạnh
nhớ phố, nhớ người. Ðôi mắt long lanh
bên trời xa, bên đời hiu quạnh
chim lạc bầy, chim mỏi cánh tìm quanh

Lời tỏ bày cùng quê nhà

Nếu ai đó nhìn đời bằng một sự bi quan và vô vọng, nếu ai đó khi chạm phải một biến cố gì trong đời thì có được niềm lạc quan còn lại hay không? Với Phan sư huynh chắc đôi khi cũng có những cái nhìn như thế… sự thất vọng, tan vỡ, chia ly cũng đủ làm cho con người chúng ta trở thành những bi quan như thế… và đôi khi trong cái bi quan như thế, Phan sư huynh còn thấy trời đất, tháng ngày cứ mãi dật dờ trôi, lòng xơ xác, lòng vọng nhớ và cho cuộc đời như là một trò chơi canh thâu, hình như ai cũng thế cả, đã là con người thì ai cũng có những lúc ngã ngựa trước những thất vọng đắng cay, trong cơn say Phan sư huynh cũng thấy được trời đất đã nghiêng đổ, vỡ tung, và tự cho “ta là đứa khùng điên” chính cái Tâm của sư huynh thấy rõ điều đó, một lần thất vọng của ước mơ, một lần thất bại trước cuộc sống, ai cũng thế, cũng có những bi quan và chán chường, cũng có những điên cuồng và thác loạn, cũng thấy được cái cảnh đổ nát của riêng mình…

...............................................
bao năm đời khổ lụy
cố xứ đâu ngày về
hắt hiu lòng vọng nhớ
dập dìu trong cơn mê
đời như một trò chơi
treo lửng lơ trên giá
ta như đứa thất thời
tưởng chừng như rất lạ
đâu ngờ cuồn cuộn sóng
vỡ tung bao đêm đen
đứng giữa triền vực thẳm
ta thành đứa khùng điên
nên suốt đời vật vã
chạy vòng quanh kiếm tìm
nóng lòng cũng lỡ vận
tay buông theo oan khiên

Giữa đất trời, vật vã

Dẫu sao, Phan sư huynh cũng là một con người, con người của đức tính nhân văn, con người của một thời sương gió, buồn vui lẫn lộn như đã hòa quyện trong con người của Phan sư huynh, chốn quê nhà đã xa đi những mối tình, khi còn trong vòng tay hạnh phúc và êm ấm, ai cứ cho là một màu hồng bao phủ quanh ta, hạnh phúc chỉ ở trong tầm tay với… khi xa đi mới thấy trời nghiêng đất ngã, nỗi vật vã trong cơn say – say rượu đời hay say men tình phụ, say thời gian đong đưa hay say với lần hội ngộ, biết bao nhiêu đoạn trường, chợt nhiên tôi nhớ về cho mười tình khúc không tên của Vũ Thành An năm xưa ấy – gặp rồi yêu – hạnh phúc đó rồi chia xa – hội ngộ lại và chút bâng khuâng đượm buồn của những con người đã lỡ, nhìn nhau – ngỡ ngàng, bâng khuâng và lắm xót xa – phải chi cứ để thời gian đong đưa trên hai ngã đường đời, đừng gặp nhau làm chi, con tim của Phan sư huynh cũng đã lỡ gặp nhau không phải trên con phố cũ quê nhà mà lại con phố miền viễn xứ, lỡ ngậm ngùi lần gặp mặt hôm nay chứ không phải ngậm ngùi lần chia xa năm ấy… Đổ nát – trong cuộc tình, đổ nát chính trong lòng, đổ nát chính trong cái Tâm của chính con người đã bị gãy gánh tình yêu, nữa đời còn lại, nữa hồn đau thương chưa nguôi… thì giờ đây “Ta đã gặp lại người” – để rồi nỗi bâng khuâng cứ lại hiện về, bâng khuâng không phải như ngày xưa “em đi về phố vắng” mà bâng khuâng của hôm nay khi gặp mặt lại nhau đã có một dấu hỏi lớn – gặp lại nhau làm chi ???

sao em lại ở chốn nầy?
nhìn nhau, chỉ biết cầm tay nghẹn lời
tưởng chừng nước chảy hoa trôi
xứ người giữa phố, gặp rồi bâng khuâng
nhìn nhau thôi cũng ngại ngần
đêm về chỉ biết nhìn vầng trăng soi
cái đau của cuộc tình thua
vết thương cũ ấy, lại vừa dậy lên
có ai đâm thủng con tim
mà ta thấy nhói từng đêm bồi hồi
..................................................................

