Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim.

Go down 
Tác giảThông điệp
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim. Empty
Bài gửiTiêu đề: Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim.   Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim. EmptySat Apr 30, 2011 12:30 am

Hữu Loan -
và thi phẩm bất hủ: Màu tím hoa sim...


Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim. 50c34a0e66174927a66e7e4d9447962c

Hơn một năm sau ngày Hữu Loan chuyển nhượng quyền sử dụng bài thơ Màu tím hoa sim cho Công ty điện tử Vitek, tôi quay lại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) và có cuộc trò chuyện với lão nhà thơ vừa bước sang tuổi 87.
Cuộc đời ông trải qua quá nhiều thăng trầm. Tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, là Ủy viên Thông tin tuyên truyền của Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hoá, sau đó về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam... Nhưng rồi sau thời kỳ "nhân văn giai phẩm", ông đã về sống ẩn đến tận bây giờ.
Nhà thơ Hữu Loan cho biết, kể từ sau ngày "bán" bài thơ Màu tím hoa sim (100 triệu đồng) đến nay đã có một số tổ chức, cá nhân khác ở trong và ngoài nước đến đặt vấn đề muốn được khai thác toàn bộ những tác phẩm thi ca do ông sáng tác. Song ông không đồng ý bởi nhiều lý do.
Cái lý do cơ bản nhất là: "Thơ tôi làm ra không phải để bán. Tôi làm thơ chủ yếu là để phục vụ cho phong trào cách mạng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta. Để ca ngợi tình con người với con người và để chép lại những câu thiên tình sử đẹp nhất mà tôi đã gặp, đã chứng kiến. Những bài thơ đó, giờ nó đã trở thành tài sản chung của mọi người rồi". Ông cũng cho biết, những bài thơ do ông sáng tác đến giờ phút này đã bị thất lạc rất nhiều, do ông không có thói quen ghi chép và lưu trữ.
Tuy nhiên, những tác phẩm thi ca của nhà thơ Hữu Loan khó có thể lẫn đi đâu được vì nó có một bút pháp riêng, tạo nên một phong cách đặc biệt, mà Tình thủ đô của ông do Dương Tường và Mạc Lân nhớ lại vào cuối năm 2004 là một ví dụ rất cụ thể. Hiện Hữu Loan đã giao toàn quyền việc sưu tầm, lưu trữ các tác phẩm thơ do ông sáng tác cho người con trai thứ 8.
Đó là anh Nguyễn Hữu Đán - cán bộ Cty Tu bổ di tích và Thiết bị văn hoá trung ương thuộc Bộ VH-TT. Anh Đán cho hay, đến nay anh đã "tìm thấy" được cả thảy 60 bài thơ của ông sáng tác. Có những bài anh chỉ sưu tầm được 4-5 câu, nhưng cũng có những "trường ca" dài tới 60 trang.
Anh Đán cho biết việc sưu tầm tuy rất khó khăn, nhưng vì trân trọng những giá trị trong thơ, đã có những người tự mang thơ đến đưa lại ông sau nhiều năm thất lạc. Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Thanh ở đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã gửi lại cho nhà thơ Hữu Loan một bài thơ vô đề.
Bài thơ ca ngợi những y, bác sĩ đã hết lòng chăm sóc cho các thương binh trở về sau trận chiến chống lại kẻ thù xâm lược bảo vệ tổ quốc. Bài thơ có đoạn. "... Áo quần loang bết mủ/ Vết thương nhày hôi tanh/ Em đem về giặt giũ/ Chong đèn vá thâu canh/ Mai những người vui được áo lành...". Vào một thời điểm nào đó thích hợp anh Nguyễn Hữu Đán sẽ cho ra mắt Toàn tập Hữu Loan.
+ Chắc bác vẫn còn nhớ cảm xúc của mình khi viết nên bài Màu tím hoa sim được nhiều người coi là một "kiệt tác" của thi ca VN thế kỷ 20?
- Làm sao tôi có thể quên được điều đó. Màu tím hoa sim là màu tang thương của một tình yêu định mệnh, tình vợ chồng ngắn ngủi mà giờ đây nó chỉ còn lại trong ký ức của riêng tôi. Đó là một mối tình ly kỳ nhất và tôi là người may mắn nhất được tạo hoá ban tặng. Ngày tôi đặt chân đến gia đình ông Lê Đỗ Kỳ (sau này là nhạc phụ) làm gia sư cho ba người con trai của ông, cũng là ngày vợ ông ấy sinh hạ một bé gái xinh xắn.
