Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay Empty
Bài gửiTiêu đề: Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay   Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay EmptySat Mar 03, 2012 5:16 pm

Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Từ xưa, ông bà ta đã nhận thức được rằng giao tiếp là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người để tương tác với nhau trong đời sống. Cách thức trao đổi, nói chuyện với người khác chính là cách để người ta xây dựng mối quan hệ với những người quanh mình, trong môi trường sống của mình. Cuộc sống mỗi người được hạnh phúc, bình an hay không, không phải nằm ở chỗ tiền bạc hay chức quyền, địa vị trong xã hội mà phụ thuộc vào cách họ quan hệ với tha nhân, cách cư xử và giao tiếp. Làm sao để người khác lắng nghe và quan trọng hơn là họ chấp nhận và thực hiện theo điều mình nói, đòi hỏi kỹ năng nói chuyện và rộng hơn là kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay Ths.%20Pham%20Thi%20Thuy

Nhận thấy đây là một nhu cầu cần thiết đối với các bạn sinh viên cũng như với những ai muốn thăng tiến trong đời sống và nghề nghiệp, chiều thứ Bảy 18/02/2012, Chương Trình Chuyên Đề của Ban Mục Gia Đình TGP. Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “KỸ NĂNG NÓI CHUYỆN TRƯỚC CÔNG CHÚNG” (2) do Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên huấn luyện phương pháp sư phạm và đào tạo nhân sự trình bày tại Trung tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận.

Trong bài nói chuyện trước, diễn giả đã chia sẻ những điều căn bản nhất trong thuyết trình. Trong buổi nói chuyện này, cô chia sẻ những bí quyết, những kinh nghiệm cá nhân, những kiến thức học được từ các chuyên gia và tận tình hướng dẫn học viên thực hành làm sao để có được buổi thuyết trình hay. Qua phần chia sẻ này, cô hy vọng rằng ai cũng có thể thấy mình có khả năng thuyết trình.

Ai có thể tự tin mình có khả năng thuyết trình và thuyết trình hay? Phải chăng thuyết trình là một khả năng bẩm sinh? Thực sự thuyết trình không phải là một khả năng bẩm sinh và cũng không phải là khả năng di truyền. Kỹ năng thuyết trình là kỹ năng hoàn toàn có thể học được. Cần phải học kỹ năng này từ nhiều nguồn khác nhau: sách vở, báo chí, giáo viên, người xung quanh, bạn bè, đồng nghiệp… nhưng cần phải khẳng định rằng phong cách thuyết trình là của chính mình, một yếu tố quan trọng làm cho buổi thuyết trình thành công.

Muốn thuyết trình hay, phải luôn luôn nhớ rằng: “Thuyết trình là một cuộc đàm thoại dài”. Đó là một cuộc đàm thoại mà mọi người đều có cơ hội nói, cơ hội thực hành, hỏi đáp để cùng nhau chia sẻ, chiêm nghiệm, thực hiện những điều đang trao đổi, dù nói về bất kỳ đề tài nào. Nếu diễn giả nói một cách cường điệu, chỉ để cho hết nội dung, độc thoại từ đầu đến cuối thì đó không phải là một buổi thuyết trình thành công, dù diễn giả nói nghe hay đến mấy. Theo các chuyên gia Đức, trong một buổi giảng, nếu như giáo viên nói quá hai phần ba thời gian xem như buổi đó thất bại. Mỗi giáo viên chỉ được nói 1/3 giờ giảng, 2/3 giờ còn lại phải cho học viên được nói, thực hành, để có sự giao lưu với người nghe.

Diễn giả nói hay, khán giả nghe nhiều, nhưng điều quan trọng là hiệu quả sau đó người nghe được gì, họ có ứng dụng được không, đó mới là vấn đề cần quan tâm. Để người nghe thấm được những gì diễn giả truyền thụ thì diễn giả phải bớt nói, nói nhiều quá khán giả không tiếp thu hết, làm cho buổi thuyết trình không mang lại hiệu quả.

Để buổi diễn thuyết được thành công hay nói chuyện với bất kỳ ai, trong hoàn cảnh nào, người nói cần rèn luyện để có được 3 yếu tố cốt yếu:

Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay Bi%20quyet%20Thuyet%20Trinh

Tự tin: Nếu không tự tin thì không dám đứng lên nói, và không nói được trước công chúng. Tự tin là tin vào bản thân mình, tôi là tôi, là một cá thể độc lập, từ đó nói điều mình nghĩ, chia sẻ vấn đề cần truyền đạt bằng phong cách riêng của mình.