Gặp người xưa giữa phố Boston

Ai cũng thế - cũng có một thời son sắt và hùng tráng, cũng có một chuỗi ngày hạnh phúc trong cuộc đời của mình, tôi cũng thế - và cả Phan sư huynh cũng vậy, có ai qua đi mà không nhớ về cho một đoạn đường, có ai qua đi mà không nhìn về cho một dòng sông… chuyến xe đò ngày nào khi bỏ xứ đi về miền đất hứa, có ai mà không ngại ngùng cứ để cho những dòng lệ rơi rơi trên tháng ngày kỷ niệm của mình.. ai cũng thế, và Phan sư huynh cũng vậy, từ một thưở còn hàn vi bên lũy tre làng, từ một thưở hình bóng khu làng Nại Hiên đang còn mập mờ trong nhân ảnh, từ một thưở của những chiều chưa tắt nắng với những trái bóng chưa đủ hơi đầy cứ lăn dài trên sân cỏ của ngôi trường cũ… tháng ngày xa xưa ấy được con người của Phan sư huynh nhìn lại với một quá khứ đầy ắp những kỷ niệm, nhìn lại với những dòng thời gian qua đi, để biến trở những chiếc áo rách vai thành những tà áo dài biết còn mộng mơ, biết suy tư, và nhìn về cho một xã hội xô bồ trong tâm tưởng của chàng trai Phan Xuân Sinh của ngày ấy chưa biết nỗi buồn là gì… Cuộc đời với những niềm cô đơn, nỗi mồ côi tình mẫu tử với những ánh nắng ban mai và cơn mưa chiều vẫn mãi lăn lộn trên cuộc đời một chàng trai trẻ của làng Nại Hiên buồn ấy… Để rồi – ngày hôm nay, cái ngày hôm nay của bốn mươi mấy năm về trước – chàng trai Phan Xuân Sinh đã biết buồn, biết suy tư và mộng mơ trong tà áo dài chiều trên phố vắng… Nhưng nước mắt đâu còn để mà chảy dài trên đôi má hồng của một trẻ thơ, còn đâu nữa những dòng suy nghĩ của một chàng thanh niên đang đứng trước ngã ba đường đời mà chàng phải chọn lấy một… còn đâu, còn đâu nữa, để rồi cuối cùng chàng cũng đành đi trên một con đường, nhưng khổ thay con đường ấy vẫn còn mãi gập ghềnh nhiều gió bụi, con đường không bằng phẳng một chút nào trên cuộc đời từ đây của Phan sư huynh hôm nay…

....................................
ta mang vết thương làm người si dại
những tình thư ta viết thật điên cuồng
em đón nhận nhưng lòng đầy bất định
để thư tình trôi theo những ngả sông
em vẫn lọc lừa như tay phù thủy
ta ngu ngơ như một đứa chân tu
cạm bẫy bủa giăng làm sao tránh được
sa chân vào rớt xuống chốn âm u
ta ngụp lặn bởi bể tình lầy lội
em đứng nhìn thỏa mãn thú tiêu dao
trò chơi ấy cũng đến hồi kết cuộc
em vụt bay xa chẳng biết nơi nào
mấy năm rồi ngồi đây nhớ lại
em của một thời lộng lẫy kiêu sa
vết thương cũ đã bao lần nhức nhối
đã bao lần thổn thức trái tim ta
.................................

Dấu xưa


Qua thi phẩm Dấu xưa của Phan sư huynh mà tôi đã được chiêm ngưỡng, từ đây, chính tôi cũng đang nhớ về cho Một thời Dấu yêu của tôi khi bước vào nhà mẹ của chính mình, cũng đầy ắp những nhớ thương và những nỗi buồn… Ngày ấy, cái thưở xa xưa kia khi “chàng trai trẻ Phan…” biết dạo đi trên con phố buồn của xứ Đà ngày ấy, thì chàng trai Phan kia đã biết buồn, biết suy tư, và những niềm suy tư luôn cứ chực chờ để hiện về với chàng trai trẻ ngày ấy, nỗi buồn, nhạt nhòa, long đong, và những niềm u uẫn… cứ mãi vờn lên trong con tim của chàng Phan thời trai trẻ… đi qua từng con phố, từng con hẽm, để nhớ về cho nhiều kỷ niệm thưở ấu thời, Phan sư huynh hôm nay cảm thấy từng bước đi đã có nhạt nhòa, sóng vỗ lên đời… để nhớ về những người đã bỏ chàng ra đi và không hẹn ngày trở lại…

..........................
hai ngả đường long đong
em nhạt nhòa từng bước
ta u uất trong lòng
chiều bến xưa ai đứng
góc chợ Hàn ai qua
trời cứ màu tang hải
chỉ thấy tình xót xa
chim bỏ đàn xa xứ
tổ ấm không lối về
người bỏ người ở lại
ruột quặn đau trăm bề

