Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Việc phê bình văn học...

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Việc phê bình văn học... Empty
Bài gửiTiêu đề: Việc phê bình văn học...   Việc phê bình văn học... EmptyThu May 26, 2011 12:34 pm

Phê bình văn học trên báo:
Tranh cãi không hồi kết
________________________________________
Buổi tọa đàm "Phê bình văn học trên báo: Lý tính và cảm tính" ở TP HCM nêu ra quá nhiều vấn đề, khiến cả chủ tọa lẫn người dự thính loay hoay, không đi được đến hồi kết. Đạo diễn Lê Hoàng, MC buổi cà phê sách này, phải lên tiếng: “Chúng ta cần chấm dứt thôi vì có nói nữa thì cũng thế!"

> Phê bình - cuộc khủng hoảng vĩnh viễn?

Đêm qua, lầu 1 quán cà phê Zenta, nơi diễn ra buổi tọa đàm văn học do Hội đồng Anh tổ chức thu hút đông đảo giới nghiên cứu, HS - SV, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo... tham dự.

3 chủ tọa của chương trình: Nhà thơ Inrasara, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, và nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, cùng MC Lê Hoàng khá vất vả để dẫn dắt một cuộc thảo luận mà đôi khi những ý kiến lúc "choảng" nhau, lúc lại đi quá xa chủ đề chính.

Hàng loạt vấn đề về phê bình văn học được đặt ra nhưng chưa được hiểu và giải quyết rốt ráo: Nhà phê bình viết theo đơn đặt hàng hay viết về vấn đề mà họ thấy thích? Sự khác nhau giữa phê bình văn học trên báo viết và báo mạng? Tờ báo nào phê bình văn học tốt nhất hiện nay? Vai trò của phê bình văn học? Sự khác nhau giữa phê bình văn học và điểm sách là gì?

eVăn xin trích đăng một số ý kiến:

Đạo diễn Lê Hoàng: "Phê bình văn học trên báo hiện nay quá kém!"

Tôi là dân ngoại đạo với văn chương, nhưng cũng có thể được tạm gọi là nhà báo. Tôi thấy phê bình văn học trên báo chí hiện nay là kém. Điều này phản ánh một nền văn học chưa phát triển. Vì, báo chí có chức năng phản ánh cái của ngày hôm nay.

Do đó, văn học nên nhìn lại mình. Không thể đòi hỏi một tờ báo dành cho phê bình văn học một diện tích lớn hơn sự quan tâm của công chúng dành cho nó.

Nhạc sĩ Dương Thụ: "Tôi ngày càng chán đọc chỉ vì những bài phê bình trên báo"

Đây là một đề tài tranh luận rất kịp thời và đúng lúc. Thiếu lý tính, thiếu sự thận trọng, và nghiêm túc chính là những nguyên nhân cản trở nền phê bình văn học của chúng ta.

Nhạc sĩ Dương Thụ tại buổi tọa đàm.

Ngày trước, đối tượng độc giả chưa đa dạng, ví dụ, chỉ một tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc thì có thể từ già đến trẻ đều yêu thích. Còn ngày nay, bạn đọc phân hóa rất rõ nét và đa dạng. Mà chúng ta thì lại chưa có nhiều cây viết phục vụ tất cả các đối tượng độc giả này. Do đó, cả người sáng tác và nhà phê bình đều cần phải hiểu tìm hiểu nhiều hơn về bạn đọc của mình.

Với tư cách một độc giả của sách văn học, tôi rất sợ sự khoa trương, sợ những cuốn sách gây choáng và sốc về từ ngữ. Càng ngày tôi càng chán đọc vì chúng ta viết phê bình kêu quá, nói kêu quá, nhưng bên trong tác phẩm thì lại trống rỗng. Tác phẩm rất khó đọc. Nhiều người chạy theo lối viết mà họ gọi là "tân kỳ", được người viết điểm sách hưởng ứng nhưng đọc xong tôi thấy kinh khủng và rối rắm lắm.

Trường hợp cây bút Đỗ Hoàng Diệu chẳng hạn. Các báo đua nhau viết phê bình, làm mọi người cuống cuồng tìm đọc. Tôi cũng tìm đọc, đọc rồi thấy không phải đúng như các nhà phê bình đã viết. Điều khiến tôi kinh ngạc là toàn những cây bút phê bình nổi tiếng đấy chứ.

Nguyễn Thanh Sơn: "Tôi viết phê bình chỉ vì tôi thích, không vì bất cứ áp lực nào cả"

Tôi đang tự gọi mình là một "nhà phê bình đang đông cứng". Trong hai năm vừa rồi tôi không viết gì. Tôi vừa chuyển vào Sài Gòn hơn 2 tháng nay để tìm dịp "giải đông" bản thân.