Tự nhiên: Đây là mức độ trên cả tự tin, người tự tin chưa chắc đã tự nhiên nhưng người tự nhiên chắc chắc đã tự tin. Khi tự nhiên người ta bộc lộ con người mình một cách chân thật: không gượng ép, không hình thức, không đóng kịch, không giả vờ là ai đó, không bắt chước mà chân thật, chân thành trước mọi người. Tự nhiên là thể hiện chính mình, bộc lộ tính cách một cách thoải mái trước mọi người, tự nhiên trong lời nói, hành vi, cử chỉ, trong cách giao lưu với mọi người. Khi đó, người thuyết trình xem người nghe như là bạn bè, người thân, như người nhà của mình, và chia sẻ quan điểm một cách cởi mở đồng thời mong người đối diện cũng cởi mở lắng nghe. Có được sự tự nhiên hay không phụ thuộc nhiều vào khả năng bộc lộ được chính mình hay không, qua cá tính của bản thân người nói truyền vào bài thuyết trình nhằm gây hấp dẫn người nghe bằng sự khác biệt của bài thuyết trình.

Tự chủ: Đây là sự tự chủ về mặt cảm xúc, nghĩa là phải kiểm soát được cảm xúc chính mình, chứ không chỉ kiểm soát tình thế. Nếu đã tự tin, tự nhiên thì tự chủ rất dễ đạt được, cảm xúc không bị gò ép bởi điều gì, người nói sống với bài thuyết trình của mình, với điều mình đang nói, lên bổng hay xuống trầm là do cảm xúc tuôn trào chứ không do cố gò ép.

Trong ba yếu tố trên, quan trọng nhất vẫn là đạt được sự tự nhiên, nó sẽ chi phối hai yếu tố còn lại. Tự nhiên là kết quả của một quá trình tập luyện, dù tự nhiên chính là sự bộc lộ con người, nó không đơn giản chỉ là sống thật theo ý mình mà phải rèn luyện cách thức bộc lộ. Bởi vì, khi tập luyện nhiều thì nụ cười, lời nói, dáng đi, cử chỉ… mới trở nên thuần thục, trở thành thói quen.

Cách nói quan trọng hơn nội dung nói, để có được sự tự nhiên, cử chỉ khi nói quan trọng hơn lời nói. Cử chỉ thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể, trong đó tập trung ở gương mặt, nhất là ánh mắt, nụ cười. Gương mặt sẽ thể hiện rõ ta đang tự nhiên, tự tin hay đang lo lắng, giả tạo. Ngoài sự biểu hiện của gương mặt, những yếu tố hình thể khác cũng không kém phần quan trọng là cách di chuyển cánh tay, dáng đi, trang phục, tư thế đứng.

Cánh tay là bộ phận hỗ trợ cho việc thuyết trình, vung tay, giơ tay hay nắm tay đều là biểu hiện của cảm xúc. Do đó, động tác tay phải tự nhiên, không bắt chước theo một kiểu mẫu nào, hãy cứ diễn tả theo những đều mình nói.

Dáng đi: Đứng yên một chỗ sẽ tạo sự cứng nhắc, nên thư thái và di chuyển hợp lý trong khán phòng, không đi quá nhanh hay quá chậm, nếu vừa đi vừa nói thì phải rất thong dong.

Trang phục: Trang phục thanh lịch và luôn đẹp hơn khán giả một chút, đừng đẹp quá sẽ tạo nên khoảng cách tâm lý với người nghe, không bộc lộ được sự cởi mở của người nói.

Tư thế đứng: Dáng chuẩn là đứng thẳng, chân, đầu và lưng phải thẳng, hai chân dang rộng vừa phải, cánh tay thả lỏng, hoàn toàn thoải mái, không gò bó.

Trong quá trình tập luyện, cần quay phim lại, để sau đó xem và sửa dần những cử chỉ xấu, cũng có thể tập trước gương để thấy được biểu hiện hình thể của mình. Cần tránh những hành động vô thức như quẹt mũi, vân vê tà áo, đút tay vào túi quần...