Chiều trên phố cũ - Ðà nẵng, ngày trở lại 1988

Quê nhà dấu yêu, một thời ấu nhi đã từ từ đi qua trong cuộc đời của Phan sư huynh, người trai trẻ ngày nào giờ đây đã biết được mùi vị của từng giot đắng trong đời, biết từng đêm đen cô lẻ để từ đó sẽ cho sinh ra những dòng thơ tuyệt hảo, ai cũng thế - ngay cả chính tôi hoặc như cả Phan sư huynh hôm nay cũng như nhiều con người khác hôm nay cũng như thế mà thôi, rượu ly bôi để rồi ai cũng nhắp mình trong gió sương và xin cạn chén hồ trường, hồ trường hỡi của những con đò, trong những giọt đắng cay thâm sâu cùng cốc ấy… có ai thấy được một ngày mai, có ai còn đếm được những chiều mưa buồn trong sân trường cũ, có ai đếm được qua từng trang sách nhỏ… Có mấy ai – nhưng hình như với những vũng buồn của những chốn thâm u cùng tận nào đó, Phan sư huynh đã ngồi đếm được những khỏang thời đong đưa ấy, đếm được bao nhiêu chén rượu trong những lúc cạn chén hồ trường với những tâm hồn còn mãi trong phong ba gió sương của cuộc đời này, Phan sư huynh đã chứng tỏ “ta là dân xứ Quảng” cái xứ của nhiều nắng cháy, mưa dầm, của những ngày mưa lũ, của những ngày trốn học, của những trận đòn roi – để thấy được hai chữ quê hương là gì hỡi mẹ…

............................
rượu trăm ly, hồ dễ đã say
thì tiếc chi một lần ngã xuống
cùng chia nhau một chén rượu đầy
đêm nay, ta muốn say cùng bạn
chuyện bên ngoài, vất lại đằng sau
rượu mềm môi, tạ lòng bạn quý
ngày mai đâu dễ uống bên nhau
chén rượu, tạ lòng bạn hiền
- * gửi Nguyễn Khánh Hòa

Bây giờ, biết bao nhiêu nỗi nhọc nhằn suy tư của Phan sư huynh chịu thấu suốt bao nhiêu đắng cay cho mình, chịu thẩm thấu bao nhiêu nỗi nhục tủi hờn cho mình qua những tháng ngày phiêu gót lãng du và mong trở thành một lãng tử, một lữ khách của chốn nào… Hình như nơi miền viễn xứ nào đó – Phan sư huynh cũng còn nhớ về cho một thời vàng son, nhớ về cho bóng đổ sân trường, nhớ về cho những lần nắng chưa tắt hẵn, nhớ về cho những con phố nhỏ ngày xưa, nhớ về cho một đời trai phiêu bạt gót giang hồ cứ mãi lạnh lùng trôi… Miền xa xôi nơi ấy Phan sư huynh vẫn còn nhớ bóng dáng con đò đang còn lững lờ trôi trên dòng sông hiền hòa, nhớ những đêm dài còn mãi thao thức, nhớ nhiều lắm, nhất là nhớ về cho “người xưa” ấy đã bay về miền miên viễn nơi đâu. Phải nói rằng (chính tôi cũng thế) đang trong vòng tay hạnh phúc – nhưng cũng đã nhớ về cho những tháng ngày, vì “người xưa” đã biền biệt ra đi từ dạo ấy, bỏ lại dấu chân xưa bên bờ sông lạnh, bỏ lại cho ai đang nao nao cõi lòng, những mối tình đã qua đi trong đời Phan sư huynh để rồi hôm nay, ắt hẵn trên nét buồn của anh, chúng ta thấy rõ những nỗi niềm của anh đang nhìn về cõi xa xăm nào đó…

.................................................................
biền biệt người đi từ thuở đó
con sông nước vẫn miệt mài trôi
bến đò kia có ai còn nhớ?
người năm xưa đã khóc một người
bao năm ta trở về chốn cũ
ngồi bên sông chờ chuyến đò qua
cây với ta một màu ủ rủ
người có hay ta lệ nhạt nhòa