Nhưng có một điều khác thường ở chỗ là cô bé không cất tiếng khóc chào đời như mọi đứa trẻ khác. Gia đình họ mang cô bé đặt lên trên nắp một cái thùng phuy để cầu nguyện một điều gì đó, tôi tò mò lại ngắm nhìn thì cô bé nhoẻn miệng cười với tôi. Lớn lên, tôi đi đâu cô bé ấy cũng đòi đi theo.
Và còn một điều kỳ lạ nữa là khi tôi quay trở lại làm gia sư dạy học cho chính cô bé sau này là vợ mình, nhà ông tham Kỳ lúc nào cũng có vài ba mươi người ăn, kẻ ở hầu hạ thế nhưng cô ta luôn giữ vali và không cho bất kỳ ai giặt quần áo của tôi, mà tự tay cô ấy giặt, là lấy rồi gấp xếp vào vali cho tôi.
Cô bé càng lớn càng đẹp, một vẻ đẹp thánh thiện. Chúng tôi cưới nhau ngày 16-2-1949 thì đến ngày 29-5 cùng năm đó, vợ tôi tên là Lê Đỗ Ninh mất do chết đuối, khi tôi đang hoạt động cách mạng ở Nưa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá). Đau thương này kéo dài lắm. Và cũng chính vì lẽ đó nên sau khi cô ấy mất, tôi có ý định không lấy vợ nữa. Mỗi lần nhớ tới cô ấy là tôi lại "khóc" ra một quãng của bài thơ Màu tím hoa sim hoàn chỉnh bây giờ.
+ Nhưng rồi định mệnh lại dắt bác đến với một người phụ nữ khác, sống cùng bác đến ngày hôm nay và đã sinh cho bác tới 10 người con.
- Người vợ thứ hai là bà Phạm Thị Nhu, sống với tôi hơn 50 năm rồi. Bà ấy cũng là một người phụ nữ sâu sắc. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé vào mỗi buổi chiều lại lén lút đứng bên ngoài song cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Khi gặp nhau, cô bé ấy mới nói vì đi nghe tôi giảng Kiều nên nhiều hôm để trâu ăn lúa, nên bị bắt phạt. Thì ra cô ta cũng là người có tâm hồn. Khiến tôi vẫn phải suy nghĩ rất nhiều mới có quyết định này. Rất may là sự quyết định của tôi đã không nhầm.
+ Với bác, điều tâm đắc nhất trong những tác phẩm của mình là gì, có thể định nghĩa được không?
- Trong thơ tôi có niềm khát khao cháy bỏng cho một đất nước được tự do, cho dân tộc được giải phóng khỏi ách đô hộ, đó là niềm lớn nhất. Còn nhớ, ngày đó có một viên trung tướng phục vụ cho thực dân Pháp được giao nhiệm vụ theo dõi để ám sát tôi. Vì lý do gì thì tôi không biết, nhưng ông ấy đã tìm gặp và nói với tôi rằng, khi ông ta đọc xong bài thơ Yên Mô thì ông ấy đã từ bỏ ý định ám sát tôi. Ông ấy rất yêu bài thơ Yên Mô của tôi viết về quê hương ông.
Viên trung tướng nói, mỗi một lúc ông nhớ quê là lại đọc bài thơ Yên Mô. Mỗi lúc định giết tôi, viên tướng lại nhớ đến quê mình nên lại thôi. Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Đặng Thai Mai cũng đã từng nói rằng, ông rất thích câu thơ cuối cùng trong bài Yên Mô: "Canh làng du kích Yên Mô/ Nửa đêm trăng mọc đỏ như cháy đồi".
Ông Đặng Thai Mai nhận xét rằng, câu thơ đã đốt cháy rực cả bài thơ lên. Nửa đêm trăng mọc, nhưng người ta cứ tưởng là du kích đánh cháy đồn địch. Cái sức sống mạnh mẽ trong mỗi tác phẩm thi ca là ở chỗ phải ghi được dấu ấn trong một thời khắc đặc biệt.
Bài thơ Tình thủ đô cũng là một minh chứng xác thực cho niềm tâm đắc mà tôi vừa nói ở trên. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn trước kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp. Một bộ phận trí thức chán nản, muốn quay lại nội thành Hà Nội. Nhưng bài thơ Tình thủ đô đã kêu gọi được tầng lớp trí thức là giáo viên, bác sĩ vững tin ở lại với kháng chiến, phục vụ cho kháng chiến.
+ Cháu xin tò mò một chút! Khoản tiền 100 triệu đồng thu về từ việc "bán" bài thơ Màu tím hoa sim đến nay bác sử dụng thế nào rồi?
- Sự thật tôi không có ý định "bán" Màu tím hoa sim, nhưng thấy họ giải thích thuyết phục nên mới xuôi lòng. Khoản tiền 100 triệu đồng, trừ thuế còn 90 triệu, chia "lộc" cho 10 người con hết 60 triệu đồng. Tôi giữ lại 30 triệu, phòng ốm đau lúc tuổi già.
- Xin cảm ơn bác và chúc bác một năm mới dồi dào sức khoẻ!