Theo tôi, phê bình văn học trên báo chí phải có tính thời sự; phải có tính đối thoại, thúc đẩy thảo luận và tranh luận. Tránh vừa dấy vấn đề lên đã tắt ngúm. Và cả lý tính, cảm tính lẫn trực tính phải hòa hợp với nhau trong công việc phê bình văn học.

Người viết phê bình văn học hôm nay khoác trên mình họ quá nhiều "chiếc áo". Hiện nay có rất ít nhà phê bình văn học thực sự trên báo chí. Vì vậy, tìm ra được vai trò của phê bình văn học là rất khó. Vẫn còn hiện tượng phê bình "trèo lên tháp ngà" chứ chưa viết cho người ta thấy thích thú khi đọc tác phẩm, hay làm "giàu" thêm cuộc sống của mọi người.

Tôi đến với công việc phê bình vì tôi thích viết về những cuốn sách tôi cho là hay. Tôi muốn chia sẻ niềm yêu thích đó đến với mọi người. Khi tôi viết phê bình, tôi chưa bao giờ chịu áp lực từ bất cứ ai.
(Theo evan)
______________________________________________

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
Tại sao chúng ta không có những nhà phê bình xuất sắc? [/b]

PV: Theo anh, vì sao chúng ta có ít các nhà phê bình văn học nghệ thuật thực sự có tầm hay có vai trò ảnh hưởng đến tác phẩm, đến thị hiếu của công chúng, phần nhiều chỉ là phê bình chung chung hoặc của các nhà không chuyên, phê ít và bình một ít trên báo?(Hay là chuyện dân mình không thích nói thẳng nói thật. Trần Đăng Khoa là một ví dụ khi “Chân dung và đối thoại” khi xuất hiện đã bị phê phán kịch liệt.)

Nguyễn Trọng Tạo: Phê bình không đơn thuần là khen hay chê, mà phải lý giải cho thuyết phục cái sự khen chê đó. Muốn thế, nhà phê bình phải có đủ tri thức để thấu hiểu bản chất văn học/nghệ thuật là gì. Không hiểu thơ là gì thì sự bình luận thơ sẽ trở thành “bình loạn”. Cho nên nói nhà phê bình có tầm hay không có tầm phải truy từ căn nguyên tri thức của anh ta trước đã, sau đó mới xem đến cái tài phê bình của anh ta. Một nhà phê bình lớn bao giờ họ cũng chỉ ra cái căn cốt của tác phẩm mà họ tiếp cận, hơn thế nữa, họ có thể tiên đoán một cách khoa học về cả hướng đi của nó. Những nhà phê bình như thế ở ta thật hiếm như lá mùa thu. Bởi căn bệnh đãi bôi, căn bệnh dối trá, căn bệnh cơ hội, căn bệnh ngộ nhận... nó ăn sâu vào xương tuỷ mất rồi. Thế mới có cái phong trào khen khen chê chê trong phê bình như vậy đó. Nhưng cái điều quan trọng nhất là ta không học và không làm một cái gì đó cho đến nơi đến chốn. Vì vậy mới sinh ra cái kiểu lẩn trốn khi tranh luận. Cả vú lấp miệng em cũng là một cách lẩn trốn sự thật.

Anh thấy thế nào trước đánh giá: Văn học nghệ thuật đi xuống-lỗi một phần của các nhà phê bình đã né tránh (cẩu thả) trước nhiều hiện tượng, sự việc.

Văn học nghệ thuật bao giờ cũng cần người thưởng thức. Có thưởng thức thì nó mới tồn tại. Nhà phê bình chính là người thưởng thức cao cấp. Thiếu đối tượng thưởng thức cao cấp, thì nó hạn chế sự phát triển của VHNT, thậm chí nó mài mòn hứng thú của những kẻ sáng tạo. Thơ Mới (1932-1945) là một cuộc cách mạng ngôn ngữ, nhưng nếu không có nhà phê bình - thưởng thức Hoài Thanh, liệu nó có được đón nhận đến thế hay không? Văn học ta không phải đang đi xuống (so với tầm nào đã có?), nhưng nhìn nó có vẻ nhợt nhạt chẳng qua là vì phê bình trên công luận nhợt nhạt, nên dễ có cảm giác thế thôi. Ngồi đọc kỹ cái này hay cái kia, có lúc ta thấy nó cũng được đấy chứ.