Bên sông nhớ người -- đà nẵng, tháng 11.70


Cũng một dòng sông, cũng những chuyến đò… cuộc đời của sư huynh đã từng đi qua và không hiểu có còn để lại những dấu chân? Bên chiếc cầu ngày xưa, nước vẫn trôi như cơn vô tình mãi u hoài không nói được, chúng ta thấy sư huynh đã để qua đi những giấc mơ thật bình dị, thật hiền hòa, những đứa bé chăn trâu trên những cánh đồng chiều quê êm ả còn mãi bay trong gió tiếng tiêu buồn như cuối chân trời sau dãy núi với những khúc tự tình của quê hương… còn lại Phan sư huynh với những tiếng ca còn mãi trầm buồn và não nề trong những cơn sầu để hình như nhớ về cho những chuyện tình còn mãi đong đưa, anh ngồi đây để nhớ, bên cầu còn nước chảy, nước chảy dưới chân cầu, qua đi trong đời của Phan sư huynh như phía trên kia với những áng mây còn mãi lang thang bay về chốn nào, điệu nhạc buồn của sư huynh không thể hòa lẫn với tiếng tiêu lạc phách của trẻ thơ và con trâu, dòng nước của Phan sư huynh không giống như với những cánh đồng xa thẳm chiều quê ấy, bóng hình soi của sư huynh không giống như hình hài của một em bé trên lưng trâu của ngày hôm nay… mà hình hài chân cầu – nước chảy bến sông, có một chàng trai trẻ còn đứng nhìn cho ngày em theo ai về bên ấy… chàng trai trẻ ấy còn soi bóng mình dưới dòng nước lững lờ trôi mà còn thấy đời bao nhiêu tủi hờn… chàng ta còn ngậm ngùi và chỉ thấy rằng ngày tháng hôm nay còn mãi cách xa, còn mãi lắm muôn trùng…

con sông nầy xứ người
mà ta thấy hơi giống
bên kia bờ xa thẳm
ta cũng có bến sông
ngày em đi theo chồng
qua đò, ta đứng tiễn
rồi bao ngày biền biệt
sông nước vẫn chảy hoài
mình ta bóng hình soi
giữa đời chao phận tủi
* *
ngó quanh đời túi bụi
lại gặp nhau bên nầy
em bây giờ khói mây
ta bây giờ cằn cỗi
sông chia thành hai lối
nhìn nhau chỉ ngậm ngùi
đời đã tàn cuộc vui
xứ người sông vẫn lạnh
vẫn muôn trùng xa cách
ta đầu, em cuối sông
cũng là những dòng sông
dưới chân cầu nước chảy

Chân cầu nước chảy

Từ đó, với những nỗi buồn cứ dần trôi trong những biệt khúc của Phan sư huynh, thì anh đã bắt đầu bước vào một cõi nhớ với vai người tình của nàng Tô Thị thưở nào, không hiểu để làm gì, có phải bay vào vùng sương gió, đi vào cõi lạnh thầm của một con người bị bỏ lại phía sau… Chính lúc này chàng trai trẻ nghe xung quanh mình đất đã lỡ, gối mỏi mòn, đi mãi vào bóng tối của ngậm ngùi khôn nguôi, để nghe tiếng khóc than của hồn ai đang oán trách cho ai, hình như chàng trai trẻ ấy cứ mãi đi hoài – ra đi không còn thấy ngày trở lại… để từ đó chàng trai trẻ cảm thấy mình nhẹ hẫng bay bay – đi qua một đời sương khói…. Cái khói sương chưa hẵn mịt mờ chưa hẵn khuất lấp đi lối về… bởi vì lòng anh còn tha thiết buồn, còn một đời hơn nữa kiếp hung… dung nhan có còn không ???

................................
một đời hơn nửa kiếp hung
cũng lây lất sống khốn cùng bến mê
còn đâu một chỗ đi về
cố hương chìm khuất, lòng thê thiết buồn
lòng ta đau khúc đoạn trường
mắt mờ chân mỏi khói sương mịt mù

Bay qua đời khói sương


Xứ Quảng, cái đất miền Trung khô cằn và sỏi đá, hình như bước độc hành của Phan sư huynh cũng còn có ngày trở về, trở về trong những khói bay, của mây ngàn, của gió cuốn, và của những bước chân lặng thầm, con người xứ Quảng của Phan sư huynh vẫn còn tự hào của một thời trai trẻ, thời gian cứ thấm thoát thoi đưa, cho hồn chàng bay về với chốn kinh thành cổ kính năm xưa, cũng là một trong những nơi quê hương của anh, cái xứ Quảng kiêu sa và bay bổng trong cõi lòng ai bao nhiêu, thì dấu ái của đất thần kinh cổ kính mà hiền hòa cứ còn mãi vương vấn trong lòng chàng cũng bấy nhiêu… cái xứ Quảng của chàng đã có những nét hùng anh tráng lệ bao nhiêu thì quê hương thần kinh cũng đã có những thời cuốn hút chàng trai phong sương hào hoa chừng ấy…. hai miền đất anh dũng và thơ mộng đã cuốn hút hồn ai trong những ngày còn mãi cô đơn ấy… Trong những lần về đất cố đô năm xưa của Phan sư huynh – trong tuyệt phẩm Sống với thời quá vãng mà Phan sư huynh đã kể và trải lên những nỗi niềm tâm sự… chúng ta vẫn thấy còn có bóng dáng của quý sư tỷ Ngọc Bích, Liêu, Sanh, Sách, Sâm… và còn bao nhiêu sư huynh khác như: Viêm Tịnh, Phạm Ngọc Lư, Uyên Hà, Hạ Đình Thao…. Cũng đủ cho chúng ta nhận thấy những viễn cảnh mà Phan sư huynh còn mãi những tâm tình, những con người đồng lòng và thân thiết với sư huynh vậy… Từ đó chính cái ngày hôm nay của sư huynh, chính cái hồi ức của Phan sư huynh đã cho chúng ta thấy rõ một bức họa thâm tình của những con người đã một thời chắc có lẽ đã cùng bước đi với sư huynh những bước đi độc hành như thế…. Cuộc đời, lẽ sống và dày dạn phong sương, bước đường giang hồ phiêu lãng – đã uốn nắn cho sư huynh một lẽ sống như thế…