Để bộc lộ sự tự nhiên đồng thời tạo thiện cảm với người nghe, dù nói trước đối tượng nào cần có thái độ tôn trọng. Tôn trọng cử tọa sẽ cho phép người thuyết trình lắng nghe họ, đảm bảo buổi thuyết trình trở thành một cuộc đàm thoại dài, diễn giả là người chia sẻ chính và cử tọa cũng có cơ hội chia sẻ.

Trong thuyết trình, sức mạnh của thông điệp mà người nói muốn truyền đạt đến cử tọa có thể tóm kết theo công thức 7 - 38 - 55, thể hiện ở ngôn từ, giọng nói và hình ảnh:

Ngôn từ chỉ chiếm 7% thông điệp mà diễn giả muốn nói với cử tọa vì họ muốn lắng nghe thông điệp chứ không lắng nghe thông tin.

Giọng nói chiếm 38% thông điệp cần truyền đạt, để có được giọng nói hay cần nói rõ ràng, mạch lạc, truyền cảm, chân tình, thân ái. Giọng nói ảnh hưởng đến việc khán giả có muốn nghe điều người nói muốn đề cập đến hay không. Cần tập nói trước micro để chỉnh giọng.

Hình ảnh chiếm 55% sức mạnh điều cần truyền đạt. Thông thường diễn giả bị người nghe đánh giá, quan sát trước khi bước lên bục, trước khi cất giọng nói. Nhưng hình ảnh không chỉ đơn giản là hình thức bên ngoài, cử chỉ, điệu bộ, quần áo. Điều quan trọng nhất của hình ảnh chính là cái hồn toát ra từ bên trong người nói và nó chính là nhân cách, là phẩm chất, là tất cả mọi thứ liên quan đến con người: tính tình, sở thích, năng lực, hành vi, cách sống. Đó chính là con người bên trong của mình bộc lộ ra ngoài khi ta diễn thuyết. Hình ảnh này không phải tự nhiên mà có mà do quá trình xã hội hóa, một quá trình rèn luyện từ nhỏ đến lớn, đó là cả một quá trình các tương tác với người khác để hình thành nên nhân cách của mỗi người.

Sau những chia sẻ quý báu về kinh nghiệm và kiến thức để mọi người có thể tự tin, tự nhiên và tự chủ trong thuyết trình, cô Thúy đã nhiệt tình giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của cử tọa để từ đó có thể tập luyện cho công việc thuyết trình hay hơn, tốt hơn:

Hỏi: Xin cô cho biết rõ khái niệm thông điệp?

Đáp: Cần nhận thức rõ ràng rằng thông điệp khác thông tin, thông điệp là điều mà người ta thực sự muốn nói, là điều đằng sau câu nói, thông điệp thật sự bộc lộ qua giọng nói và qua hình ảnh, chứ không chỉ là ngôn từ.

Hỏi: Xin cô cho biết cách xử lý câu hỏi?

Đáp: Có rất nhiều dạng câu hỏi, muốn xử lý câu hỏi tốt cần thực sự lắng nghe câu hỏi, thấu hiểu câu hỏi để tránh trường hợp hỏi một đằng, trả lời một nẻo. Kế đến, cần trả lời tuần tự, không nên trả lời quá dài và hãy hoan nghênh những câu hỏi hay. Với câu hỏi hóc búa, câu hỏi khó, câu hỏi xoáy, cần phát huy tính tự chủ vì có những câu hỏi, người hỏi chủ yếu làm khó chứ không phải thực sự cần câu trả lời. Phải giữ bình tĩnh và biết chuyển khéo léo như: “Hiện tôi chưa trả lời được, xin được tra cứu để trả lời sau, xin lại địa chỉ, điện thoại để liên lạc”; “Tôi cần suy nghĩ một chút, tôi sẽ trở lại câu hỏi này vào cuối buổi”. Không phải người ta hỏi là mình có trách nhiệm trả lời ngay. Khi cư xử lịch sự với khán giả thì họ không hỏi khó, tự tin, tự nhiên là một trong những rào cản ngăn không cho người khác phá quấy, làm hỏng buổi thuyết trình của mình.

Hỏi: Xin cô cho biết tập thuyết trình như thế nào?

Đáp: Hãy tập trước gương, tập trong phòng kín, nói một mình, tập với nhóm bạn hoặc tận dụng nhiều cơ hội giao tiếp khác nhau để nói. Thường thuyết trình trước khán phòng chỉ là những thuyết trình chính thức, thuyết trình phi chính thức thì rất nhiều: thuyết trình trước gia đình, nhóm bạn, cuộc vui, đám cưới, đám tiệc.