Theo Lao Động
________________________________________

Màu tím hoa sim là một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan, được sáng tác năm 1949 tại Thanh Hoá, vào thời điểm được cho là sau khi người vợ đầu tiên của tác giả qua đời.

Bài thơ xuất hiện đầu tiên trên tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính. Trong vụ án Nhân văn giai phẩm, nó bị coi là thứ văn chương ủy mị, mang tư tưởng tiểu tư sản, và là một trong những bằng chứng để bộ văn hóa đương thời kết tội tác giả của nó. Tuy nhiên bài thơ vẫn được truyền đi rộng rãi trong công chúng và ra tới miền Nam Việt Nam, tại đây bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành những bài hát nổi tiếng. Vào năm 2004, nó được mua bản quyền với giá 100 triệu đồng tiền Việt Nam, trở thành một kỷ lục Việt Nam[1].

Năm 1990, bài thơ được in lần đầu trong 1 tập thơ, đó cũng là tập thơ đầu tiên được xuất bản của Hữu Loan: Mầu tím hoa sim.

Nội dung, xuất xứ
Thơ nói về 1 cuộc tình đau khổ trong chiến tranh, với nhân vật chính là anh lính và một cô thiếu nữ. Họ yêu nhau, cưới nhau, trước khi chia tay nhau để anh lính đi ra trận. Anh vẫn thường lo lắng nếu như mình bỏ mạng nơi chiến trường thì thương cho người vợ, thế nhưng vào cái ngày anh trở về với niềm háo hức, thì nghe tin vợ đã chết. Trong miền hồi tưởng, anh nhớ về những kỷ niệm xưa, với hình bóng dịu dàng, thầm lặng của người thiếu nữ, anh nghĩ đến những đứa em, những người anh của cô gái cũng đã đi lính nơi xa xăm. Rồi anh lại ra đi. Trên con đường hành quân, qua những đồi sim tím, hình bóng của người vợ nhỏ vẫn vang về đâu đó, như nhắc khơi về một câu ca dao cũ: "Áo anh sứt chỉ đường tà/Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...".