........................................................
ta chết điếng một thời, em Thượng Tứ
bởi nụ cười, môi mỏng gái thâm cung
bởi lòng em thay từng hồi, từng chặp
mà sao ta vẫn nhớ Huế vô cùng
em nắng sớm mưa chiều mấy bận
lòng ta đau tím ruột bầm gan
chưa nhấm rượu, cũng say bí tử
mắt mờ. Ðưa con sáo sang ngang
Huế của ta ơi. Bao lần sóng gió
vẫn hiên ngang sừng sững bóng hoàng thành
em bây giờ còn đi ngang xẻ dọc?
Huế bây giờ còn đượm nét đài trang?

chút tình cho Huế

Hình như khi nhìn qua Sống với thời quá vãng của Phan sư huynh, chúng ta cũng nhận thấy đó là tất cả (phải tất cả không?) những nỗi niềm của sư huynh được giải bày và chứng minh trên những định lý cuộc đời – sỡ dĩ tôi nói đến từ “định lý” vì Phan sư huynh cũng đã chắc chắn như thế, cuộc hành trình trong sương gió của Phan sư huynh có nhiều nỗi phong ba, có nhiều nỗi u hoài, có nhiều nét buồn tưởng chừng như muôn thưở… nhưng hầu như buồn nhiều hơn vui, qua những thi phẩm có tính tuyệt tác của Phan sư huynh – đọc qua chúng ta nhận thấy tòan là những đắng cay và những nỗi niềm, bước độc hành của sư huynh như người ngư phủ đi lênh đênh trên biển vắng, như một cánh chim bay không biết mỏi và cái định hướng chân trời của Phan sư huynh hầu như chưa có được đâu là chân lý của cuộc đời… nhưng cánh chim ấy đôi khi còn ngoái cổ nhìn lại cho một kiếp người, còn nhìn về cho cõi xa xưa kia, để rồi còn vẫn thấy được cho chính mình hôm nay… Sống với thời quá vãng mà chúng ta hôm nay cùng nhau được chiêm ngắm qua một quãng đường đời của Phan sư huynh, ắt hẵn không chỉ riêng với sư huynh mà thôi mà tất cả chúng ta đều cũng là như thế… nhưng chỉ tiếc một điều là chúng ta không cùng với sư huynh đi chung một “con đường” để có dịp cùng nhau chia sẻ, cùng nhau chia sớt nỗi sầu với sư huynh, hai đường đời cứ mãi song hành và chưa gặp được nhau, nhưng lộ trình nào cũng lắm đầy nước mắt, còn mãi những tủi hờn, còn mãi những xót xa, đong đưa… Lẽ sống của sư huynh để nhớ về cho một thời quá vãng, như còn mãi nhắc nhở cho chúng ta với những ký ức u hoài, với những tháng ngày xa xưa rồi, với những nỗi niềm u uẩn… để rồi cái quá vãng của Phan sư huynh hôm nay – hình như đã vạch lên cho chúng ta thấy rằng: bước đi độc hành của Phan sư huynh cũng giống như những bước đi cô lữ của tất cả những con người của nhà mẹ SaoMai hôm nay vậy…

qua bao nhiêu cuồng phẫn
người lại bỏ ta đi
giữa cảnh đời cùng tận
ta như loài man di
ta vượt ngàn lao khổ
đuổi theo từng bước chân
khẽ chạm vào huyệt lộ
bỗng dưng người mất tăm
................................
ngựa hồ cất tiếng kêu
lã giọng nơi đất khách
huyết tận bởi vì yêu
ta gian truân thấm mệt
khoanh tay nhìn tình trôi
đứng trân người chịu chết
giữa bao la đất trời
oán than gì cũng vậy
người ở đầu chân mây
bóng đè trên thân phận
ta đang chiêu hồn ai?