Hỏi: Xin cô cho biết phương pháp kiểm soát sự lo sợ trước khi thuyết trình?

Đáp: Bất kỳ ai cũng lo sợ khi thuyết trình, đây là điều bình thường, chỉ cần vượt qua được lúc lo sợ thì sẽ can đảm. “Tôi sẽ làm được, tôi tự tin”, chỉ cần vài giây kiên định, đừng bỏ cuộc, đừng chạy trốn, đứng lại nói tiếp, thế là bình tĩnh. Hãy kiên nhẫn, tỏ ra tự tin khi bạn chưa tự tin, rồi sẽ tự tin. Điều quan trọng nhất là phải nắm vững nội dung, không lo sợ không kiểm soát được nội dung. Phải tập luyện thật kỹ để nhớ mọi thứ cần phải nói, nói cái gì, vào lúc nào, trình chiếu cái gì.

Hỏi: Xin cô cho biết làm thế nào để lái người nghe khi họ không muốn nghe?

Đáp: Cần tự tin, tự nhiên, tự chủ. Làm được như vậy thì bài thuyết trình đủ hấp dẫn nên khả năng khán giả không nghe rất ít, nhưng có khi vấn đề mình nói rất say sưa nhưng không phải là vấn đề người nghe cần quan tâm. Điều này liên quan đến việc chuẩn bị, phải chuẩn bị kỹ nội dung để thành công theo nguyên tắc tư duy 5W+1H: Who (ai), What (cái gì), Where (ở đâu), Why (tại sao), When (khi nào), How (thế nào). Cần nắm bắt được chính xác mong đợi của người nghe là gì để lọc thông tin nhằm nói điều họ quan tâm.

Để hỗ trợ cho các tác giả thi thuyết trình ở Vòng Chung Kết của các cuộc thi do Chương Trình Chuyên Đề tổ chức, trong phần tiếp theo của buổi nói chuyện, Ban Tổ Chức đã ưu tiên cho các tác giả đã gửi bài dự thi cuộc thi “Viết Về Mẹ” & “Viết Về Cha” được thực tập thuyết trình mỗi người 5 phút về một chủ đề mà mình tâm đắc. Mỗi người lên thuyết trình được quay phim lại và khi thuyết trình xong, người thuyết trình cùng khán giả sẽ xem lại để quan sát nhằm phát hiện ưu điểm và điều cần cải thiện trong phong cách, giọng nói, yếu tố hình thể của người nói và cô Thúy tóm kết, góp ý về phong cách thuyết trình của mỗi người để họ rút kinh nghiệm. Để không khí không đơn điệu và không để thời gian chết khi bộ phận kỹ thuật chép file và cắt video, cô Thúy đã linh động mời gọi khán giả hát hoặc diễn trò, đó cũng là một cách để khán giả thể hiện khả năng của mình trước đám đông.

Cuối buổi chia sẻ, cô Thúy đã chốt lại những gì quan trọng nhất. Cô khuyên muốn thuyết trình hay cần tự tập với chính mình trước gương, trong những nhóm bạn khác nhau, cô tin rằng mọi người hoàn toàn có thể thuyết trình được. Cô nhấn mạnh mọi người có thể học kỹ năng ở mọi nơi, nhưng phong cách phải là của mình, nó vốn có sẵn, là nhân cách của chính mình, hãy mang nó theo mỗi khi thuyết trình. Mỗi khi thuyết trình cần nhớ rằng cả con người mình đang đứng trước người khác, và hãy bộc lộ thật tự nhiên, tự tin và tự chủ bằng cách nói chân thành nhất và nói những điều người ta mong đợi nghe nhất, chắc chắn sẽ thành công.

Bài của Tạ Ân Phúc
NNH ghi nhận và tổng hợp
Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
 
Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Kinh nghiệm về kỹ năng thuyết trình đạt hiệu quả...
» Tường trình buổi Họp mặt SaoMai 2016 tại Saigon.
» Bài Thuyết trình của Đức Cha Bùi Văn Đọc...
» Bài Thuyết trình của NNH.
» Hội thánh giáo huấn thông qua các hành động, không phải chỉ là những bài giảng lý thuyết

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: NGHỆ THUẬT - KIẾN THỨC :: HỌC NỮA HỌC MÃI-
Chuyển đến