Đào tạo các nhà phê bình đang gặp nhiều khó khăn: kiến thức lý luận, học bài bản tại các nước phát triển không được phổ biến. Đào tạo trong nước hời hợt. Chủ yếu các “nhà phê bình” hiện nay trên báo chí lại là các nhà báo-kiến thức hay quá trình nghiên cứu không sâu nên phần nào đó đã góp phần tạo ra những bất ổn trên lĩnh vực phê bình. Theo anh, cần phải một đội ngũ được đào tạo từ các nước trên thế giới về VN, hay là điều gì khác để có thể thay đổi tình trạng này?
Đào tạo nhà phê bình thì nhà trường chỉ làm được công việc hệ thống và chuyển tải kinh nghiệm VHNT. Điều tiếp theo là nhà phê bình tự “đào tạo” cho mình. Cái cuộc tự đào tạo này theo tôi, còn gian khổ và sâu xa hơn phần được đào tạo ở trường. Khi chúng ta nói “học thế giới”, tức là chúng ta muốn có tri thức của thế giới. Nếu hiểu được tri thức VHNT thế giới, thì nhà phê bình đã trang bị được một phần căn bản rồi. Tôi thấy Tây hay Mỹ họ đã làm nghề là họ phải hướng tới tính chuyên nghiệp, đẳng cấp...

Nhà phê bình_TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nói: Đừng chê không có các nhà phê bình. Chưa có tác phẩm hay, đỉnh cao. Nếu có các nhà phê bình sẵn sàng vào cuộc và lúc đó sẽ thấy các nhà phê bình. Anh đồng ý hây có ý kiến khác?

Không phê bình thì làm sao biết cái nào hay, cái nào đỉnh cao? Phải tìm thấy cái hay trong một rừng cái dở, cái tầm tầm. Thậm chí nếu không thấy cái gì cả thì phải kêu lên, phải rung chuông đánh thức u mê của bọn tác giả tác gia tác chế chứ. Còn khi đã thấy nó là đỉnh cao rồi mới lao vào thì có khác gì loại ăn theo nói leo nhan nhản hết đời này qua đời khác...

Hoặc là, các nhà phê bình hiện đang đi chệch hướng, không bàn vào các khuynh hướng sáng tác, tìm tòi các tác phẩm mới mà xung vào nhiều cuộc tranh luận bên ngoài văn chương?

Khi họ trốn khỏi mục đích của VHNT để thí mạng nhau bên ngoài văn chương, tức là họ đã từ bỏ văn hoá tranh luận. Cái tính xấu của người Việt lúc đó như gen trội, và nó làm cho công chúng cũng xấu hổ lây. Như thế không chỉ thiệt cho các nhà phê bình, mà có khi còn làm cho văn chương nghệ thuật bị khinh rẻ...

Với anh, anh có đánh giá cao những gương mặt nhà phê bình nào? Chúng ta có cây bút phê bình nào đủ sức hút cũng như uy tín và độ tin cậy với độc giả, giới nhà văn?

Tôi đọc nhiều lần cuốn Tuỳ Viên Thi Thoại của Viên Mai, tôi thấy ông này thật là uyên thâm, điềm đạm, khúc chiết và lớn tâm. Có lúc tôi cứ ước ông này là người Việt Nam. Nhưng người Việt ta cũng lắm nhà phê bình mắt xanh đấy chứ. Hoài Thanh. Vũ Ngọc Phan. Thời chúng tôi cũng có những tên tuổi khá quen thuộc: Hoàng Ngọc Hiến, Lê Ngọc Trà, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Đỗ lai Thuý,... Mấy chục năm qua tôi khá thích cuốn Ngôn Ngữ Thơ của Nguyễn Phan Cảnh và cuốn Giọng Điệu Thơ của Nguyễn Đăng Điệp... Còn Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Hoà, tôi nghĩ họ cãi nhau được!

Trong bối cảnh văn chương hiện nay, theo anh, cần những đièu kiện gì để có thể tạo ra những nhà phê bình xuất sắc?

NTT: (Cười)
PV: Cám ơn ông.
HẰNG NGA thực hiện_________________________________________

NNH - Sk...




Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
Việc phê bình văn học...
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhân ngày hòa bình thế giới 2012: Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình
» Đọc "Chân Quê" của Nguyễn Bính
» Việc ăn uống ở người suy thận.
» Công trình Bar "Gió và Nước" (Bình Dương)
» Ý nghĩa của việc gõ mõ trong đạo Phật?

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: VĂN - THƠ :: SƯU TẦM SƯU KHẢO-
Chuyển đến