Bên kia nỗi nhớ

Bây giờ ngồi lại đây để mà nhớ, để còn hồi tưởng, nhớ về cho những ngày quá vãng của Phan sư huynh – chúng ta đây cũng thế, ai ai cũng có thời quá vãng, mỗi quá vãng có nhiều cái khác của nó, quá vãng của những người con nhà mẹ hôm nay, chắc hẵn khi nhìn vào quá vãng của Phan sư huynh cũng như thế…. Đã qua đi cái chuỗi ngày còn lắm đong đưa, đã qua đi cái thưở còn lắm muộn phiền, qua đi cái ngày của mưa dầm trên phố nhỏ, của những trái banh lăn dài trên cái đất của làng Nại Hiên Tây… qua đi cái thưở hai bóng hình thơ ấu còn ngồi dưới lũy tre, qua đi rồi, qua đi tất cả rồi, giống như những hồn thơ SaoMai nhà mình đã nói: qua đi cái thưở hoài niệm đầy lưu luyến… nhưng đã tàn phai chưa? Chắc là chưa, hẵn là như thế… Để rồi ngày hôm nay, chính trong giờ phút này – Phan sư huynh và tất cả chúng ta cũng còn ngồi đây để nhớ - nhớ về cho một cõi nào… nhớ về cho những kỷ niệm nào đó mà nghe rõ cái mùi quê nhà còn mãi phảng phất… Giờ đây Phan sư huynh đã ngồi nghỉ, dừng chân bên vệ đường – cũng như tôi ngày nào mới đây thôi – cũng đã dừng chân bên vệ đường với gánh hàng rong đã mòn mỏi đi mua đầy cho mình những kỷ niệm… những hồi ức của ngày xa xưa… Hình như với Phan sư huynh, với tôi và với tất cả những bạn bè, anh em của chúng ta hôm nay cũng đã ngồi lại, nhìn nhau và để ôn cố tri tân…

cám ơn em, cám ơn đời
tình sau, nghĩa trước. Một trời bao dung
giữa bấy nhiêu cái khốn cùng
còn cho nhau chút thủy chung giữ mình

Bài thơ cho vợ hiền


Đúng thế - tất cả đã dừng chân, tất cả cùng ngồi lại để nhớ… nhớ cái thưở xa rồi với sân trường rợp nắng, của những mùa hạ qua đi trong những ánh mắt buồn… Để rồi ngày hôm nay – tất cả cùng nhìn lại với làn khói hương, với những lời nguyện cầu còn sót lại những tiếng khóc than…Cái thưở của những con đò, của những dòng sông – chiều quê với câu hò trong những cơn mưa, của những cánh diều, của những con đường… và của tất cả những kỷ niệm dấu ái thân thương của tất cả những người con nhà mẹ này vậy…

ta ngồi đếm những giọt mưa
là em chợt thả tình vừa vụt tay
tình không chỗ trú, tình bay
ta không chỗ đứng cho ngày lỡ chân
một khi em đã xa dần
thì tình như đã phù vân của đời
................................................

Tiếng vạc kêu trong sương. - Huế, tháng chạp.1970

___________________________________________

Thế là đã qua đi một thời đổ nát, qua đi một quãng đời yêu nhau và đón nhận tình phụ, như đã nói ở phần đầu – với cái nhìn về khía cạnh văn học của người viết – chúng tôi mạn phép phiếm bàn qua một nhân sinh quan nhỏ nhoi và yếu đuối, không thể thấy hết được vào cõi Tâm của Phan sư huynh, cái nhìn còn hạn hẹp và khiêm tốn, với một thiển ý còn non dại, nhưng khi được diễm phúc chiêm ngưỡng qua những tuyệt phẩm thi phú mà Phan sư huynh đã dày công vun đắp cho một đời, đó là một vinh dự cho người xem, chúng tôi với một cái nhìn không phải như các bậc trượng phu phu tử… đã có những tầm nhìn bao quát và tổng thể hơn khi được diện kiến qua những công trình của Phan sư huynh… với phận hèn tôi tớ, thì Phan sư huynh (và các bậc thầy đã nêu) là những Đại nhân của chúng tôi, chúng tôi còn phải học hỏi rất nhiều. Ở đây chúng tôi không phải là nhà bình thơ, phiếm luận văn chương, mà cái nhìn của chúng tôi là cái nhìn chiêm ngưỡng và sự học hỏi…

Trở lại với những bài trong Đổ nát của Phan sư huynh, chúng tôi nhìn lại cái nhìn của Đại huynh Nguyễn Hàn Chung cũng nhìn về cái Đổ nát của sư huynh Phan – và mở đầu Đại huynh Hàn Chung đã có nói:

Chim bỏ đàn xa xứ
ôm nỗi nhớ tàn phai

(nhân đọc tập thơ “Đứng dưới trời đổ nát” của Phan Xuân Sinh-Tạp chí Văn-2000)