Thời điểm sáng tác của bài thơ, theo nhiều người, là sau khi người vợ đầu tiên, bà Lê Đỗ Thị Ninh của tác giả chết đuối khi trượt chân xuống bến nước trong trang trại của nhà[2] (trong bản in của bài thơ thường có thêm phần đóng dấu trong ngoặc đơn: "Khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh"). Bà Ninh là một thiếu nữ đẹp, con gái của ông Lê Đỗ Kỳ, kỹ sư canh nông, đã từng giữ chức Tổng Thanh tra Canh nông Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Kỳ là đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên.[3]. Vợ ông là con một nhà khoa bảng đất Thanh Hóa, sau Cách mạng có công tác ở hội phụ nữ.

Hữu Loan quen biết gia đình ông Lê Đỗ Kỳ khi nhà thơ 26 tuổi và được mời về dạy học cho ba người con trai lớn của ông quan kỹ sư Canh nông, lúc đó cô Ninh mới 10 tuổi. Trong suốt thời gian ở trong gia đình họ Lê Đỗ, ông coi cô như em gái của mình.[3]

yêu nàng
như tình yêu em gái

Điều mà nhà thơ không biết là bà Kỳ rất quý mến ông nên đã có ý gả cô em gái tên Nga cho ông, nhưng do cô Nga không muốn vương vấn chuyện đời mà muốn xuất gia theo đạo nên bà lại chuyển sang muốn gả con gái mình.[3] Ông bà Lê Đỗ Kỳ không thổ lộ điều này nhưng bắt đầu bí mật để ý đến nhà thơ. Khi Hữu Loan đi tham gia kháng chiến, làm chính trị viên tiểu đoàn ở Đại đoàn 304 của tướng Nguyễn Sơn, cùng đơn vị với ông có Quốc, là người em họ với cô Ninh. Mãi cho đến một hôm, Quốc mới tiết lộ cho ông biết là bà Kỳ cử Quốc "giám sát" Hữu Loan để đề phòng ông có tình ý với những phụ nữ khác.[2]

Khi biết được gia đình ông bà Kỳ có ý tác thành, nhà thơ về thưa chuyện với ông bà xin cưới cô Ninh. Đám cưới diễn ra đơn giản, cô Ninh tuy là con nhà giàu, tư sản gia đình có đến 500 mẫu ruộng[2] nhưng cô sống hết dức giản dị, ngày cưới cô còn không đòi phải may áo mới: "ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới" vì cô Ninh nói với ông là vợ chồng cốt ở yêu nhau, không cần bày vẽ.[2] Nhà thơ và "cô em gái nhỏ" làm lễ thành hôn ngày 16 tháng 2 năm 1949 trong một lần ông xin về phép. Điểm nội bật của đám cưới chỉ là chiếc bình hoa. Chiếc bình mà ba tháng sau ông về khóc vợ đã thành chiếc bình đựng hương trên mộ, chiếc bình hương đặc biệt ấy ông Hữu Loan vẫn giữ đến tận bây giờ, đặt trên bàn thờ cô Ninh.[2]

chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh
vây quanh


Từ ngày cưới 16 tháng 2 đến ngày 29 tháng 5 cô Ninh mất là hơn 3 tháng.[2] Số ngày cô sống bên chông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cô Ninh hay mặc áo tím và ông cũng đã có lần dẫn cô đi chơi lên những đồi hoa sim tím và ngẫu nhiên là dọc bờ sông nơi cô chết cũng mọc đầy những hoa sim tím.[2]

Bài thơ lâu nay được lưu truyền nhiều dị bản, các bản thường khác nhau về cách xuống dòng, về từ ngữ, viết hoa và viết thường. Bản được Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật đóng dấu đăng ký là bản chép tay của ông vào ngày 12/10/2004.