Có người cho rằng mạch thơ trong Đứng dưới trời đổ nát của Sinh ít tung tẩy chữ nghĩa như một số bài thơ của anh sau này.Tôi không nghĩ thế ,đọc hết tập thơ ráng căng con mắt thấu thị nhìn vào trong vỉa từ thơ anh tôi cảm thấu trong nội hàm ẩn chứa nhiều phong vị .Trước tiên là phong vị cổ thi’’ta.Trời tây mỏi mắt-người Trời đông chau mày-hai phương mà như một –nào đâu người có hay’’(bên kia nỗi nhớ).Tứ thơ với những hình ảnh ước lệ ngựa hồ ,đất khách cố xứ ,chân mây sẽ khá cũ càng nếu anh không có những câu thơ khải truyền cho từ một tải trọng đời sống huyết tận ‘’khẽ chạm vào huyệt lộ-bỗng dưng người mất tăm’’’’bóng đè lên thân phận –ta đang chiêu hồn ai?).

Đắm mình trong nguồn mạch văn chương khí khái hào sảng ngày trước 1975 anh có những bài thơ thấm đẫm hào khí, ngôn từ trong thơ nhắm vào đối tượng với tư cách ngôn từ thông thường ít nhiều còn mang tính tượng trưng nhưng mê đồ chữ nghĩa đã biến dị hiển lộ bản sắc cá nhân với những luận chứng, luận cứ làm cơ sở của xúc cảm khẳng định lý tưởng hoài bão ôm ấp của mình (hầu chuyện cùng Ngũ Tử Tư) (một đoạn cho Kiều) (gặp lại bạn ta). Những bài thơ ngóng vọng cố hương của PXS theo tôi đã đạt tới cảnh giới thơ khả thơ phi thường thơ bởi lòng anh và hình tượng thơ đã hòa mạch vào nhau nói như lời Kim Thánh Thán ‘’chỗ mà lòng tới rồi bút bất tất phải tới nữa’’. Ta hãy nhâm nhi vài ly chữ của Sinh “nửa đêm còn vọng tiếng ai-nghe oan hồn khóc bên tai

rã rời-giật mình chỉ biết ngậm ngùi-
làm sao chia bớt với người nỗi đau’’

(bay qua đời khói sương)

Câu thơ cuối cùng kết tứ cho đọan thơ dường như vô hình trung đã vận, đã mắc vào đời anh với niềm trăn trở làm sao gánh vác bớt nỗi đau bè bạn ‘’chìm sâu ngàn trùng’’ hoặc‘’ lây lất khốn cùng bến mê’’. (Và theo như tôi biết từ khi anh còn lăn lóc chốn chợ trời cố xứ hay sau khi lăn lộn kiếm được chút của nả xứ người bao bè bạn quê nhà đã được anh cưu mang, đùm bọc mà anh giống như bậc hành giả dù viết cả một tập truyện ký mang mang hồi ức anh vẫn kín tiếng không hề thố lộ cùng ai)

Một số bài thơ trong ba tập thơ của anh nói như lời nhà thơ Trần Doãn Nho trong bài Vài suy nghĩ về ‘’Sống với thời quá vãng’’ của Phan Xuân Sinh ‘’đã đi vào lòng độc giả với cái chất hiện thực chan hòa trong lối lý sự rất riêng ‘’cái lối lý sự giận dỗi lửa rơm mà hầu như bất cứ ông nhà thơ Quảng Nam kim cổ nào không mắc cũng là mang:‘’muốn may miệng những thằng láu cá-Bợ đỡ tung hô kẻ bất tài‘’ ‘’khàn hơi chỉ mặt đứa gian manh-bán đứng anh em chơi trò lừa lọc-núp sau lưng đoạt cuộc tranh giành’’ Giận phường bội bạc, ngòi bút anh tung hoành rót về tứ phương để trút cơn phẫn hận chứ ngoài đời anh rất hiền, bạn bè chỉ thấy một PXS chưa hề nặng lời với ai kể cả những kẻ không ra gì…

Những bài thơ viết về vợ của anh rất chân thật và cảm động bởi nó không màu mè dối trá như một số nhà thơ khác. Hơn ai hết anh cảm thấu người bạn đời là người ‘’cắn răng chịu đời khổ tận –u uất trong lòng-đắng cay chồng chất’’ để ông nhà thơ tự thú ‘’hư thân, bạt mạng, cuồng ngông, hoang đàng’’ lao tâm khổ tứ chơi cái trò phụng hiến con chữ mà con chữ hỡi ơi vĩnh viễn hay phù du nào ai biết ai hay. Mảng thơ viết về bạn của anh dàn trải trong nhiều bài thơ ‘’chén rượu tạ lòng bạn hiền-gặp lại bạn ta-nói chuyện với bạn hiền …’’thật sự bộc tỏ lòng anh với bạn’’ta gióng chuông kêu lên tức tưởi-những oan hồn vất vưởng đâu đây-âm dương .cùng ngồi chung manh chiếu-bạn, thù, chia nhau chén rượu đầy.. (nói chuyện với những bạn hiền)