Nhân vật trong bài
Trong bài ngoài 2 nhân vật chính là anh lính và người vợ, còn có 3 người anh:

Một chiều rừng mưa
ba người anh,
từ chiến trường Đông Bắc
được tin em gái mất
trước khi em lấy chồng


Ba người anh cũng là nhân vật có thật: người anh cả là ông Lê Đỗ Khôi, làm Chính ủy tiểu đoàn, hy sinh trên đồi Him Lam chỉ vài giờ trước khi trận Điện Biên Phủ kết thúc. Người anh thứ hai là ông Lê Đỗ Nguyên, tức Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị còn người anh thứ ba là ông Lê Đỗ An, tên công tác là Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn - Phó Ban dân vận Trung ương.[2] Lúc đó cả ba người anh đều đang ở chiến trường Đông Bắc, do thư từ thời đó vận chuyển khó khăn nên họ nhận được tin em gái chết trước khi nhận được thư nhà báo tin em lấy chồng[2]

Trích đoạn
Đoạn trích sau đây lấy từ bản đăng trên báo Tuổi trẻ Online [2]:

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương

...

Phổ nhạc
Sự nổi tiếng của bài thơ còn được góp công phần nào bởi các nhạc sĩ: Dzũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng, Duy Khánh... là những người đã phổ nhạc dựa trên ý thơ của bài. Riêng bài "Những đồi hoa sim" của Dzũng Chinh và "Áo anh sứt chỉ đường tà" của Phạm Duy, một bi ca, một hùng ca, cho đến nay vẫn là những tác phẩm nổi tiếng nhất dựa trên bài thơ Mầu tím hoa sim.

Những đồi hoa sim
Bài chi tiết: Những đồi hoa sim
Bài Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh ra đời vào thập niên 1960, là bản phổ nhạc sớm nhất được ghi nhận của bài thơ này, được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện: Phương Dung, Hương Lan, Duy Quang, Sơn Tuyền, Như Quỳnh...

Bài hát viết theo điệu Slow rumba (cũng thường được đàn theo điệu Boléro), âm giai chủ Rê thứ. Lời bài ca không bám sát theo nội dung thơ, chỉ lấy ý. Tuy nhiên trên 1 bài phát biểu trong Kiến thức ngày nay, Hữu Loan cho rằng ông thích nhất bản phổ nhạc này.

Trích lời:

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến ai hẹn được ngày về
Rồi một chiều mây bay, từ nơi chiến trường đông bắc đó
Lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi


________________________________________________

NNH Sk...........
Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim. Empty
Bài gửiTiêu đề: Nhạc phẩm: Những đồi hoa sim...   Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim. EmptySat Apr 30, 2011 12:41 am

NNH kính mời quý anh chị và quý bạn bè nghe lại nhạc phẩm

Những đồi hoa sim
Nhạc Dzũng Chinh - Trình bày: ca sĩ Phương Dung



Những đồi hoa sim
Nhạc Dzũng Chinh - Trình bày: ca sĩ Như Quỳnh


_____________________________________________


Được sửa bởi NgNgHai ngày Fri May 06, 2011 8:38 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
NgNgHai
Admin
NgNgHai


Tổng số bài gửi : 1379
Join date : 28/04/2011

Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim. Empty
Bài gửiTiêu đề: Bài thơ: màu tím hoa sim - hữu loan   Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim. EmptySat Apr 30, 2011 3:18 pm

Màu tím hoa sim
- HỮU LOAN
Hôm nay đọc lại bài thơ "Màu tím hoa sim" mà sao vẫn thấy xúc động qua....


Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình

Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về

Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa

một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng

Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim

tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa

Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...

___________________________________________________

Về Đầu Trang Go down
https://runglathap.forum-viet.com
Sponsored content





Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim.   Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim. Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Hữu Loan thi nhân - và thi phẩm bất hủ: màu tím hoa sim.
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Nhà thơ HỮU LOAN với nhạc phẩm Những đồi hoa sim...
» Chút Cảm nhận qua thi phẩm MÙI CỦA MẸ...
» Bài Cảm nhận qua thi phẩm: Trăng tàn của MS LeVanThe...
» Những thực phẩm “xoá” nhăn
» Bài Cảm nhận về Tác phẩm Giọt nắng Mãi còn rơi - VươngThuHà

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: VĂN - THƠ :: SƯU TẦM SƯU KHẢO-
Chuyển đến