Thơ PXS đặc dị ở chỗ có những câu anh viết rất trụi trần không câu nệ ngôn ngữ toàn dân hay khẩu ngữ nhưng vẫn có tính hàm súc cao, từng câu đều có tính độc lập nội tại, nhiều câu có chiều hướng hướng tới tính chất và cấu trúc của những cách ngôn (hầu chuyện cùng Ngũ Tử Tư) (đêm nằm nhớ Ức Trai) (nói chuyện với những người sinh vào thiên kỷ mới).

Đứng dưới trời đổ nát của PXS dù vẫn chưa thoát ra mô tip thơ ngất ngây hào khí vang bóng của lớp trai thời loạn một thời nhưng trong thơ anh trời đổ nát đã tái sinh với những hình tượng huyễn tưởng đan cài. Đọc thơ anh không chỉ những tên đồng thị thiên nhai luân lạc nhân, suốt đời vật vã- chạy vòng quanh kiếm tìm trên bước đời lưu lãng chúng ta hắt hiu lòng vọng nhớ những Giếng Bộng, Đò Xu cũ càng, một Cầu Vồng dốc ngược, bến phà Hà Thân đã chết mà những bè bạn quê nhà những kẻ đầu non cuối chợ, búa rìu bổ lên đầu lên cổ cũng tìm trong bóng chữ trong thơ PXS một chút bóng dáng an ủi trong những năm tháng cuối đời.

Cái tài tình của nhà thơ Phan Xuân Sinh trong tập thơ Đứng dưới trời đổ nát là tuy vẫn bám vào các thể loại cấu trúc của truyền thống cũ nhưng lại nhằm vào những tầng sâu hơn của truyền thống để can dự vào các đề tài vĩnh cữu: tình yêu, quê hương, cái chết, nỗi đau, niềm tin, chiến bại… Và một điều đáng để những ai yêu quý thơ PXS lưu tâm là bất cứ dự cảm nào trong hình tượng thơ anh cũng bộc tỏ phong cách rất riêng của người nghệ sĩ không lẫn vào bất cứ nhà thơ hải ngoại nào. Phải chăng đây chính là bản lai chân diện mục của hồn thơ Phan Xuân Sinh!..

Viết tại Lầu Cây khế -Houston Texas
Tháng 10/2009
_______________________________________

Đó là cái nhìn của Đại huynh Hàn Chung, một trong những cái nhìn sâu thẳm khi đi vào hồn thơ của Phan sư huynh, một cái nhìn tổng thể và bao quát như đã thấy rõ được tận đáy tâm hồn của Phan sư huynh là thế, khác với cái nhìn của tôi hôm nay, còn non yếu và cảm nhận chỉ một thoáng hồn nhiên trong lĩnh vực văn học nhỏ nhoi… Dẫu sao thì chúng ta – những con người của nhà mẹ SaoMai hôm nay cũng còn được vinh dự có một bậc đàn anh như Phan sư huynh để từ đó… chúng ta có một chỗ dựa, còn một bóng che cho cái nghiệp cầm bút của mỗi chính mình hôm nay… Đăng đàn khungtroisaomai hoặc của saomaidanang vẫn là thế - cũng mang hình bóng của một ngôi trường, một mái nhà chung mà thôi, nhưng ngày hôm nay Phan sư huynh đến với chúng ta trong tình thân ái bao la và rộng mở… Với tất cả những người học sinh ngày ấy cho dù là KTSM hoặc SMDN thì cũng chỉ là một mà thôi… Với tất cả những tâm tình sâu lắng nhất của người cầm bút với cái Tâm của mình – thì chúng ta chỉ biết là “những học trò SaoMai ngày ấy”…

Nguyễn Ngọc Hải
Một thoáng mơ về PhanXuanSinh – 2010

Một thoáng mơ về PhanXuanSinh...  CIMG1736
Logo SaoMai - do NNH tự tạo theo ý tưởng của mình - và được chưng tại gia....









Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
Một thoáng mơ về PhanXuanSinh...
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
»  Một thoáng hồn hoang.
» Một thoáng dư âm... (LTQĐ 2012)
» Một Thoáng Miền Trung
» DaoLamNguyenNga – Vẫn chút  thoáng hương xưa…
» Bâng khuâng một thoáng cõi hồn mong manh

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: VĂN - THƠ :: VĂN TRUYỆN SÁNG TÁC-
Chuyển đến